PNO - Nhiều khu phố ở TPHCM hiện không có trụ sở, trụ sở xuống cấp hoặc phải đi thuê mượn chỗ, dẫn đến những khó khăn trong sinh hoạt của khu phố và đời sống của người dân.
Ông Nguyễn Doãn Lễ - Trưởng ban điều hành khu phố 2, phường Tân Phong (quận 7) - cho biết, từ 10 năm trước, cơ quan chức năng đã thực hiện việc chia tách khu phố 2 thành khu phố 2 và khu phố 5. Do văn phòng khu phố 2 cũ nằm trên địa bàn khu phố 5 nên khu phố 2 mới không có trụ sở. Giải pháp tạm thời là khu phố 2 sẽ mượn trụ sở của khu phố 5 khi cần sinh hoạt. “Nhưng không ngờ, chúng tôi phải dùng ké trụ sở suốt 10 năm qua. Không có trụ sở, muốn họp dân để triển khai chủ trương, chính sách gì đến bà con, chúng tôi phải xem khu phố bạn có bận họp hành gì không, rất bất tiện” - ông Nguyễn Doãn Lễ cho biết.
Cảnh tạm bợ bên trong văn phòng khu phố 5, phường 6, quận 8
Ông Đinh Thế Quyết - nguyên Bí thư Chi bộ khu phố 2 - cho hay, khu phố 2 có địa bàn rất rộng, trước đây còn hay bị ngập nước nên nhiều năm liền bà con phải lội nước từ đường Lê Văn Lương sang trụ sở khu phố 5 để họp. Qua nhiều nhiệm kỳ, việc xây dựng trụ sở khu phố được đưa ra bàn nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. Bà con rất muốn có trụ sở khu phố đàng hoàng để sinh hoạt, nên khi địa phương vận động tiền xây trụ sở, nhiều bà con đã nhiệt tình ủng hộ. Thế nhưng, vừa qua, khi thấy dán băng rôn khởi công xây dựng trụ sở khu phố trên đất quy hoạch công viên cây xanh, bà con đã lo lắng, sợ sẽ không ổn định lâu dài.
Tại quận Tân Phú, nhiều năm qua, khu phố 4, phường Hòa Thạnh cũng không có trụ sở. Chẳng là 10 năm trước, người ta đã lấy văn phòng khu phố 4 nằm ở mặt tiền đường Trịnh Đình Thảo để xây chung cư Topaz sầm uất như hiện tại. Cứ tưởng là sau đó các cơ quan có trách nhiệm sẽ bố trí đất để xây dựng lại văn phòng khu phố. Nhưng mãi đến nay, mỗi khi cần hội họp, người dân phải mượn tạm đình Hòa Thạnh. Chị Thu Hồng - cư dân tại phường Hòa Thạnh - cho biết, vừa qua, khi xin giấy cho con vào lớp Một, chị phải mất năm lần bảy lượt đến đình Hòa Thạnh mới gặp được cán bộ khu phố.
Còn tại phường 6, quận 8, khi có công việc phải đến văn phòng khu phố 5, bà con luôn lo sợ trụ sở có thể đổ sập bất cứ lúc nào. “Văn phòng khu phố có diện tích rất nhỏ, được xây từ lâu nên đã xuống cấp, tường nứt tạo ra kẽ hở dài nên mưa gió tôi rất sợ sập bất ngờ. Đã có lần trần nhà sập xuống làm anh em bảo vệ một phen hú vía” - ông Nguyễn Ngọc Trai - bảo vệ khu phố 5 - cho biết.
Trụ sở cần tương xứng với nhiệm vụ, vai trò
Tại quận Bình Tân có 14 trụ sở khu phố là nhà thuê và 4 trụ sở là mượn nhà đất của dân. Một lãnh đạo quận Bình Tân phân tích, khu phố có vai trò rất quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương, là nơi tổ chức các cuộc họp của chi bộ đảng, các đoàn thể và triển khai các thông báo, công khai các nhiệm vụ của địa phương, nhưng Thông tư số 01/VBHN-BNV ngày 16/4/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn hoạt động của thôn, tổ dân phố, thì lại không có quy định về trụ sở làm việc. Thực tế này dẫn đến việc bố trí nơi làm việc, sinh hoạt cộng đồng, tổ chức các hoạt động của khu phố đang hết sức khó khăn.
Bà Lương Thụy Thanh Vân - Chủ tịch UBND phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú - cho biết, những năm qua, phường Hòa Thạnh đã nhiều lần kiến nghị về việc bố trí trụ sở làm việc cho khu phố 4. Mới đây, phường đã có văn bản báo cáo tình hình và đề xuất 2 mặt bằng trên địa bàn phường để làm trụ sở khu phố. Hiện các cơ quan liên quan đang lấy ý kiến, xem xét.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Chủ tịch UBND phường Tân Phong - cho biết, trên địa bàn phường chỉ còn duy nhất khu phố 2 chưa có trụ sở. Người dân rất mong có trụ sở khu phố để ban điều hành, cấp ủy và người dân có nơi sinh hoạt, tổ chức các hoạt động. Đa số bà con đều ủng hộ. Hiện tại, kinh phí xây dựng cơ bản đã vận động đủ.
Theo Chủ tịch UBND phường Tân Phong, phường không còn đất dành cho xây dựng khu phố. Trên địa bàn phường chỉ còn 2 khu đất trống là khu đất của trạm xử lý nước thải và khu đất quy hoạch công viên. “Chúng tôi - phường và khu phố - dự tính xây dựng văn phòng khu phố trên một diện tích nhỏ thuộc khu đất quy hoạch công viên. Phòng Quản lý đô thị và UBND quận 7 cũng đã đồng ý chủ trương nhưng hiện còn chờ hướng dẫn của cơ quan chức năng về tài chính, bản vẽ, lẫn pháp lý” - bà Kim Thanh chia sẻ.
Ở nhiều địa phương trong cả nước, việc xây dựng trụ sở làm việc của thôn, ấp rất được người dân ủng hộ. Đây không chỉ là nơi hội họp đơn thuần mà còn là nơi tổ chức các hoạt động đời sống tinh thần của nhân dân. Theo luật sư Nguyễn Tri Đức (Đoàn Luật sư TPHCM), các cơ quan chức năng cần có sự quan tâm, hướng dẫn rõ ràng về việc xây dựng trụ sở, nơi làm việc của khu phố. Trụ sở khu phố không cần bề thế nhưng cũng phải đàng hoàng. Tránh xây dựng tạm bợ, vừa gây lãng phí nếu mai này phải phá bỏ, lại vừa không đảm bảo để làm nơi sinh hoạt, hội họp lâu dài của người dân.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.