Việc chọn sách ở các trường cũng muôn dạng, có nơi, mỗi tuần chỉ nhận về được một bộ; có bộ thì mấy trường phải luân chuyển cho nhau. Thậm chí, có trường giao việc chọn sách cho một giáo viên…
“Sáng kiến” mua chịu
Cuối năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã yêu cầu các nhà xuất bản (NXB) phải công bố giá sách giáo khoa (SGK) lớp Một mới trước ngày 15/2/2020 để phục vụ công tác lựa chọn SGK, cũng như giúp các địa phương có thông tin đầy đủ khi chọn sách. Thế nhưng đến nay, từ các sở GD-ĐT đến các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh đều chưa được biết giá của bất kỳ bộ SGK nào.
Ngay Bộ GD-ĐT cũng chưa có bất kỳ thông tin gì liên quan đến giá SGK lớp Một mới. Bởi SGK là mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, do đó, các NXB phải tự kê khai với Bộ Tài chính. Được biết, có NXB đã hoàn thành thủ tục này, nhưng giá SGK theo kê khai của NXB phải được Bộ Tài chính phê duyệt thì mới có thể công khai.
|
Giáo viên một trường tiểu học đang chọn sách giáo khoa (ảnh minh họa) |
Hầu hết các trường trên cả nước, học sinh đều được nghỉ từ sau tết Nguyên đán đến nay. Nhiều thầy cô đã hy vọng, việc không lên lớp sẽ giúp họ có nhiều thời gian để nghiên cứu SGK hơn.
Nếu không có dịch COVID-19 và diễn biến dịch không phức tạp, thì căn cứ thời gian thực tế, các trường chỉ có vỏn vẹn một tháng cho việc chọn SGK (Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phải chọn xong SGK lớp Một mới trước tháng 3/2020). Nhưng ở nhiều địa phương, ít nhất là nửa đầu tháng Hai, hội đồng chọn SGK của các trường vẫn chưa có SGK để nghiên cứu.
Ngay Hà Nội, tuần đầu tiên của tháng Hai, nhiều trường tiểu học mới lấy về được một bộ SGK. Và tuần tiếp theo có thêm một bộ SGK nữa…
Mỗi tuần chỉ nhận được một bộ, nhưng dù sao vẫn có SGK để nghiên cứu. Có địa phương như Nghệ An, ngành giáo dục của tỉnh này đã sớm đề xuất với UBND tỉnh việc cấp kinh phí mua SGK để phát đến từng trường. Tỉnh đồng ý, nhưng vì chưa có giá SGK nên sở không biết phải đề xuất bao nhiêu kinh phí.
Ngành giáo dục tỉnh Hưng Yên thì quá sốt ruột, không thể chờ đến lúc công bố giá SGK để viết vào tờ trình cấp kinh phí, gửi lên UBND tỉnh. Lãnh đạo ngành giáo dục của tỉnh này bèn nảy ra “sáng kiến”: mua chịu. Sở đề nghị các đơn vị xuất bản cấp sách về các trường trước, khi nào công bố giá SGK sẽ kinh phí trả tiền đầy đủ.
Có những trường chọn cho xong
Ở các trường tư thục, việc tiếp cận với các bộ SGK mới đơn giản hơn, vì không phải chờ các NXB báo giá, xin cấp kinh phí. Ở Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (TP.Hà Nội), cả năm bộ SGK hiện đang được rà soát. Trường sẽ chọn theo mục tiêu đào tạo của trường, thông qua kiến thức để rèn luyện kỹ năng cho học sinh.
Do đó, “SGK chỉ là một phần cốt lõi, còn lại chúng tôi có chương trình riêng. Chương trình riêng, chúng tôi đã có từ nhiều năm, nên có thể có những sách trường không mua. Như tin học chẳng hạn, chúng tôi có chương trình riêng, phù hợp với mục tiêu đào tạo của trường”, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Hiền, người đứng đầu Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm, cho biết.
Theo thông tư hướng dẫn chọn SGK mới năm học 2020-2021, hội đồng chọn SGK gồm chủ tịch là người đứng đầu trường học, phó chủ tịch hội đồng là cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng chuyên môn, giáo viên và phụ huynh. Tuy nhiên, không biết có phải vì thời gian quá gấp rút hay không, mà có trường chỉ mấy giáo viên khối Một được đọc sách, còn những người khác thì không.
Chưa có SGK và thời gian quá gấp, nên một số giáo viên ở các tỉnh đành phải xem các bản mẫu trên internet. Với các bản mẫu này, giáo viên có thể nghiên cứu được nội dung chương trình môn học. Nhưng bản mẫu trên mạng không thể hiện được những yếu tố như SGK, ví dụ hình ảnh.
Trước không ít băn khoăn của những người ngoài ngành về thời gian chọn SGK cứ ngắn dần, ngắn đến mức chỉ tính bằng ngày, thì không biết các thầy cô sẽ chọn SGK ra sao. Một viên chức giáo dục của TP.Hà Nội cho biết: “Hôm trước, tôi lên phòng GD-ĐT lấy SGK mang về trường, hôm sau đã thấy giáo viên đưa đánh giá để đi nộp. Thậm chí ở trường trước đây tôi công tác, việc chọn SGK còn giao cho một giáo viên đại diện, cho gọn”.
Vị này cũng thắc mắc: “Mỗi trường được một bộ, trường tôi mới lấy về ba bộ, còn thiếu hai. Nhưng có bộ còn không đủ mỗi trường một, mà mấy trường phải chung nhau, đọc luân phiên. Không hiểu do thiếu sách hay trường làm thế cho… đơn giản?”.
Có thể, những trường chọn sách theo lối “chọn cho có” đó không nhiều so với tổng số các trường tiểu học trên cả nước, nhưng rõ ràng, chương trình mới cần phải đồng bộ ở tất cả các trường, trên khắp các địa phương, về mọi mặt.
Công bằng mà nói, lỗi không hoàn toàn do những người chọn sách. Việc các giáo viên có quá ít thời gian nghiên cứu SGK, cộng với việc đã cận kề thời gian phải chọn xong sách, mà giá SGK vẫn chưa được công bố, chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định từ kết quả chọn SGK ở các trường và rộng ra là các địa phương. Chưa kể, còn dấy lên nghi ngờ, liệu việc chọn sách có thực sự nghiêm túc, hay cũng chỉ là công đoạn làm cho có, “chứ có khi “họ” đã chọn xong rồi”.
Ngọc Minh Tâm
Tôi chỉ được đọc một quyển Tiếng Việt để chọn sách
Đầu tháng 1/2020, công tác lựa chọn SGK lớp Một được triển khai ở tất cả các trường tiểu học trong tỉnh. Tôi được ban giám hiệu phát một quyển sách Tiếng Việt và yêu cầu nghiên cứu, chỉ ra những điểm hay - dở trong vòng một ngày và nộp lại ý kiến của mình ngay hôm sau. Mỗi giáo viên cho ý kiến về một quyển sách được phân công để ban giám hiệu tổng hợp rồi đưa lên trên.
Tôi đành gọi điện thoại nhờ người quen có quan tâm... xem phụ, bởi tôi lo mình không thể nào thực hiện yêu cầu đó trong một ngày. Cầm quyển sách mới dày mấy trăm trang, với khoảng thời gian hạn hẹp, tôi chỉ có thể cố gắng lướt qua bố cục, nội dung chính rồi dừng lại ở một số trang có sự thu hút đặc biệt, ghi lại một số ý kiến của mình trong nỗi bất nhẫn. Bởi lựa chọn sách đâu phải như lựa chọn một món hàng. Với một nội dung từ sách, tôi cần thời gian để xem xét, gắn vào thực tế giảng dạy ở trường mới có thể nói rằng điều đó có hợp lý hay không.
Dù đã cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tôi chưa bao giờ hài lòng, bởi đó là kết quả của một sự qua loa. Gọi là chọn lựa, nhưng tôi không hề có sự so sánh để đưa ra quyết định mang tính lựa chọn. Bởi, tôi không biết gì hơn ngoài quyển sách Tiếng Việt được nhà trường phân công, trong khi có đến năm bộ sách cần phải xem xét một cách kỹ lưỡng.
Đến nay, tôi chưa biết được bộ sách mình sẽ dạy trong năm tới, trong khi thời gian còn lại không nhiều. Mặc dù đợt tập huấn sẽ diễn ra nhưng có lẽ, với khoảng thời gian ít ỏi còn lại sau khi kết thúc năm học, tôi e rằng bản chất của việc tập huấn cũng sẽ gấp gáp như khâu lựa chọn sách mà thôi.
Một giáo viên tiểu học (tỉnh Bình Thuận)
|
Giáo viên còn nhiều băn khoăn
Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường tiểu học Bình Hòa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM, cho hay: "Tại trường tôi, giáo viên đã nhận được SGK và bắt tay vào đọc để đưa ra lựa chọn. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian eo hẹp, việc lựa chọn SGK khó tránh khỏi kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”.
Tôi thấy việc lựa chọn SGK hiện nay cũng chỉ dựa trên sự nhận định một cách cảm tính của giáo viên. Bởi lẽ, để chọn được sách tối ưu, giáo viên, học sinh phải được dạy thử, học thử... Nhiều cuốn sách khi đưa vào dạy học mới bộc lộ những bất cập, những “hạt sạn”. Lúc đó, giáo viên muốn kiến nghị đổi SGK thì các cơ sở giáo dục sẽ phải làm thế nào? Cần có những quy định phù hợp với thực tiễn. Thông tư cũng cần quy định rõ việc lựa chọn SGK sẽ diễn ra hằng năm hay ổn định trong nhiều năm mà không được lựa chọn lại để tránh lãng phí".
Cùng trăn trở về SGK, một cô giáo xin giấu tên công tác tại một trường tiểu học tỉnh Đắk Nông, chia sẻ: “Tôi nghĩ đến tình huống năm nay học bộ sách này, sang năm lên lớp Hai học sinh lại học bộ khác. Mỗi sách một tiêu chí, mỗi năm lại chọn một bộ sách khác nhau, bản thân giáo viên chưa dạy quen bộ sách này đã phải chuyển sang bộ khác. Nghĩ thôi cũng thấy bao sự khó hiểu.
Đại Minh
|