Chồng Thảo là con út nên ngay sau khi cưới hai vợ chồng bạn đã phải sống chung với bố mẹ chồng. Cô ấy nhiều lần nói với tôi từ “phải”, vì thâm tâm Thảo cũng chẳng hào hứng, tự nguyện gì. Chỉ là cô ấy là người biết điều, muốn hướng tới "đại cục" khi anh chồng cứ mãi lăn tăn việc ở gần chăm sóc sức khỏe cho ba.
Ba chồng Thảo sức khỏe kém, nhưng mẹ chồng thì khỏe. Mẹ có thể làm việc luôn tay luôn chân cả ngày không biết mệt. Mẹ làm nhiều nên cũng hy vọng, tạo áp lực nhiều. Một trong những điều luôn khiến Thảo cảm thấy căng thẳng, đó chính là những câu bóng gió xa gần của mẹ chồng.
|
Ảnh minh họa |
Vợ chồng Thảo làm công ăn lương nên thu nhập chỉ đủ chi tiêu lo cho con cái, mẹ biết vậy đã không thông cảm, động viên thì thôi. Trái lại, mỗi lần xem tivi có chương trình khởi nghiệp, gương bạn trẻ nào hay mẹ lại chép miệng, nói thật to: “ Sao bữa nay bọn trẻ có nhiều đứa giỏi thế không biết. Trẻ phải bươn chải, căng mình vật lộn như thế thì khi già mới có tích lũy được chứ”.
Nhiều lần, Thảo nói với chồng: “ Em muốn dẹp quách chiếc tivi trong nhà”, nhưng Hùng ngơ ngác, anh đâu hiểu thật sự chuyện gì đang xảy ra. Chiếc tivi chẳng khác nào lọ dầu, chỉ cần mẹ bật lên là mặc nhiên chêm thêm chất đốt, phụt lửa.
Thảo nhớ có lần, ba chồng chỉ vừa mở miệng khen một chương trình gameshow về giáo dục, mẹ chồng cô đã xã ra một tràng đầy thông điệp. Và tất nhiên, gần nửa ngày còn lại hôm đó, mẹ cứ đi lên đi xuống, nhắc lui nhắc tới cùng một nội dung.
Mẹ bảo: “ Người xưa, người ta dạy tiên học lễ, hậu học văn. Gì chứ nề nếp luôn được đặt lên hàng đầu. Còn bây giờ đi đâu cũng chỉ nghe mỗi câu “dạy tốt học tốt”, chẳng hề thấy khoảng cách, lễ nghĩa, giới hạn trên dưới gì cả".
Nghe mẹ nhắc nhiều, Thảo cũng chột dạ. Cô tự kiểm điểm lại xem trước đó mình có làm gì khiến mẹ phật lòng mà bóng gió. Hình như, nguyên nhân nằm ở câu chuyện tâm sự giữa cô và bé Bống vào sáng hôm qua.
Bống: "Mẹ ơi, bà nội bảo con gái thì chỉ nên để tóc dài. Tuy nhiên con lại thích tóc ngắn gọn gàng như mẹ".
Thảo: "Nếu con thích tóc ngắn, mẹ sẽ đưa con đi cắt. Tóc ngắn rồi lại dài ra rất nhanh. Và đó cũng là sở thích riêng. Nên bà nội nói thế chứ bà không ép con đâu".
Bống: "Nhưng bà nói, nếu con cắt tóc ngắn thì bà sẽ rất buồn".
Thảo: "Tóc là của con mà, con có vui thì mới làm cho bà vui được. Mẹ và ba sẽ chỉ cho con những việc gì cần thiết, quan trọng đến mức mà con phải nhất nhất nghe theo lời bà".
Những câu chuyện tương tự tái diễn khá nhiều lần. Và, điều khiến Thảo buồn và lo ngại nhất, đó là mẹ chồng cô không chỉ mượn tivi để làm phương tiện bóng gió, mà bà còn dùng chính cô cháu nội mà bà luôn cưng chiều để “rút dây động rừng”.
Có lần, mới sáng sớm, Thảo đã nghe Bống tỉ tê: “Mẹ biết không, bà nội kể với con. Vì ba mẹ em Bơ bên xóm luôn nghe, làm theo lời ông bà nên ông bà của em Bơ mới luôn vui vẻ, khỏe mạnh để sống lâu đó mẹ”. Nghe con nói, Thảo nghẹn lời, chẳng biết dặn dò con ra sao.
Chuyện mâu thuẫn suy nghĩ khi tồn tại sự khác biệt thế hệ như thế này cô đã nhiều lần nói với chồng, cũng đã bàn bạc để cùng anh tìm cách giải quyết. Nhưng chồng cô nói: “Để thay đổi một người thì ta không thể dùng sự ấm ức hay giận dữ. Ta chỉ có thể dùng lòng yêu thương để cảm hóa và níu gần mọi khoảng cách”.
Tất cả những gì chồng Thảo nói chỉ là lý thuyết, sâu xa cô thừa biết anh ngại tạo thêm căng thẳng cho không khí gia đình. Anh nhẹ nhàng, tâm lý, chưa bao giờ trước mặt vợ mà bênh mẹ, nhưng mặt khác, điều mà anh gửi gắm nhiều nhất có lẽ là tâm thế nên sống chung với lũ.
Chỉ có sự nhạy cảm của một người vợ, người mẹ như cô mới biết tâm lý ức chế khi không được thoải mái trao đổi cũng giống như một liều thuốc độc trong gia đình. Nó sẽ dần rút cạn những nguồn năng lượng tốt đẹp nhất.
|
Những lời bóng gió của mẹ chồng rút dần năng lượng của cô con dâu (Ảnh minh họa) |
Sẽ chẳng có yêu thương nào thật sự được khởi phát nếu ở đó không có mầm mống nhỏ nào dành cho sự tôn trọng. Hôm qua, khi xem chương trình Nếp nhà, nghe cô MC vừa giới thiệu đến đoạn: Để có sự hòa thuận, gắn kết trong gia đình, ngoài sự hiếu thuận, biết điều của con trẻ thì cũng rất cần đến những chia sẻ, tôn trọng khác biệt đến từ những người già”, mẹ chồng Thảo với tay tắt bụp tivi.
Tới đây, cô sẽ bàn lại với chồng để tính chuyện dọn ra ngoài. Cô và anh đủ hiểu biết để phân biệt điều gì đúng, điều gì sai, nhưng còn Bống, con còn quá nhỏ nên khó mà tránh khỏi những lệch lạc khi mỗi ngày phải tiếp xúc với một môi trường giáo dục thiếu sự thẳng thắn và quá nhiều cố chấp.
Hòa Minh