Khó vay vốn hỗ trợ mùa dịch, doanh nghiệp muốn Chính phủ bảo lãnh

30/04/2020 - 13:59

PNO - Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB) kiến nghị Chính phủ xem xét, tạo điều kiện bảo lãnh tín dụng 150.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành.

Lý do TAB đưa ra kiến nghị này vì ngành du lịch là một trong những ngành ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19.

Theo TAB, trong năm 2019 ngành du lịch Việt Nam đã đóng góp 8,8% GDP (khoảng 536.000 tỷ đồng), số lượng người lao động đạt 4,9 triệu người, chiếm 9,1% tổng số lao động cả nước. Trong bốn năm gần đây cứ bốn việc làm mới được tạo ra trong xã hội thì có một việc làm trong lĩnh vực du lịch và lữ hành.

Vắng khách du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành không có doanh thu nên không thể tiếp cận các gói vay hỗ trợ
Vắng khách du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành không có doanh thu nên không thể tiếp cận các gói vay hỗ trợ. Ảnh: Minh Thanh

Tuy nhiên do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành du lịch ảnh hưởng nặng nề. Theo khảo sát của TAB trong 394 doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc lĩnh vực du lịch, lữ hành thì có 71% doanh nghiệp giảm doanh thu hơn 30% trong quý I/2020 và dự kiến sẽ có 77% doanh nghiệp giảm doanh thu 80% so với năm 2019. 18% danh nghiệp đã cho nghỉ việc toàn bộ nhân viên và 48% cho nghỉ việc với tỷ lệ hơn 50%. Hơn 88% doanh nghiệp mong muốn họ cần gói hỗ trợ tài chính bằng hình thức vay vốn có bảo lãnh của Chính phủ.

Riêng tại TPHCM, có 90% doanh nghiệp ngừng hoạt động và 70% nhân viên (hơn 2.000 người) phải nghỉ việc không lương. 25 khách sạn và khu nghỉ cao cấp cho biết bị giảm tới 58% sản lượng trong quý/2020 so với cùng kỳ năm trước.

Trước thực trạng này, TAB kiến nghị Chính phủ cần sớm có hành động hỗ trợ ngành du lịch. Nhiều nước đang chọn du lịch và lữ hành là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn và có biện pháp hỗ trợ như: Singapore đã công bố chính sách tín dụng mà các công ty có thể vay đến 1 triệu USD với lãi suất 5%, hoàn lại thuế tài sản, chính phủ đóng góp 8% lương của người lao động trong 3 tháng; Thái Lan công bố hỗ trợ 62% lương hàng ngày của người lao động trong lĩnh vực du lịch, tối đa đến 15.000 bạt mỗi tháng (460 USD). “Với các doanh nghiệp Việt Nam thì Chính phủ có thể tạo điều kiện và bảo lãnh tín dụng thông qua hệ thống ngân hàng với giá trị lên đến 150.000 tỷ đồng, tương đương 25% doanh thu năm 2019 của ngành du lịch” – TAB kiến nghị.

Theo chương trình này, các doanh nghiệp đăng ký sẽ có thể vay vốn định kỳ hàng quý cho hai quý tiếp theo, với số tiền tương đương với khoản thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và đóng góp ngân sách năm 2019, cộng với số tiền doanh nghiệp đã đóng đảm bảo cho các hình thức bảo hiểm xã hội và y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Những doanh nghiệp muốn vay vốn từ gói này phải có đầy đủ điều kiện như có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thể hiện là doanh nghiệp du lịch, lữ hành; vốn điều lệ tối thiểu 3 tỷ đồng; có tối thiểu 10 người lao động toàn thời gian vào thời điểm 29/2/2020 cũng như đã đóng đủ các khoản bảo hiểm và thuế của năm 2019.

Lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước ở thời điểm rút vốn vay cộng thêm 0,5%, cố định trong 6 tháng và điều chỉnh theo lãi suất tái cấp vốn tại thời điểm cộng thêm 0,5%.

Vốn vay sẽ được giải ngân 2 lần theo quý, bắt đầu từ tháng 4/2020 và doanh nghiệp cũng sẽ trả nợ làm hai lần, vào thời điểm 11 tháng sau mỗi lần rút vốn vay từ năm 2021. “Chúng tôi tin tưởng rằng đại đa số doanh nghiệp sẽ có khả năng hoàn trả các khoản vay” – TAB nêu trong văn bản.

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI