Khó thu hồi tiền tham nhũng, lừa đảo

21/02/2014 - 09:42

PNO - Khoảng 600-700 bản án và cả ngàn vụ việc không thể thi hành án gây thất thoát rất lớn cho ngân sách nhà nước và người bị hại

edf40wrjww2tblPage:Content

 Ông Nguyễn Thanh Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp, cho biết việc thu hồi tài sản trong vụ Vinashin (tên gọi hiện nay là SBIC - Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam) đang gặp khó khăn do bản án không nêu rõ các nguồn tài sản để thi hành án, địa chỉ tài sản ở đâu và đang trong hiện trạng thế nào...

Bán hết tài sản cũng không bồi thường đủ

Trong vụ án này, ông Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Vinashin và ông Trần Văn Liêm - nguyên Trưởng Ban Kiểm soát Vinashin, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) - phải bồi thường hơn 991 tỉ đồng. Tuy nhiên, chiều 20/2, ông Nguyễn Quế Dương, Tổng Giám đốc Vinashinlines, ngao ngán nói: “Đến giờ chúng tôi chưa thu hồi được một đồng nào”.

Kho thu hoi tien tham nhung, lua dao

Căn biệt thự ở đường Hồ Biểu Chánh, phường 12, quận Phú Nhuận, TP HCM của Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu) đã bị cơ quan điều tra kê biên Ảnh: PHẠM DŨNG

Theo ông Dương, bản án chỉ tuyên các bị cáo phải bồi thường nhưng lại không chỉ ra được dựa vào nguồn tài sản, tài chính nào để các cá nhân liên quan bảo đảm việc thi hành bản án dân sự song song với bản án hình sự. Vì vậy, sau khi bản án có hiệu lực, cơ quan thi hành án đã yêu cầu Vinashinlines đi xác minh nguồn tài sản của các cá nhân liên quan để nêu rõ vào trong đơn đề nghị thi hành án.

“Chúng tôi phải cử người tới các cơ quan, đơn vị công tác trước đây của họ, rồi tới cả nơi cư trú của họ để xác minh xem họ có những tài sản nào. Qua đó mới biết dù có bán hết số nhà cửa, tài sản đó đi cũng không đủ để bồi thường số tiền như phán quyết của tòa án” - ông Dương nói. Ông cũng cho biết đã nhiều lần gửi đơn yêu cầu thi hành án nhưng vẫn nhận được phản hồi rằng các thủ tục chưa đầy đủ, tài sản chưa bảo đảm khả thi.
Hàng loạt vụ án khác đã và sắp xét xử cũng đang khiến cơ quan thi hành án đau đầu: vụ Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như, Nguyễn Đức Kiên (Bầu Kiên), các vụ việc xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank)…

Đơn cử vụ sai phạm tại Công ty Cho thuê tài chính II (ALC II), TAND TP HCM xử sơ thẩm đã tuyên phạt ông Vũ Quốc Hảo (nguyên Tổng Giám đốc ALC II) mức án tử hình. Ông Hảo và đồng phạm đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 531,8 tỉ đồng. Mới đây, “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Phó Phòng Quản lý rủi ro Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam) đã lãnh mức án tù chung thân sau khi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo, chiếm đoạt gần 4.000 tỉ đồng.

Điều đáng nói, số tiền bị thất thoát trong các vụ án trên đều rất lớn nhưng tài sản thu hồi chẳng được bao nhiêu. Trong vụ án ALC II, CQĐT chỉ mới thu hồi 5,8 tỉ đồng cùng 4 căn nhà và 1 thửa đất. Toàn bộ tài sản thu hồi được của nữ “siêu lừa” cũng chỉ có tổng giá trị là 229,4 tỉ đồng, rất nhỏ so với số tiền thất thoát lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Rắc rối còn nảy sinh khi mẹ của Huỳnh Thị Huyền Như vừa có đơn kiến nghị đòi lại khu Villa H2 (thuộc dự án Nam Hải Resort được định giá 43 tỉ đồng) vì cho rằng đây là tài sản của bà và hình thành trước khi Huyền Như phạm tội.

Chặn ý tưởng “hy sinh đời bố củng cố đời con”

Qua rà soát của Tổng cục Thi hành án dân sự, hiện có khoảng 600-700 bản án được tuyên không rõ ràng, tuyên án nhưng không khả thi, không thi hành được. Ngoài ra, có tới hàng ngàn vụ việc với số tiền phải thu hồi lên tới vài trăm tỉ đồng nhưng vẫn không có điều kiện thi hành dù cơ quan thi hành án đã xác minh, theo dõi.

Ông Thủy cho rằng việc phong tỏa, kê biên tài sản đã được quy định rõ ràng trong Luật Tố tụng hình sự và Luật Tố tụng dân sự. Tuy nhiên, nhiều khi cơ quan điều tra và tòa án đã không thực hiện nghiêm các bước về thời điểm kê biên tài sản, dẫn tới việc tài sản bị tẩu tán, sang tên cho người khác.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, khẳng định vướng mắc ở quy định thời gian điều tra các vụ án chỉ có 4 tháng (bao gồm cả phần hình sự và dân sự). “Đối với những vụ án lớn như Vinashin, Vinalines, Huỳnh Thị Huyền Như… thì việc tập trung chứng minh hành vi phạm tội đã rất vất vả rồi. Chính vì giới hạn thời gian điều tra như thế nên suốt thời gian dài việc phong tỏa, kê biên tài sản để thi hành bản án dân sự đã gây ra nhiều bức xúc cho những người bị hại, đơn vị liên quan. Nhiều bản án chỉ thực hiện được phần hình sự, còn phần dân sự rề rà hoài không giải quyết xong” - ông Hậu nói và đề xuất bỏ quy định về thời gian xác minh, phong tỏa tài sản của các bị can liên quan đến các vụ án hình sự.

Để pháp luật được nghiêm minh, luật sư nguyễn Thành Công, Đoàn Luật sư TP HCM, đề nghị cần đề cao vấn đề thu hồi tài sản do phạm tội mà có trong nhóm tội tham nhũng. Có nghĩa, quy định bắt buộc trong xử lý tội phạm của nhóm tội này phải áp dụng hình phạt bổ sung thu hồi đủ phần tài sản phạm tội mà có đồng thời liên đới chịu trách nhiệm vật chất về thiệt hại của nhà nước do hành vi phạm tội gây ra.

Đặc biệt, nhằm răn đe ý tưởng “hy sinh đời bố củng cố đời con” của các đối tượng phạm tội rồi tẩu tán tài sản thì quá trình điều tra cần làm rõ tài sản đang ở đâu, tẩu tán ra sao; thực hiện nghiêm, triệt để quy định thu hồi số tài sản này để khắc phục thiệt hại. Ông Nguyễn Thanh Thủy đề nghị trong lần sửa Luật Tố tụng hình sự và dân sự sắp tới, cần chú ý bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan này trong việc xác minh tài sản thi hành án dân sự.

“Nếu cơ quan điều tra không xác minh, phong tỏa được tài sản thì viện kiểm sát có quyền trả hồ sơ, yêu cầu điều tra lại và tòa án trả hồ sơ cho viện kiểm sát nếu thấy phần dân sự không bảo đảm” - ông Thủy đề xuất.

Theo THẾ KHA - TRÂM ANH - PHẠM DŨNG (Người Lao Động)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI