Khổ sở vì viêm mũi dị ứng, viêm xoang mùa mưa

11/07/2024 - 06:16

PNO - Mùa mưa là nỗi ám ảnh với người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang bởi các cơn đau nhức, nghẹt mũi liên tục kéo đến.

Cứ mưa là nhức đầu, sổ mũi

Chỉ sau 2 lần mắc mưa, chị T.T. (36 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TPHCM) bị ngứa mũi, hắt xì liên tục. Biết mình bị viêm mũi dị ứng, chị liền ra tiệm mua thuốc uống. Thông thường, chị chỉ cần uống thuốc chống dị ứng, thuốc sổ mũi vài ngày sẽ khỏi. Tuy nhiên, đợt này đã kéo dài hơn 1 tuần vẫn chưa đỡ, chị cảm thấy đuối sức vì không thể ngủ được. “Khi đi làm, nước mũi, nước mắt chảy ròng ròng, tối về nhà cứ nằm xuống là nghẹt mũi, đau họng, tôi phải rửa mũi, ngậm kẹo liên tục vẫn không hết, khó chịu và mất ngủ nhiều hơn. Sau đó, tôi lại bị đau đầu, mỗi lần hắt xì thì cảm giác nhói, choáng váng”.

Không chịu nổi, chị đã đến Bệnh viện Đại học y dược TPHCM khám. Bác sĩ nhận thấy chị T. mắc viêm xoang mạn tính, sưng nề khoang mũi, niêm mạc mũi bị tổn thương vì sử dụng nước muối súc rửa quá nhiều. Chị được cho thuốc về uống, hẹn tái khám sau 3 ngày.

Người bệnh đang được  bác sĩ  nội soi mũi - Ảnh minh họa
Người bệnh đang được bác sĩ nội soi mũi - Ảnh minh họa

Mắc viêm mũi xoang gần 10 năm, anh P.A.K. (37 tuổi, ở quận 11, TPHCM) cho biết: “Cứ mùa mưa là tôi hồi hộp, bởi rất ít khi thoát được viêm xoang. Tôi bị chảy máu mũi nhiều nhưng công việc buộc tôi phải làm gấp nên chỉ uống thuốc giảm đau cầm cự. Nhưng bây giờ tôi chịu hết nổi, chỉ cần khạc đờm cũng đau đầu như búa bổ, không thể tập trung cho công việc”. Sau khi nội soi mũi cho anh K., bác sĩ cho biết anh bị viêm xoang mạn tính nhưng không điều trị đúng cách, các niêm mạc mũi đang bị thoái hóa hình thành polyp bên trong, nếu để lâu kích thước polyp quá lớn gây tắc xoang. Vì vậy, bác sĩ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ polyp, mở rộng các xoang.

Tuy được phẫu thuật điều trị dứt điểm xoang nhưng niêm mạc mũi của anh sẽ dễ bị tổn thương và kích ứng. Anh không được chủ quan mà vẫn phải đeo khẩu trang thường xuyên, xịt rửa mũi hằng ngày, uống thuốc theo hướng dẫn.

Giáo sư Phạm Kiên Hữu - Trưởng khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, viêm xoang (hay viêm mũi xoang) là tình trạng niêm mạc xoang bị tổn thương do viêm nhiễm, nếu không được điều trị kịp thời dễ dẫn đến ứ đọng dịch nhầy và tắc lỗ thông xoang. Đa số người bệnh thường tự mua thuốc uống, hay cố gắng chịu đựng qua cơn đau, vô tình làm bệnh nặng nề hơn.

Dễ gặp biến chứng

Theo bác sĩ Phạm Kiên Hữu, có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm mũi xoang. Phổ biến nhất là do dị ứng, các niêm mạc mũi nhạy cảm khi tiếp xúc với khói bụi, không khí ô nhiễm; do vào mùa mưa; và 80% người bệnh viêm xoang do siêu vi, vi rút cúm…

Khi thời tiết chuyển từ nắng sang mưa, nhiệt độ thay đổi đột ngột khiến niêm mạc đường hô hấp nằm bên trong bề mặt của xoang bị kích ứng, viêm, sưng nề, làm tắc nghẽn lưu thông xoang, gây ứ đọng dịch, chất nhầy mủ bên trong xoang. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, vi rút hay các tác nhân gây bệnh phát triển.

Thông thường, bệnh nhân hay có cảm giác đờm nhày ở cổ họng, phải hỉ mũi, khịt mũi liên tục để khạc dịch ra ngoài. Người bệnh cũng có thể bị nghẹt mũi 1 hoặc 2 bên, cảm giác khó chịu, khó thở, nhất là khi nằm. Tùy vào vị trí xoang bị viêm sẽ gây đau ở giữa 2 mắt (viêm xoang sàng trước), đau phía sau gáy (xoang bướm hoặc xoang sàng). Nếu bị xoang trán sẽ đau nhức giữa 2 lông mày… một số người bệnh còn bị nhức đầu kèm theo.

“Nếu người bệnh bị viêm xoang cấp, điều trị đúng cách sẽ khỏi hoàn toàn. Nhưng một khi đã bị viêm xoang mạn tính hay dị ứng liên quan đến môi trường, thời tiết nên đến bệnh viện có chuyên khoa để được điều trị phù hợp thay vì liên tục uống kháng sinh, giảm đau, nguy cơ bị biến chứng cao. Bệnh nhân điều trị không đúng cách dễ bị các biến chứng như giãn phế quản, viêm phế quản kéo dài, viêm ổ mắt, viêm tai giữa… thậm chí các biến chứng về nội sọ, mạch máu” - bác sĩ Phạm Kiên Hữu nói thêm.

Khi bị viêm xoang, người bệnh có thể chườm khăn ấm, xông mũi 1-2 lần trong ngày, uống nhiều nước ấm để bớt đau, nghẹt mũi… vệ sinh, xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Hạn chế rượu bia, hạn chế đến nơi có nhiều khói bụi, khói thuốc lá… Thường xuyên đeo khẩu trang, súc họng nhằm loại bỏ các tác nhân, vi rút gây bệnh. Hạn chế ra vào nhiều lần nơi có máy lạnh, bởi sự chêch lệch nhiệt độ đột ngột cũng dễ gây các vấn đề về mũi xoang. Bệnh nhân tuyệt đối không sử dụng các đơn thuốc trên mạng, hay tự điều trị bằng phương pháp dân gian như xông thuốc, đắp lá trà, xức nhọ nồi… càng làm bệnh thêm trầm trọng. Trường hợp bị viêm xoang quá nặng, nếu cần thiết nên phẫu thuật điều trị tránh gây biến chứng.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI