Khó "quét sạch" COVID-19, TPHCM tìm giải pháp mở cửa lại kinh tế

17/09/2021 - 18:42

PNO - Giới chuyên môn về y tế cho rằng, TPHCM rất khó trở về “Zero COVID-19”. Trong cuộc họp của Thành ủy TPHCM sáng 17/9, Bí thư Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì, rất nhiều giải pháp vừa phòng chống dịch vừa mở cửa lại Thành phố được đưa ra bàn thảo.

Theo đánh giá từ chuyên gia y tế, sau thời gian TPHCM thực hiện nhiều hình thái phòng, chống dịch, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, thì phương châm “Zero COVID-19” rất khó thực hiện. Trong khi đó, hệ thống y tế dần được cải thiện, kinh nghiệm chống dịch được tích lũy, cộng thêm các yếu tố quan trọng như: độ phủ vắc xin cũng ngày càng rộng nên TP cần đánh giá lại tình hình sớm chuyển sang hình thái “sống chung” với COVID-19.

Người dân tại vùng xanh TPHCM được đi siêu thị trở lại từ 16/9. Ảnh: Quốc Thái
Người dân tại "vùng xanh" TPHCM được đi siêu thị trở lại từ 16/9 - Ảnh: Quốc Thái

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho hay, phải đổi mới cách thức chống dịch, không thể truy vết F0 mãi được, vì nguồn lực y tế có hạn. Xu hướng F0 tự điều trị tại nhà đang phát huy hiệu quả, giảm bớt áp lực cho cơ sở y tế, bệnh viện.

Mở cửa thời điểm này cũng đối diện với việc không có nguồn lao động, chuỗi cung ứng gián đoạn, thiếu nguồn nguyên liệu... Do đó, cần có lộ trình mở cửa tính toán trước các khả năng. Khi thực hiện sẽ dứt khoát, không dao động ngay cả khi có ca dương tính trong cộng đồng.

Theo tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, hiện không thể nói mở hay không mở cửa, mà phải nói rằng không thể không mở cửa. Tỷ lệ phủ vắc xin của TP đã đạt mức cao (91% mũi 1 và 25% đã hoàn thành mũi 2). Tuy nhiên chính sách chống dịch hiện nay vẫn là áp dụng từ năm 2020, với các Chỉ thị 15, 16... khi chưa có vắc xin.

Nếu TP quá chú trọng xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân khiến chi phí chống dịch lớn, rất tốn kém. Điều này ảnh hưởng đến GDP của TP không chỉ năm nay mà còn những năm tới. Hơn 3 tháng chống dịch, cả người dân và doanh nghiệp đều kiệt quệ nên không thể không mở cửa. Nhưng mở cửa cần thực hiện theo từng bước và phải có phương án dự phòng, đánh giá rủi ro...

Để mở cửa kinh tế an toàn, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh cho rằng phải tính đến thích nghi với hoàn cảnh dịch bệnh, bảo đảm an toàn, quản lý người lao động, bảo vệ đối tượng có rủi ro nhiều nhất như người cao tuổi, trẻ em. Bên cạnh đó, cần phải đo lường chuyển biến của dịch bệnh, có biện pháp kịp thời; cân nhắc mở ra ứng phó từng hoàn cảnh.

GS-TS-BS Lê Trường Giang, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM, đánh giá số ca tử vong do COVID-19 liên tục giảm, còn 50% so với đỉnh điểm tử vong, chứng tỏ hệ thống điều trị đã được nâng cấp và có sự liên thông. Do vậy, nếu muốn đẩy lùi dịch phải có biện pháp mới và có tính đột phá. Hai vấn đề cần tập trung là vắc xin và thuốc, bên cạnh quy tắc 5K.

GS-TS-BS Lê Trường Giang cũng đánh giá sức chịu đựng của xã hội đã đến ngưỡng; năng lực y tế cơ bản đáp ứng được, vắc xin và thuốc là "vũ khí" chống dịch. Theo tiêu chí an toàn cho TPHCM và tiêu chí an toàn phục hồi, thì TP có thể bắt đầu mở cửa.

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, TPHCM nên kiến nghị Chính phủ tập trung tiêm vắc xin cho 40% dân đô thị và những người có nguy cơ cao, để rút ngắn thời gian phủ vắc xin.

Bí thư Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi gặp gỡ với chuyên gia, nhà khoa học trong sáng nay
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi gặp gỡ với chuyên gia, nhà khoa học trong sáng nay (17/9) - Ảnh: Quốc Thái

Sau khi lắng nghe ý kiến từ các nhà chuyên môn, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên thông tin, TP hiện đã xác định không thể loại bỏ hoàn toàn COVID-19 ra khỏi cộng đồng; những điều kiện chống dịch cũng tốt hơn như đã có thuốc, vắc xin…

"Sức chịu đựng và tổn thương của kinh tế đến lúc này đòi hỏi phải mở cửa trở lại. Cần sự thống nhất về giãn cách bảo đảm độ an toàn trong thời gian tới, từng bước mở dần, quản lý rủi ro, tuyệt đối không chủ quan nhưng không thể không mở. Do đó, chính quyền TP đang chuẩn bị chiến lược để chuyển sang giai đoạn mới là sống bình thường mới, sống trong môi trường có COVID-19", Bí thư Thành ủy TPHCM nói.

Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết, trong thời gian tới, cả chính quyền và người dân cần chuẩn bị tâm thế, thói quen, tinh thần và chuẩn bị những điều kiện khi cần thiết để ứng phó phù hợp. TP đã chuẩn bị nhiều chiến lược (khoảng 13-14 chiến lược) ứng phó, trong đó nhiều nhất là chiến lược y tế.

"Chuẩn bị chiến lược y tế trong tình hình mới là phải chuẩn bị cơ sở y tế từ cấp nhỏ nhất, phải làm và nhận lấy trách nhiệm, củng cố ngay hệ thống y tế cộng đồng, y tế tư nhân, bác sĩ gia đình, hệ thống nhà thuốc tây… Trong chiến lược về y tế, phải có quy định rõ ràng, ứng phó phù hợp trong môi trường mở", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI