Khổ sở vì da nổi mẩn, sần... do tiếp xúc với nắng

04/06/2024 - 06:02

PNO - Viêm da do dị ứng với ánh sáng là căn bệnh ám ảnh của nhiều bệnh nhân mỗi khi hè đến. Bệnh do cơ chế miễn dịch của cơ thể gây ra. Khi đi nắng, bệnh nhân sẽ gặp tình trạng da đỏ rực, ngứa, nổi sần.

Cứ vào mùa hè, chị H.T.P. (29 tuổi, TP Hà Nội) lại khốn khổ vì da tay, da cổ bị mẩn đỏ, nổi sần và ngứa ngáy, khó chịu. Chị cho biết, tình trạng này vẫn thỉnh thoảng diễn ra trong năm nhưng trở nên trầm trọng vào mùa hè.

Khi ra nắng, vùng da tiếp xúc với ánh sáng sẽ ngay lập tức “phản ứng” bằng những biểu hiện trên. Nghĩ mình có thể bị rôm sảy do nắng nóng, chị P. đã ra ngoài hiệu thuốc mua sản phẩm thường dùng cho trẻ em nhưng vùng da mẩn ngứa không hề thuyên giảm.

Bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền khám cho bệnh nhân mắc bệnh da trong mùa hè
Bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền khám cho bệnh nhân mắc bệnh da trong mùa hè

Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, nữ bệnh nhân được chẩn đoán viêm da do dị ứng với ánh sáng. Theo tiến sĩ, bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Da liễu Trung ương) - đây là căn bệnh ám ảnh của nhiều bệnh nhân mỗi khi hè đến. Bệnh do cơ chế miễn dịch của cơ thể gây ra. Khi đi nắng, bệnh nhân sẽ gặp tình trạng da đỏ rực, ngứa, nổi sần.

Trường hợp nặng sẽ nổi mụn nước, rát đỏ, tập trung thành đám. Sau đó, da có thể sẽ xuất hiện tình trạng tăng sắc tố ở những khu vực này. Vùng da hay bị tổn thương nhất là cổ, tay, vai... do thường không được che chắn khi ra nắng. Có bệnh nhân từng phải tới bệnh viện thăm khám trong tình trạng nặng nề, sau khi nổi thành đám, các nốt mụn đã chảy nước, phù nề khiến bệnh nhân đau rát, khó chịu.

Vào dịp hè, viêm da dị ứng với ánh sáng là một trong những bệnh thường gặp tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. Bác sĩ Đỗ Thị Thu Hiền cho hay, rất nhiều người tới thăm khám đều không nghĩ mình mắc phải căn bệnh “quái gở” này. Nhiều bệnh nhân còn nhầm lẫn bệnh với bỏng nắng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bỏng nắng là bệnh gặp phải do tác động vật lý, da bị tổn thương vì tác động của tia UV khi ra ngoài nắng gắt. Còn với bệnh viêm da dị ứng ánh sáng, cơ chế bệnh sinh là phản ứng viêm dị ứng miễn dịch của cơ thể. Chỉ cần đi ra ngoài ánh sáng, không cần nắng gắt nhưng do phản ứng của cơ thể với tia UV, bệnh nhân vẫn có thể gặp phải các triệu chứng nổi mụn, đỏ ửng.

Để phòng, chống bệnh, không có cách nào khác ngoài việc tránh ánh nắng. Người bệnh cần mặc quần áo dài tay, mũ rộng vành, đeo găng tay khi ra ngoài trời nắng. Ngoài ra, sử dụng kem chống nắng cũng là biện pháp hạn chế các tác động của tia UV. Lưu ý nên bôi kem chống nắng khi ra ngoài trời trước 30 phút.

Khác với bỏng nắng, khi da bị tổn thương chỉ cần chườm mát, dưỡng ẩm, làm dịu da, bệnh nhân viêm da dị ứng ánh sáng cần phải được điều trị bằng thuốc có chứa corticoid do các bác sĩ kê đơn, kết hợp với dưỡng ẩm hằng ngày. Bệnh viêm da tiếp xúc ánh sáng cũng thường gặp và trở nên trầm trọng hơn với những bệnh nhân mắc một số bệnh liên quan tới miễn dịch như lupus ban đỏ hay bệnh viêm da cơ địa, trứng cá đỏ, viêm da dị ứng, vảy nến.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc sử dụng một số loại thuốc, hóa chất hay tiếp xúc với thực vật trước khi ra ngoài ánh sáng cũng là nguy cơ gây ra tình trạng da đỏ ngứa, nổi mụn nước. Điển hình như việc sử dụng cam, chanh, thậm chí nước hoa có chứa tinh dầu của cam; các loại thuốc có chứa furocoumarin... có thể khiến cơ thể nhạy cảm hơn với ánh nắng. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân không nên tự ý uống thuốc, đặc biệt với những bệnh nhân có tiền sử viêm da dị ứng với ánh sáng. Khi tiếp xúc với các loại thực vật hay gây ra tình trạng trên, người bệnh cần rửa sạch trước khi ra ngoài nắng để hạn chế, phòng ngừa bệnh hiệu quả.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI