Khó vẫn phải làm

25/12/2023 - 06:50

PNO - Nếu lực lượng chức năng không nghiêm, sẽ không thể thay đổi văn hóa uống rượu, bia của người dân.

“Văn hóa” rượu, bia đã có từ lâu đời ở Việt Nam. Xã hội cũng dễ dãi đến nỗi chúng ta thành quen thuộc với hình ảnh các quán nhậu luôn đầy ắp người, bất kể ngày đêm. Thậm chí, mỗi khi nhà có đám tiệc, lễ lạt thì các cuộc nhậu nhẹt thường… “tới bến”. Rượu vào lời ra, mới bạn bè, anh em thân tình đó đã thay bằng các cuộc cãi vã, bất hòa, thậm chí gây thương tích, tai nạn, án mạng cho nhau.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ở nước ta mỗi năm có hơn 40.000 người tử vong liên quan đến rượu, bia. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp gây ra ít nhất 30 bệnh lý, chấn thương, nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh. Ở khía cạnh gia đình, rượu, bia dẫn đến 33,7% các vụ bạo lực.

Thế nên, từ ngày 24/11, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TPHCM đã đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng có cồn khi lái xe và nhận được sự đồng tình của nhiều người dân. Từ khi có quy định chặt chẽ khi đã uống rượu, bia không lái xe triệt để 100%, tình trạng la cà, nhậu nhẹt sau giờ làm đã giảm rõ rệt, “dân nhậu” cũng có ý thức hơn, không dám tự lái xe sau khi uống bia, rượu, giảm thiểu tai nạn giao thông. 

Bên cạnh đó, vẫn còn một số ý kiến cho rằng chỉ uống một chút rượu, bia sẽ không thể gây ra tai nạn giao thông khi lái xe. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế dự phòng, một người có nồng độ cồn trong máu khoảng 0,01g/dl, tương đương với một ngụm rượu hoặc 1/4 lon bia, đã bắt đầu có các rối loạn như giảm các chức năng của não bộ trung tâm, tăng hưng phấn, thiếu kiềm chế, rối loạn vận động… Từ đó ảnh hưởng đến kiểm soát tốc độ, duy trì hướng, phản xạ phanh, nóng nảy, hơn thua… trong lúc điều khiển phương tiện giao thông. Điều này làm tăng nguy cơ gây tai nạn giao thông, dẫn đến tử vong hoặc tàn phế nặng nề.

Theo ông Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, nếu lực lượng chức năng không nghiêm, sẽ không thể thay đổi văn hóa uống rượu, bia của người dân. Điều chỉnh ngưỡng nồng độ cồn tối thiểu, người dân vẫn tiếp tục uống. Một khi đã ngồi vào bàn nhậu, rất khó để dừng lại ở một vài ly. Như thế, tình hình tai nạn sẽ không thể giảm được.

Có thể ban đầu, người dân sợ bị xử phạt vi phạm nồng độ cồn sẽ không dám uống rượu, bia khi lái xe hoặc ngược lại. Nhưng dần dần, từ chỗ sợ bị phạt, mọi người sẽ giảm uống rượu, bia, không nhậu nhẹt tùy hứng, không lái xe sau khi nhậu, hình thành thói quen, có ý thức tích cực hơn khi uống rượu, bia. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu trong nhận thức mỗi người. 

Thay đổi nhận thức về sử dụng bia, rượu còn có ý nghĩa rất lớn đến cả một thế hệ. Cha mẹ có quy định nghiêm ngặt và uống rượu, bia có trách nhiệm sẽ giáo dục, làm gương cho trẻ nhỏ tốt hơn; giúp con nỗ lực hướng tới chia sẻ trách nhiệm cộng đồng trong việc giữ an toàn cho mọi người. Ngược lại, những gia đình có con ở độ tuổi thanh thiếu niên, nếu chứng kiến cha mẹ say xỉn, các em sẽ tăng nguy cơ uống rượu bia lên gấp đôi và nguy cơ nghiện rượu bia khi lớn, trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Trên thực tế, pháp luật cũng phải hợp lý, minh bạch, phù hợp mới có thể đi vào cuộc sống. Để người dân phối hợp tốt với lực lượng cảnh sát giao thông trong kiểm tra nồng độ cồn, các đơn vị cần có điều tra, khảo sát số lượt vi phạm về nồng độ cồn, bao gồm trục đường, khung giờ… thật khoa học. Đặc biệt, các trạm chốt cần hợp lý, tránh tình trạng cảnh sát giao thông ra tín hiệu yêu cầu dừng xe đột ngột, dễ gây ra ùn tắc, va chạm, cũng như người lái xe liên tục bị yêu cầu dừng xe kiểm tra sẽ tốn thời gian, nhiều phiền hà, dễ bị phản ứng. 

Thay đổi nhận thức và thói quen uống rượu bia cho vui, thành uống rượu bia có chừng mực, có trách nhiệm là rất khó, nhưng vẫn phải làm; bởi vì đây là hành động tốt cho gia đình, cho xã hội. Chính vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi.

An Nguyên 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI