Sinh con 9 năm vẫn đau thắt lưng, cột sống
Sau khi sinh đứa con đầu, chị N.T.H.N. (38 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM) vẫn thường xuyên bị các cơn nhức mỏi, đau căng vùng thắt lưng, bả vai. Mỗi lần cúi xuống hay ngồi lâu, chị mỏi, nóng thắt lưng, đau lan đến cột sống, nặng 2 vai. “Tôi đã đi khám ở 2 bệnh viện, bác sĩ nói có thể khi tôi mang thai đã di chuyển quá nhiều, thai to mà lại làm việc nặng và không kiêng cữ đúng cách nên dây chằng bị tổn thương. Để lâu ảnh hưởng đĩa đệm, thoái hóa, tổn thương dây thần kinh, gù lưng…” - chị N. chia sẻ.
Theo chị N., mỗi lần đi khám đều thấy kết quả giống nhau. Chị uống hết thuốc của bác sĩ thì đau trở lại nên dần dần chị tự chịu đựng. Mỗi khi quá đau, chị cầm toa thuốc cũ ra tiệm thuốc mua uống chứ không đi khám lại. Đến khi có thai lần thứ hai được 4 tháng, các cơn đau của chị N. bắt đầu xuất hiện dày đặc. Thấy vậy, chồng chị đưa chị đến bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết chị N. bị mất cân bằng vùng cổ, vai, thoát vị đĩa đệm thắt lưng, thoái hóa khớp cổ, gai cột sống, mất cân đối xương chậu, chèn ép dây thần kinh cột sống. Chị phải hạn chế vận động, tập các bài tập chỉnh cơ, khớp. Tuy nhiên, do chị đang mang thai nên chỉ tập nhẹ, thời gian tập ngắn.
|
Kỹ thuật viên tại Bệnh viện 1A giúp chị T. tập các bài tập phục hồi - Ảnh: Phạm An |
Tương tự, chị N.T.B.T. (42 tuổi, ở quận 10, TPHCM) cho biết sau khi sinh đứa con đầu vào 9 năm trước, chị đã bị nhức mỏi cột sống. Nghĩ đây là triệu chứng sinh lý bình thường nên chị không đi khám. Khi mang thai bé thứ hai, chị T. thấy đau mỏi thắt lưng nhiều hơn, kèm đau cổ vai gáy. Chị đi mát xa nhưng không hiệu quả nhiều. Tần suất đau xuất hiện dày hơn, chị T. liên tục đi mát xa, bấm huyệt, nắn chỉnh khớp. Bên cạnh đó, do làm nghề bán bánh mì, thường xuyên đứng bán nên các cơn đau cứ tái đi tái lại. Mỗi lần đứng, ngồi khoảng 5 phút, chị T. lại khổ sở với các cơn đau căng, nhức mỏi, chỉ khi nằm ngả lưng mới đỡ hơn chút ít.
Khi đến Bệnh viện 1A (Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM) khám, bác sĩ ghi nhận chị T. bị mất cân bằng cơ vùng cổ vai gáy, bờ vai cong, ưỡn ra phía trước, bệ ngực hõm vào trong, cổ nghiêng, đầu nhô ra trước… mất đường cong sinh lý cột sống cổ. Kết quả chụp MRI còn cho thấy chị bị thoát vị đĩa đệm tại cột sống cổ và thắt lưng. Ngoài dùng thuốc điều trị cơn đau, chị T. còn được bác sĩ thiết kế các bài tập về hiệu chỉnh cơ để tăng hiệu quả. Chị tập liên tục sáng, chiều trong 7 ngày theo hướng dẫn của bác sĩ, bệnh được cải thiện rõ rệt, giảm đau nhiều. “Ban đầu, bác sĩ yêu cầu tập thì tôi tập chứ không nghĩ hiệu quả nhanh đến vậy. Bởi tôi đau đã nhiều năm rồi, có khi phải uống thuốc giảm đau mới chịu nổi” - chị T. nói.
Phục hồi hiệu quả nếu điều trị đúng cách
Bác sĩ Trịnh Quang Anh - Trưởng đơn vị Hiệu chỉnh cơ xương khớp và y học thể thao Bệnh viện 1A - cho biết khi mang thai, đa số thai phụ bị căng cơ, dây chằng và thay đổi áp lực lên các khớp đốt sống vùng thắt lưng nên thường cảm thấy căng mỏi, đau lưng. Thai càng lớn, tần suất đau, mỏi càng nhiều. Để giữ trọng tâm thăng bằng, cơ thể buộc phải thay đổi tư thế bằng cách nghiêng mình ngược về phía sau, gối và bàn chân mở (xoay ngoài) sang 2 bên. Điều này khiến cho các cơ vùng lưng hoạt động nặng hơn, dẫn đến bị căng cơ, nhức mỏi cơ, căng dây chằng, đau lưng.
Thêm phần, thai phụ thường tăng cân tối thiểu 10kg, có những người tăng tới 20kg. Vì vậy, cột sống của người mẹ, ngoài việc chịu áp lực cân nặng của mình còn phải hỗ trợ trọng lượng khối tử cung (em bé). Khối cơ thành bụng bị giãn nên cột sống bị mất sự hỗ trợ dẫn đến căng cơ nhiều hơn ở phía lưng. Trong trạng thái này, người mẹ cũng phải làm việc, vận động bình thường nên ảnh hưởng sẽ âm thầm tăng dần.
Để chuẩn bị cho em bé chào đời, những tháng cuối thai kỳ, cơ thể của mẹ bầu tiết ra 1 loại hoóc môn giúp nới lỏng các dây chằng, giãn các khớp xương chậu. Các khớp vùng chậu trở nên linh hoạt hơn và sẵn sàng giãn rộng đến mức tối đa để em bé có thể chui lọt qua khi mẹ lâm bồn. Tuy nhiên, điều này cũng có thể gây ra triệu chứng đau lưng, đau khung chậu, đau mào chậu, tách rộng tổn thương dây chằng khớp mu hay vùng chậu sau sinh, lệch vẹo khung chậu. “Mặc dù các thay đổi trên trong thai kỳ là sinh lý, sau sinh nếu cơ thể không phục hồi hoàn toàn sẽ trở thành bệnh lý, ảnh hưởng đến vùng thắt lưng, khung chậu dai dẳng về sau” - bác sĩ Trịnh Quang Anh nhấn mạnh.
Lúc này, các bà mẹ thường gặp tình trạng bàn chân xoay ngoài, thay đổi dáng đi, chân vòng kiềng, khung chậu xoay trước bụng phình phệ ra, thắt lưng quá ưỡn, luôn đau mỏi vùng thắt lưng… lâu dài dẫn đến thoái hóa và viêm các khớp cột sống thắt lưng, khung chậu. Nếu không chữa trị đúng cách, bệnh sẽ càng trầm trọng hơn, thường xuyên tê mỏi, căng cơ… thậm chí các đĩa đệm tổn thương, trượt ra ngoài, bể bao dịch khớp dẫn đến không thể nâng đỡ các khớp, gây đau dai dẳng.
Khi các bà mẹ được điều trị đúng cách, với các phương pháp điều trị đơn giản như tập vật lý trị liệu, các bài tập về hiệu chỉnh cơ xương khớp, tập cơ… sẽ đạt được hiệu quả. Có người chỉ sau vài tháng tập luyện đã cải thiện rất rõ rệt, có thể sinh hoạt bình thường thay vì uống thuốc giảm đau kéo dài.
Cách giảm các di chứng về cơ xương khớp sau sinh Để giảm các di chứng về cơ xương khớp sau sinh, khi mang thai, thai phụ nên mang giày đế bằng, đế mềm. Tư thế nằm ngồi thoải mái, thường ngồi ngửa và nằm nghiêng với các gối êm hay nệm mỏng hỗ trợ, không nên cúi người. Nếu cảm giác đau căng, cần xoa bóp nhẹ cột sống hoặc chườm nóng lạnh. Sau khi sinh, các bà mẹ nên được trị liệu phục hồi chức năng để tránh đau cột sống, sa tử cung, sa bàng quang, âm đạo, tiêu tiểu són và lệch vẹo hình thể về sau. Nếu các cơn đau vẫn còn, tần suất đau tiến triển, cần đến bệnh viện có chuyên khoa cơ xương khớp để được điều trị đúng cách. |
Phạm An