Khó triển khai dạy ngoại ngữ 2, các trường tổ chức dạy theo chương trình nhà trường

08/08/2022 - 14:21

PNO - Gặp khó khăn về đội ngũ công tác khi tổ chức dạy ngoại ngữ 2, nhiều trường THPT tại TPHCM dạy ngoại ngữ mới cho HS khối 10 theo chương trình riêng.

Theo tìm hiểu, việc triển khai dạy thêm một ngoại ngữ mới cho học sinh khối 10 - ngoài tiếng Anh - đa phần được các trường THPT ở TPHCM thực hiện theo hình thức ngoại ngữ tự chọn trong chương trình nhà trường. Hình thức này giúp các trường chủ động về nguồn lực giáo viên song vẫn đảm bảo học sinh tiếp cận thêm một ngoại ngữ mới. Rất hiếm trường tổ chức giảng dạy theo hình thức ngoại ngữ 2 do gặp khó khăn về đội ngũ và công tác tổ chức.

Khó khăn về đội ngũ và cách thức tổ chức khi giảng dạy ngoại ngữ 2, nhiều trường THPT tri
Do gặp khó khăn về đội ngũ và cách thức tổ chức khi dạy ngoại ngữ 2, nhiều trường triển khai theo hình thức chương trình nhà trường

Năm học 2022-2023, Trường THPT Thủ Đức (TP.Thủ Đức) đưa vào giảng dạy tiếng Nhật, Hàn, Pháp cho học sinh khối 10 theo hình thức ngoại ngữ tự chọn trong chương trình nhà trường. Với hình thức này, có tới gần 100% học sinh khối 10 của trường được học thêm một ngoại ngữ ngoài tiếng Anh.

Chia sẻ về việc lựa chọn giảng dạy thêm một ngoại ngữ theo hình thức chương trình nhà trường, thay vì ngoại ngữ 2, thầy Đỗ Vũ Ngọc Trung - Phó hiệu trưởng nhà trường - thông tin, khi triển khai dạy ngoại ngữ 2, theo quy định phải được thông qua đề án với nhiều yêu cầu về giáo viên, chương trình, đòi hỏi kiểm tra, đánh giá, phải tuân thủ theo phân phối chương trình... Trong khi đó, khi giảng dạy theo hình thức chương trình nhà trường, trường đã có thuận lợi trong việc triển khai dạy ngoại ngữ tự chọn ở nhiều năm trước, có sự chủ động trong nguồn giáo viên.

"Để có thể dạy ngoại ngữ 2, phải có đội ngũ giáo viên cơ hữu, tuy nhiên để tuyển dụng được rất khó. Ngoại ngữ 2 phải tuân thủ 3 tiết/tuần còn ngoại ngữ theo chương trình nhà trường thiết kế 2 tiết/tuần, giảng dạy linh hoạt song vẫn đảm bảo học sinh tiếp cận được thêm một ngoại ngữ mới...

"Năm học mới, sẽ có 7 lớp 10 học tiếng Hàn, 2 lớp học tiếng Pháp và 6 lớp học tiếng Nhật. Đội ngũ giáo viên do nhà trường hợp đồng thỉnh giảng từ các trung tâm ngoại ngữ, viện ngôn ngữ", thầy Trung cho hay.

Một giờ học tiếng Hàn theo chương trình nhà trường của học sinh Trường THPT Thủ Đức
Giờ học tiếng Hàn theo chương trình nhà trường của học sinh Trường THPT Thủ Đức

Đây cũng là cách thức được Trường THPT Phước Long (TP.Thủ Đức) triển khai giảng dạy tiếng Hàn, Nhật cho học sinh khối 10 năm học 2022-2023. Theo đó, học sinh sẽ đăng ký lựa chọn thêm một ngoại ngữ khác ngoài tiếng Anh, được học theo thời lượng dự kiến 2 tiết/tuần trong chương trình nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Hà - Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, trước đó trường đã tổ chức giảng dạy miễn phí 2 ngoại ngữ này cho học sinh khối 12 và thấy nhu cầu của các em rất lớn. Do vậy, trường quyết định, từ năm học tới sẽ đưa 2 ngoại ngữ này vào giảng dạy cho học sinh từ năm lớp 10 theo hình thức ngoại ngữ tự chọn trong chương trình nhà trường. Đảm bảo các em tiếp cận được thêm một ngoại ngữ mới theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018 và trường vẫn có thể linh động tổ chức về mặt chương trình, đội ngũ, nguồn chi trả...

"Để đưa một ngoại ngữ mới trở thành ngoại ngữ 2 giảng dạy trong nhà trường đòi hỏi rất nhiều yếu tố, từ chương trình, đội ngũ cho đến quy chế trong kiểm tra đánh giá, đặc biệt là yếu tố dài hơi khi học sinh theo học. Còn nếu triển khai theo hình thức ngoại ngữ tự chọn trong chương trình nhà trường thì lại linh động và dễ thực hiện hơn rất nhiều, song vẫn sẽ đòi hỏi các chế tài đối với học sinh để ổn định lớp học", cô Hà nhận định.

Dù vậy, việc đưa thêm một ngoại ngữ mới cho học sinh tiếp cận sẽ được nhiều trường THPT cân nhắc.

Chẳng hạn, năm học tới, Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (huyện Hóc Môn) chưa triển khai dạy ngoại ngữ 2 cho học sinh khối 10. Thầy Trần Minh Thùy - Phó hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, cách đây 4 năm, trường đã từng phối hợp với trung tâm ngoại ngữ đưa tiếng Nhật, Hàn vào giảng dạy miễn phí cho học sinh. Tuy nhiên, số lượng học sinh đăng ký rất ít và giảm dần khi tổ chức giảng dạy.

"Đối với học sinh ngoại thành, học sinh và gia đình chỉ đa phần mong muốn học tốt tiếng Anh. Bên cạnh đó, khó khăn về đội ngũ cũng là rào cản trong việc đưa ngoại ngữ mới vào giảng dạy...".

Phó hiệu trưởng này cho rằng, về lâu dài để có thể triển khai giảng dạy ngoại ngữ 2, nhà trường phải xây dựng kế hoạch tuyển dụng, chủ động về nguồn lực giáo viên mới có thể triển khai. Song ở ngoại thành, việc tuyển dụng giáo viên ngoại ngữ đặc thù gặp nhiều khó khăn.

Quốc Trung

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI