Khổ sở như bị đặt tên... không giống ai

14/09/2019 - 12:00

PNO - Sau khi báo Phụ Nữ đăng tải bài viết “Phan Hết Gas Hết Số và những cái tên ra đời trên bàn nhậu”, nhiều độc giả đã liên hệ với chúng tôi để kể lại nỗi khổ mà họ gặp phải khi mang cái tên lạ.

Lao đao vì tên sai chính tả

Một độc giả ở miền Trung cho biết, năm nay mình đã gần 60 tuổi nhưng vẫn phải thường xuyên đi “cải chính” cái tên của mình. Chuyện là trước đây, ông được khai sinh tên là Huế, cái tên gắn liền với một địa danh nổi tiếng.

Sau ngày giải phóng, ông đi làm lại giấy khai sinh. Do ít chữ nghĩa nên người nhà của ông đọc tên để cán bộ hộ tịch khai sinh hộ. Khổ nỗi là cái giọng miền Trung đọc bỏ mất âm tiết ở giữa, Huế thì chỉ đọc là Hế. Cán bộ hộ tịch cũng điền vào khai sinh của ông là Nguyễn Hế.

Kho so nhu bi dat ten... khong giong ai
Một cái tên bị ghi sai chính tả họ khiến "khổ chủ" lao đao khi nhập học

Vậy là cái tên Hế đeo đuổi ông mấy chục năm. Ông cũng chẳng buồn đổi, vì ở miền Trung người ta phát âm hai cái tên giống như một. Rắc rối đến với ông khi nhà nước làm thủ tục hưởng chế độ cho người tham gia chiến trường K.

Lật đống hồ sơ của ông, người ta phát hiện khai sinh thì tên Hế, còn giấy xuất ngũ thì tên Huế, rất nhiều giấy tờ khác cũng đảo lộn hai cái tên này. Vậy là hồ sơ bị nghẽn lại, ông Hế bắt đầu công cuộc đi “cải chính” cái tên mình. Sau một thời gian “lên bờ, xuống ruộng” cuối cùng ông cũng được hưởng chế độ của người tham gia chiến trường K. Tuy nhiên, rắc rối chưa dừng lại khi thỉnh thoảng ông lại phát hiện thẻ bảo hiểm y tế hay thẻ Hội viên Hội Nông dân xuất hiện cái tên Nguyễn Huế. Khi đó, ông lại chật vật đi “cải chính” cái tên.

Một “nạn nhân” khác bị khốn đốn bởi cái tên là một cô gái đẹp quê ở Long An. Thời sinh viên, thỉnh thoảng cô gái lại bị mời lên phòng công tác sinh viên để... làm rõ về cái tên.

Kho so nhu bi dat ten... khong giong ai
Cao Đẳng Sư Phạm là một cái tên từng được cộng đồng mạng để ý

Cô mang tên là “Hồng Diểm”. Nhưng theo thói quen người ta hay viết Diễm là dấu ngã, vậy là cô gái gặp rắc rối. Cô kể, năm cuối đại học cô suýt không được xét tốt nghiệp vì chứng chỉ Tin học và Ngoại ngữ mang tên Diễm (dấu ngã). Từ đó, cô được bạn bè đặt cho biệt danh là Diểm “hỏi”.

Cách đây mấy tháng, Diểm sinh con. Trong giấy chứng sinh người ta ghi mẹ đứa bé là Hồng Diễm, không phải Diểm "hỏi". Người chồng không để ý, cầm giấy chứng sinh về ủy ban làm khai sinh.Vì khác tên nên người ta không chịu, ông chồng phải quay ngược lại bệnh viện để “bỏ ngã thay hỏi”.

Không dám nói tên thật

Mấy chục năm về trước, nhà nào có được cái máy cassette thì xem như là báu vật. Ông cụ nhà được chú em là cán bộ tặng cho chiếc máy cassette của Liên Xô nên quý lắm, toàn để ở đầu giường. Cũng năm đó, vợ ông sinh cậu quý tử.

Ông cụ phấn khích, muốn đặt tên con mình là cái máy cassette để xem như thứ đồ quý nhất. Không hiểu sao đi khai sinh, người ta lại phiên ra là Xếch. Vậy là thằng bé sinh ra có một cái tên... lạ.

Kho so nhu bi dat ten... khong giong ai
Phan Hết Gas Hết Số là cái tên mới xuất hiện, gây tranh cãi nhiều ngày qua

Đứa bé năm ấy giờ đã thành người đàn ông trung niên. Ông kể, hồi đi học, ông bị đám bạn lôi cái tên “lạ” ra trêu chọc nên mặc cảm, không dám tới lớp. Cuối cùng ông phải sớm nghỉ học. Giờ có ai hỏi tên thì ông “khai” mình tên là Xét, ông muốn giấu biệt cái tên “lạ đời” kia đi. Thế nhưng, tới nhiều chỗ ông cũng chẳng giấu được khi mà cái tên nó hiện rành rành trên chứng minh thư.

Hôm rồi ông Xếch đi thi bằng lái xe, khi người ta vừa gọi ông lên thi phần thực hành thì bên dưới cười ồ. Ông giận quá bỏ về, không thi nữa. Bây giờ, đám đông hôm đó vẫn chưa biết “ông Xếch là ai”.

Một người đàn ông khác có tên là bộ phận sinh dục nam. Ông hận cái tên đó đến mức hễ ai nhắc đến là ông... nghỉ chơi, nên người ta gọi tên ông theo thứ tự sinh, đám trẻ chỉ biết ông là chú Sáu.

Từ ngày có vợ, tài sản gì ông cũng để vợ đứng tên. Từ tên chủ hộ trong sổ hộ khẩu đến giấy tờ mua xe đều là tên người vợ. Có lần ông vào bệnh viện ở TP.HCM khám bệnh. Ở đó, người ta không biết ông là chú Sáu mà họ gọi theo giấy tờ và sổ bảo hiểm. Thế là cái tên muốn giấu kia lại vang lên giữa đám đông, mấy bà vô ý tủm tỉm cười. Chú Sáu quay sang lườm bà vợ rồi ra bắt xe đò về quê. Mấy lần sau đó, bà vợ phải “bỏ nhỏ” trước với bác sĩ đừng gọi cái tên đó ông mới chịu vào khám.

Từ những câu chuyện phiền toái trên có thể thấy, cái tên không chỉ đơn thuần là thứ để gọi hằng ngày mà nó sẽ đeo bám con người ta cả đời. Những cái tên khác biệt sẽ tạo ra phiền toái, rắc rối, mặc cảm cho những người không may bị đặt một cái tên lạ. Tôi nghĩ các bậc cha mẹ nên suy nghĩ nghiêm túc trước khi đặt tên cho con, vì đó cũng là tương lai của đứa trẻ.

Ngân Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI