Khổ vì chồng chưa đủ nên giờ đến con cũng đọa đày tâm trí mình...

17/09/2016 - 11:30

PNO - Hôn nhân đã biến chị từ người phụ nữ dịu dàng, biết vun vén cho gia đình giờ thành người đàn bà ích kỷ. Chị đã không biết rằng chính lối sống tiêu cực của mình đã tác động đến nhận thức và thái độ của con.

Con gái chị đã 16 tuổi, trong bữa cơm thỉnh thoảng thấy con buông tiếng thở dài. Ở tuổi của con đang diễn ra nhiều biến đổi về mặt tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với đời sống xung quanh. Vậy mà trong những va chạm, xung đột gia đình, chị lại thường không để ý đến ánh mắt buồn bã của con nhìn mình như van nài.

Hôn nhân đã biến chị từ người phụ nữ dịu dàng, biết vun vén lo toan cho gia đình giờ thành người đàn bà ích kỷ hay phá phách. Trong suốt những tháng năm quăng mình trượt dài trong những cuộc vui, chị đã không biết rằng chính lối sống tiêu cực của mình đã tác động đến nhận thức và thái độ của con.

Chị quăng quật đời mình tàn nhẫn đến mù quáng, tự bản thân chị không nhận biết được. Phải đến khi thấy đứa con gái bé bỏng ngày nào trở nên bất cần, bướng bỉnh, ham đua đòi chơi bời thì chị mới thấy đau. Người đời có câu “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy”, nghiệm mà thấy đắng lòng... Nhiều người nói chị đổ đốn nên mới bỏ mặc chồng con.

Chị chẳng buồn quan tâm đến những điều họ nghĩ vì chị đã quá mệt mỏi. Chồng chị là kiểu đàn ông hiền lành, ba phải, không có chí tiến thủ. Lấy nhau bao nhiêu năm rồi mà vợ chồng con cái vẫn sống chui rúc trong căn nhà chật chội có đến ba thế hệ.

Kho vi chong chua du nen gio den con cung doa day tam tri minh...

Anh không coi trọng chuyện kiếm tiền nên không biết nắm bắt những cơ hội tốt để thăng tiến. Chị quá chán cảnh đi làm mệt mỏi cả ngày về phải rúc đầu trong ngôi nhà lúc nào cũng đông đặc mùi bếp núc, ngửi đâu cũng thấy tanh nồng ám cả vào quần áo. Chị cũng chán phải ngồi chung mâm cơm với người mẹ chồng hay xét nét.

Đã không thích nhau mà nhà chật quá, đi đâu cũng chạm mặt. Hồi con gái còn nhỏ, những đêm thức trắng bế đứa con ốm yếu trên tay, chị nhìn ra ngoài cửa sổ chỉ thấy đen đặc màn đêm ẩn nấp sau những bức tường kiên cố. Chị thấy đời sao ngột ngạt, khó thở đến vậy.

Thế mà anh cứ thản nhiên đọc sách, thản nhiên nghe nhạc cổ điển, cuối tháng cầm đưa vợ tiền lương cơ bản vài triệu bạc thế là xong nhiệm vụ. Anh đâu có biết chị phải xoay xở, chắp vá thế nào mới lo đủ cho năm miệng ăn. Sự mệt mỏi lấn chiếm chị như một thứ bóng đen đầy quyền lực. Nó biến chị thành con người khác bằng những lo toan vụn vặt mỗi ngày.

Chị hay càu nhàu chồng, cáu gắt với con hay bực mình với bố mẹ chồng. Ngay cả trong bữa ăn cũng mang nhau ra chì chiết. Không khí gia đình chị ngày càng ngột ngạt. Đã nhiều lúc chị thấy bế tắc, mải vùi mình trong những suy nghĩ cùng quẫn nên chị không còn thời gian để ý thấy con đang thay đổi mỗi ngày.

Để tự giải thoát cho mình, chị lao đầu vào những cuộc vui. Thiếu thốn sự sẻ chia ở chồng thì chị tìm đến bờ vai người đàn ông khác. Thường trở về nhà muộn hơn khi đã ngấm hơi men, đặt lưng xuống là chị ngủ. Không ngó qua phòng con xem con có ở nhà hay không, con buồn hay vui, chuyện trường lớp học hành có tốt.

Phải đến khi nhận được phản ánh của thầy cô vì con hay trốn học, chị mới giật mình. Chiều đó, chị về sớm hơn mọi khi, qua trường đón con nhưng đợi hoài không thấy con đâu. Chồng đi công tác xa, còn bố mẹ chồng tuy đã già nhưng không thích ở yên một chỗ nên tháng nào cũng đi thăm con cháu khắp nơi.

Chị ngồi một mình giữa căn nhà thinh lặng cảm nhận rất rõ nỗi hoang mang tràn ngập trong lòng. Đêm đó con về rất khuya, ăn mặc bụi bặm, son phấn lòe loẹt ngước mắt nhìn chị bằng ánh mắt mỏi mệt thoáng chút bất ngờ.

Chắc con không nghĩ mẹ sẽ về nhà sớm. Hàng ngày con gái chị chẳng chịu học hành gì, bỏ đi chơi đàn đúm cùng chúng bạn rồi áng chừng giờ để về trước lúc chị có mặt ở nhà. Khi nghe hỏi về tình hình học tập, con chỉ im lặng bất cần. Thái độ của con khiến chị phát điên.

Hóa ra mình vất vả ngược xuôi cũng vì muốn lo cho nó học hành, vậy mà nó không hề thương mình. Trong cái nhà này mình chẳng là gì hết, khổ vì chồng chưa đủ nên giờ đến con cũng đọa đày tâm trí mình. Hóa ra mọi cố gắng của mình đều công cốc, vậy thì còn gì đáng để thiết tha đâu.

Không kiềm chế được cơn nóng giận, chị trút tất cả lên đầu con. Đáp lại thái độ của chị, không phải là sự sợ hãi, cũng chẳng hề hối lỗi, mà con dùng những lời lẽ cay nghiệt làm mẹ điếng lòng. Con buông những lời chắc nịch với vẻ giễu cợt và thách thức: “Con học mẹ tất cả đấy. Con sống giống mẹ không phải quá tốt sao. Vậy mẹ còn muốn gì hơn chứ?”.

Đứa con gái bé bỏng ngoan ngoãn của chị đây ư? Đứa con từng líu ríu theo chân mẹ khắp nơi, lúc nào cũng muốn vùi vào lòng mẹ , hít hà hương tóc mẹ đây ư? Đứa con từng ngần ngại khi chìa tay nhận từ mẹ mấy ngàn đồng tiền ăn sáng. Đứa con biết giữ gìn đồ đạc và luôn miệng bảo với mẹ rằng “con không thích dùng đồ mới tí nào” chỉ vì sớm biết thương bậc sinh thành.

Ấy vậy mà giờ đây con như đã tuột khỏi vòng tay chị, như không còn là đứa con gái mà chị tin tưởng và thương yêu nữa. Tại sao nó dám buông những lời nói sắc như dao nhọn ấy với người mẹ đã mang nặng đẻ đau, đã vất vả vì mình?

Nhiều ngày sau đó, chị sống trong nỗi giày vò, đau đớn khi nhìn con mỗi ngày mỗi xa lạ, mỗi lêu lổng hoang phí cuộc đời. Chị càng nghĩ đến câu nói của con càng thấm thía.

Phải chăng vì chị đối xử không tốt với bố mẹ chồng, chị cũng không chu đáo với chính bố mẹ đẻ của mình mà giờ đây con gái đang chống đối lại chị? Phải chăng vì quá mỏi mệt chuyện cơm áo gạo tiền, chị tự cho mình cái quyền không cần quan tâm đến cảm giác của người thân nên con gái chị cũng học cách cư xử với mẹ mình như thế? Phải chăng vì chị sống buông thả, bỏ bê gia đình mà con cũng đang dần giẫm theo vết chân bụi bặm của mẹ nó?

Chao ôi, những con sóng mà chị tạo ra đang nhấn chìm lòng chị. Chị không biết phải cùng con vượt qua giai đoạn này như thế nào. Nhưng có một điều mà chị biết chắc chắn, ấy là mình phải sống khác đi…

Vũ Thị Huyền Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI