Kho thịt với cá lóc lại nhớ nội

19/01/2024 - 06:42

PNO - Ngày tết, đãi khách bằng món thịt kho với cá lóc, khách ngầm hiểu “nhà này ăn tết lớn” và “trong nhà có phụ nữ khéo tay”.

 

Mỗi lần nấu món thịt kho tàu với cá lóc, tác giả lại nhớ bà nội
Mỗi lần nấu món thịt kho tàu với cá lóc, tác giả lại nhớ bà nội

Những ngày cuối tháng Chạp, người miền Tây hay rủ nhau tát đìa ăn tết. Đìa nhà nào bắt được mấy con cá lóc đồng chừng 2 ký trở lên coi như ăn tết lớn. Mùa nước nổi, ba tôi thường chặt mấy nhánh cây sao, dầu… thả xuống đìa để dụ cá vô. Má thì hay rải cám gạo, đầu cá tép xuống đìa cho cá ăn. Nhờ vậy, năm nào nhà tôi cũng thu hoạch được nhiều cá lóc rất to. Sáng ngày tát đìa, ba tôi và các chú đã tất bật dọn đìa, đặt máy bơm để bơm nước ra. Lũ con nít chúng tôi í ới rủ nhau chạy loanh quanh miệng đìa, coi cá nhảy loi choi. Từ lúc chộn rộn đó, đã thấy tết lấp ló bên thềm.

Món thịt kho tàu với cá lóc bà nội kho ngon hết chỗ chê. Thịt sau khi ướp với tỏi ớt, nội cho thêm ít đường rồi mang ra phơi nắng. Nội dặn tôi chơi kiểu gì cũng phải để mắt ngó chừng thau thịt, kẻo bị mèo tha. Thịt phơi chừng vài tiếng là thấm gia vị, lớp mỡ trong veo. Cá lóc nội khứa lát dày, ướp với nước màu dừa và tỏi ớt.

Nước dừa để kho thịt, nội chọn dừa chớm già để nước đủ ngọt, nồi thịt mới ngon. Nội kho thịt trên bếp củi, sau khi sôi thì để lửa liu riu. Nội hay nói kho thịt không được gấp, phải thong thả và nhẫn nại. Chừng 2 tiếng, thịt gần rệu thì nội thả cá lóc và trứng vịt vô kho chung. Lúc này trở cá phải nhẹ tay, kẻo khứa cá bể, hết ngon. Nội hay dặn thịt càng kho lâu thì càng rệu; ngược lại, cá lóc kho lâu thớ thịt lại dai và bùi.

Ngày tết, đãi khách bằng món thịt kho với cá lóc, khách ngầm hiểu “nhà này ăn tết lớn” và “trong nhà có phụ nữ khéo tay”. Khoanh cá vàng ươm, nằm muốn giáp cái dĩa; cạnh bên khúc thịt ba rọi mỡ màng và mấy cái trứng vịt đã thấm nước dừa, có màu nâu cánh gián, nhìn thôi đã thấy thèm. 

Má hay kể, hồi má sinh chị Hai, bà nội nấu cơm cho má ăn, có món thịt kho rệu với cá lóc. Má rưng rưng thương. Má kho thịt hoài má biết, vừa tốn kém vừa cực. Má can nội: “Má làm thịt kho tiêu được rồi”. Nội cười hiền: “Bây mới sinh, yếu ớt vậy phải được ăn ngon”. Má không nói ra nhưng lòng vẫn luôn mang ơn nội đã thấu cảm những lúc “đàn bà đi biển mồ côi một mình”. 

Lúc nhỏ, mỗi lần tôi bệnh cũng được nội kho thịt với cá lóc cho ăn. Tôi đắng miệng, uể oải không muốn ăn, nhưng ngửi mùi thịt cá thơm lừng, ngó màu nâu của thớ cá đã thấy ngon. Tôi ăn được hết chén cơm. Nội ngồi cạnh bên, nhai trầu bỏm bẻm, ngó tôi ăn mà nội vui.

Mấy năm sau này nội già, lẫn, trái tính trái nết. Cơm ăn rồi, nội bảo chưa. Mấy hàng bông thọ má trồng chờ tết, nội nhổ cỏ, nhổ luôn đám bông… Má nhớ những ân tình của nội nên thương, hết lòng dìu đỡ nội những lúc trái gió trở trời. Tôi đi học xa, mỗi lần về thăm nội, hỏi: “Nội muốn ăn gì, con mua?”. Nội bệu bạo nói: “Thèm thịt kho tàu với cá lóc”. Tôi đi chợ, mua thịt và cá lóc ngon về kho cho nội ăn. Nội run run múc miếng cá, nhai ơ hờ như thể ký ức về món ngon đã trôi đi rất xa. Nhìn nội ăn, tôi ứa nước mắt thương nội, thấy thời gian sao mà khắc nghiệt quá.

Mỗi năm, tới cuối Chạp tát đìa, lúc thả mấy con cá lóc xuống ao chờ tết, má chép miệng: “Nhớ bà nội con. Món thịt kho tàu với cá lóc bà nội làm là ngon nhất. Ăn một lần là nhớ hoài”. Chiều 30 tết, má bày mâm cơm tất niên cúng ông bà, lầm rầm khấn nội: “Má về ăn cơm với tụi con”. Nghe giọng má ngậm ngùi, hẳn những thương nhớ và ký ức về nội đang ùa về trong má. Tôi nhớ dáng ngồi lưng cong, nhớ bàn tay nhăn nheo vẫn hay run rẩy xoa đầu tôi… Mùi trầu ấm của nội dường như phảng phất đâu đây.

Tết năm nay, tôi cũng nấu món thịt kho tàu với cá lóc cho nhà mình. Trong ký ức các con tôi mai này cũng sẽ nhớ về món ăn ngày tết của nhà mình bằng cả yêu thương. 

Thùy Gương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI