Khó tìm việc, niềm tin vào tấm bằng đại học giảm sút

20/03/2024 - 06:12

PNO - Không ít sinh viên mới tốt nghiệp rơi vào hoàn cảnh thiếu việc làm vì nhận ra chuyên ngành mình chọn học không phù hợp với thực tế.

Ngày càng có nhiều người đặt câu hỏi về giá trị của giáo dục đại học khi chi phí để theo đuổi, lấy tấm bằng tốt nghiệp đại học tăng vọt. Trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp tăng lên ở một số quốc gia, các nhà tuyển dụng thì xem xét những lựa chọn thay thế con người như ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).

Chật vật tìm việc

Theo cuộc khảo sát của công ty Gallup vào năm 2023, chỉ 36% người Mỹ tin tưởng vào giáo dục đại học. Tỉ lệ này giảm mạnh so với mức 57% vào năm 2015.

Các ứng viên trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm tại hội chợ việc làm ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Nguồn ảnh: China Daily
Các ứng viên trẻ tìm kiếm cơ hội việc làm tại hội chợ việc làm ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Nguồn ảnh: China Daily

Một báo cáo khác từ viện nghiên cứu Burning Glass Institute và tổ chức phi lợi nhuận Strada Institute for the Future of Work cho thấy, khoảng 52% sinh viên ở Mỹ không thể tìm được công việc phù hợp với chuyên môn đã học trong khoảng thời gian 1 năm sau khi tốt nghiệp. Có đến 73% sinh viên đã tốt nghiệp phải làm công việc không liên quan đến bằng cấp trong vòng 10 năm kể từ ngày ra trường.

Andrew Hanson - Giám đốc nghiên cứu cấp cao tại Strada và là đồng tác giả của báo cáo - nhận định: “Đây là một thách thức mang tính hệ thống, dai dẳng và sẽ không biến mất nếu không có nỗ lực thay đổi lâu dài”. Bất chấp những lời bàn tán sôi nổi về “tuyển dụng dựa trên kỹ năng”, phần lớn công ty trên thị trường lao động vẫn tìm kiếm ứng viên có bằng cấp. Dù vậy, không ít sinh viên mới tốt nghiệp vẫn rơi vào hoàn cảnh thiếu việc làm vì nhận ra chuyên ngành mình chọn học không phù hợp với thực tế. Mặt khác, hệ thống trường đại học dường như không chuẩn bị đủ để sinh viên có thể đáp ứng nhu cầu từ nhà tuyển dụng.

Tháng 1/2024, Oliver Wu đang theo học chuyên ngành khoa học máy tính tại Đại học Michigan (Mỹ) đã đăng một đoạn video lên TikTok, cho biết đã gửi 456 hồ sơ xin việc và tham gia 56 cuộc phỏng vấn trong vòng 4 tháng. Dù vậy, bất chấp mọi nỗ lực và nhiều đêm không ngủ, Wu chỉ nhận được 1 suất thực tập. Đoạn video cho thấy cảnh Wu cố gắng nở nụ cười trong khi đưa ra bảng tính đầy dấu đỏ biểu thị lời từ chối từ các công ty anh đã ứng tuyển.

Trao đổi với trang Newsweek, Wu tiết lộ, có ngày anh phải điền tới 15-20 đơn xin việc. Người xem có nhiều phản ứng trái chiều trước hoàn cảnh của Wu. Nhiều người đưa ra lời khuyên và khuyến khích chàng trai đừng bỏ cuộc, trong khi những người khác chia sẻ cảm giác tuyệt vọng tương tự vì không thể tìm được công việc phù hợp.

Xã hội phát triển quá nhanh

Tại Trung Quốc, một số lượng kỷ lục 11,79 triệu sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp trong vài tháng tới, giữa bối cảnh kinh tế khó khăn và tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao. Vào tháng 12/2023, số liệu cho thấy, 14,9% người trong độ tuổi từ 16-24 không có việc làm.

Một sinh viên sắp tốt nghiệp cho biết: “Tôi cảm nhận được một sự thiếu kết nối giữa giáo dục do trường học cung cấp và những gì cần thiết trong xã hội. Có lẽ là do xã hội phát triển quá nhanh và một số kiến thức được dạy trong trường học đã khá lạc hậu”. Một số người đổ lỗi cho tình trạng dư nguồn cung sinh viên tốt nghiệp đại học là nguyên nhân khiến thị trường lao động trở nên cạnh tranh cao.

Năm 2022, số lượng sinh viên mới tốt nghiệp tham gia thị trường việc làm tại Trung Quốc lần đầu tiên vượt mốc 10 triệu. Một số nhà quan sát cho rằng, thị trường cần tạo thêm việc làm và các công ty phải sẵn sàng thuê những lao động có trình độ học vấn cao.

Bộ trưởng Nhân sự và An sinh xã hội Trung Quốc Vương Hiểu Bình cho biết: thị trường việc làm có khởi đầu tốt vào năm 2024, đặc biệt là trong lĩnh vực AI và dữ liệu lớn, với 32.000 hội chợ việc làm được tổ chức. Bắc Kinh đặt mục tiêu tạo ra hơn 12 triệu việc làm mới ở thành thị vào năm 2024 và tỉ lệ thất nghiệp ở thành thị ở mức khoảng 5,5%.

Bà Vương cũng nói Trung Quốc cần khuyến khích thanh niên tiếp thu các kỹ năng kỹ thuật và làm việc trong các nhà máy nhằm nuôi dưỡng tài năng. Tuy nhiên, tình trạng số hóa và tự động hóa gia tăng mạnh mẽ đã khiến một số người lao động dễ bị tổn thương.

Tiến sĩ Chen Gang - phó giám đốc và là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - giải thích: “Trung Quốc đang rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Một mặt, họ đang cố gắng thúc đẩy công nghệ cao và AI trong việc tự động hóa sản xuất. Nhưng mặt khác, loại cải tiến công nghệ này cũng gây ra tổn thất lớn về cơ hội việc làm và thu nhập”. 

Tấn Vĩ (theo Forbes, Asia Financial, CNA, Straits Times

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI