Khó tìm ra sản phẩm ăn dặm của nhà sản xuất Việt

26/09/2020 - 07:09

PNO - Nhu cầu mua các sản phẩm ăn dặm cho trẻ rất lớn nhưng dường như các nhà sản xuất thực phẩm, dinh dưỡng trong nước không mặn mà với loại sản phẩm này.

Tìm hàng nội, chỉ thấy hàng ngoại 

Vào các siêu thị Big C, Lotte Mart, Co.op Mart để tìm mua sản phẩm ăn dặm cho trẻ do Việt Nam sản xuất, chúng tôi thất vọng vì chỉ bắt gặp một vài loại bột hoặc bánh của các thương hiệu như Vinamilk, Nestlé, NutiFood. Những sản phẩm của các nhà sản xuất trong nước trước đây như Bích Chi, Thành Râu gần như vắng bóng hoàn toàn. 

Tại các chuỗi cửa hàng chuyên doanh các sản phẩm mẹ và bé như Con Cưng, Bibo Mart, Kids Plaza, Shop Trẻ Thơ, trên kệ cũng toàn hàng ngoại nhập. 

Sản phẩm ăn dặm tại các siêu thị rất “hẻo”, chỉ có bột ăn dặm
Sản phẩm ăn dặm tại các siêu thị rất “hẻo”, chỉ có bột ăn dặm

Các sản phẩm ăn dặm do doanh nghiệp trong nước sản xuất chỉ gồm vài loại bột mặn, ngọt, rau củ thì hàng ngoại nhập rất đa dạng. Tại hệ thống cửa hàng Kids Plaza, nhân viên cho biết, thực phẩm ăn dặm ngoại nhập có đủ chủng loại như của người lớn, gồm bánh, sữa chua khô, snack, bún, miến, nui, mì udon… với đủ xuất xứ từ Đức, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ. Quy cách đóng gói và hình thức chế biến của sản phẩm ngoại cũng ăn đứt hàng nội. Giá các sản phẩm nhập khẩu cũng cao hơn hẳn. 

Nếu như bột ăn dặm của doanh nghiệp Việt thường được đóng gói với trọng lượng lớn hơn so với khẩu phần ăn của trẻ thì các loại bún, miến, mì ăn dặm của nhà sản xuất nước ngoài được chia ra từng gói nhỏ, chỉ cần bỏ vào nước ấm là có thể ăn thay vì phải nấu hoặc trụng qua nước sôi; sữa chua khô thì được làm từng viên nhỏ như ngón tay, rất tiện lợi cho trẻ tự tay bóc ăn; sản phẩm dành cho trẻ ăn dặm nhưng trẻ lớn vẫn có thể sử dụng được. 

Vì sao doanh nghiệp Việt bỏ ngỏ?

Gần đây, xuất hiện dòng sản phẩm sữa chua sấy được quảng cáo có xuất xứ tại Việt Nam nhưng chỉ dành cho trẻ 12 tháng tuổi trở lên. Tìm hiểu thì được biết, doanh nghiệp này là công ty con của một công ty Nhật Bản, tất cả quy trình sản xuất đều theo công nghệ Nhật và phải được sự cho phép từ công ty mẹ.

Bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó tổng giám đốc Saigon Food - cho rằng, do doanh nghiệp Việt chưa quan tâm chứ không phải không làm được. Theo bà Lâm, trong ngành thực phẩm, các doanh nghiệp Việt đều đi sau các doanh nghiệp ngoại, nên sản phẩm nào có nhu cầu lớn thì doanh nghiệp Việt ưu tiên làm trước, ví dụ như sữa. 

Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, chi phí để sản xuất thực phẩm cho trẻ luôn cao hơn so với người lớn. Trong khi đó, sản phẩm ngoại đang áp đảo, lại đa dạng, các doanh nghiệp sẽ không “liều” nếu không nắm chắc phần thắng. “Thực phẩm dành cho trẻ phải tươi ngon, không chất kháng sinh, tăng trọng, không phụ gia, không bột ngọt, thậm chí là không dùng bột nêm vì cơ thể bé nhạy cảm. Ngoài những thành phần thông thường, phải bổ sung chất này, chất kia theo nhu cầu người tiêu dùng như vitamin B1, B6, chất xơ, DHA… Làm sao cho ngon, bé thích ăn, lại đầy đủ chất là cả một quá trình nghiên cứu rất lâu của doanh nghiệp. Do đó, sản xuất thực phẩm cho trẻ khó hơn nhiều so với người lớn” - bà Lê Thị Thanh Lâm nói. 

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, không riêng sản phẩm ăn dặm cho trẻ mà nhiều sản phẩm khác, để cạnh tranh với hàng ngoại nhập, các doanh nghiệp không chỉ đáp ứng mà còn phải tạo thêm nhu cầu cho người dân. Không nên vì thấy nhu cầu ít, tốn kém chi phí hoặc hàng ngoại đang áp đảo mà ngại, không sản xuất. Chắc chắn có nhiều người tiêu dùng cũng muốn chọn hàng Việt, nhưng do không có nên họ phải chọn hàng ngoại. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI