Khó như truy thu thuế văn nghệ sĩ

09/11/2018 - 10:24

PNO - Dù đẩy mạnh việc kiểm tra thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt của giới văn nghệ sĩ, song Cục Thuế TP.HCM phải thừa nhận rằng, việc kiểm tra thuế thu nhập cá nhân của đối tượng này rất khó khăn, mất thời gian.

Không biết ai né thuế vì không có quy định kê khai nghề nghiệp

Theo Cục Thuế TP.HCM, khó khăn là bởi văn nghệ sĩ thường không sử dụng tên thật của mình mà sử dụng nghệ danh. Đặc thù công việc của họ lại đi biểu diễn ở nhiều tỉnh, thành và không có nơi cư trú cố định. Đặc biệt đối với văn nghệ sĩ chưa được cấp mã số thuế, việc kiểm tra còn khó khăn hơn rất nhiều.

Kho nhu truy thu thue van nghe si
Nhiều nghệ sĩ hiện có thu nhập khủng, nhưng nghĩa vụ thuế lại rất "mơ hồ" (ảnh chỉ mang tính minh họa)

Song phần lớn là do hiểu biết về việc đóng thuế của người dân nói chung, nghệ sĩ nói riêng tại nước ta còn thấp. Hay nói đúng hơn là họ luôn “ngộ nhận” mình đã đóng đủ. Sau sự kiện, đa số văn nghệ sĩ thường trích một phần chi phí để đóng cho công ty nên cứ mặc định số tiền đó là tiền thuế. Chỉ khi nhận được thư thông báo, họ mới biết mình đóng thuế chưa đủ. 

Nhưng cái khó lớn nhất hiện nay là ngay cả Cục Thuế cũng không tài nào có thống kê cụ thể bao nhiêu văn nghệ sĩ trên địa bàn TP.HCM đóng đủ thuế, bao nhiêu kê khai thiếu thuế, mặc dù ai cũng biết họ đang có thu nhập “khủng”. Theo ông Nguyễn Nam Bình, Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, nguyên nhân là do căn cứ Luật Thuế thu nhập cá nhân và các quy định hiện hành thì pháp luật Việt Nam không quy định cá nhân phải kê khai nghề nghiệp trong tờ khai nộp thuế hoặc thu thuế theo nghề nghiệp. Do đó không thể dựa vào nghề nghiệp “ca sĩ” để thu thuế hoặc biết được văn nghệ sĩ đóng thuế đủ hay không.

Tuy nhiên, để văn nghệ sĩ tự giác đóng đầy đủ thuế, mỗi năm Cục Thuế sẽ chọn một số người nổi tiếng, có tần suất xuất hiện nhiều trên các chương trình game show, quảng cáo, có thu nhập cao. Tiếp đến Cục Thuế tiến hành thu thập dữ liệu như tên thật, mã số thuế, tình hình nộp thuế của họ rồi sẽ phát đi thư thông báo nộp thuế. Một khi thông báo được phát đi sẽ tác động đến những văn nghệ sĩ khác đang né thuế, từ đó họ tự giác nộp thuế. Cụ thể, trong năm 2015, Cục Thuế phát thông báo đến 20 cá nhân, truy thu được 5,3 tỷ đồng; năm 2016 phát thông báo đến 12 cá nhân, truy thu được 6,6 tỷ đồng; năm 2017 phát thông báo đến 5 cá nhân, truy thu được 4,5 tỷ đồng. 

Sẽ đẩy mạnh thu thuế nghệ sĩ hoạt động trên mạng xã hội

Mạng xã hội hiện đang là mảnh đất béo bở, đem lại nguồn thu nhập “khủng” cho không ít văn nghệ sĩ. Không chỉ tự phát YouTube để thu về quảng cáo, họ còn tìm được nguồn thu từ quảng cáo sản phẩm, mỹ phẩm, dịch vụ trên mạng. Tuy nhiên, khoản thuế mà Cục Thuế thu về được còn hạn chế. 

Kho nhu truy thu thue van nghe si
 

“Sau một thời gian theo dõi, cơ quan thuế phát hiện không chỉ có cá nhân, doanh nghiệp trong nước trả tiền quảng cáo cho Facebook, Google, YouTube... mà ngược lại các tổ chức này cũng trả số tiền rất lớn cho các cá nhân, doanh nghiệp trong nước. Và những khoản thu nhập này phần lớn không được kê khai, nộp thuế, hoặc nộp thuế không đầy đủ” - ông Bình cho hay.

Cơ quan thuế đã vào cuộc kiểm tra, trước mắt đã xử phạt một nghệ sĩ. Ngoài ra, một cá nhân khác, kinh doanh mỹ phẩm trên Facebook cũng bị Cục Thuế TP.HCM phát hiện có hành vi gian lận và bị truy thu, xử phạt số tiền lên đến 9,1 tỷ đồng. Gần đây nhất, Cục Thuế TP.HCM đã ra quyết định truy thu và phạt một cá nhân khác 4,1 tỷ đồng vì nhận khoản tiền 41 tỷ đồng từ Google, Facebook mà chưa kê khai thuế. Đồng thời chuyển thông tin cho Cục Thuế Quảng Nam để truy thu một cá nhân có doanh thu trên 20 tỷ đồng từ Google, nhưng chưa kê khai nộp thuế theo quy định. Như vậy về mặt phương pháp thì Cục Thuế đã có cách thức để thực hiện. Riêng với văn nghệ sĩ có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử, Cục Thuế đang tiến hành thu thập dữ liệu.

Để thu thuế đối tượng này hiệu quả, trước mắt Cục Thuế sẽ phối hợp với ngân hàng rà soát hóa đơn gửi/rút để nắm được những cá nhân có giao dịch “khủng”. Cạnh đó, còn một số cách thức xác minh các đầu mối để truy ra doanh thu gồm: đơn vị nào đứng ra mời quảng cáo sản phẩm, mức giá quảng cáo bao nhiêu; đăng tải bao nhiêu clip lên YouTube, những clip này có bao nhiêu lượt xem, được đơn vị nào quảng cáo và chi trả quảng cáo…

Sau khi lên danh sách các chủ tài khoản, Cục Thuế thành phố sẽ chuyển cho các chi cục thuế giải quyết. Nhiệm vụ của chi cục thuế là xác minh địa chỉ, với những người có doanh thu trên 100 triệu đồng/năm, chi cục sẽ gửi thư mời họ lên nộp thuế. “Do tính chất đặc thù văn nghệ sĩ hoạt động trên mạng xã hội không cần cơ sở thường trú, không có sự hiện diện pháp nhân nên cơ quan thuế gặp không ít khó khăn trong quá trình quản lý, nhưng không có nghĩa là không thực hiện được” - ông Nguyễn Nam Bình cho hay. 

Theo pháp luật hiện hành thì trường hợp cá nhân trốn thuế sẽ bị xử phạt theo quy định sau:
Căn cứ Nghị định 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 quy định tại điểm c, mục 2, điều 3.
c) Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế: phạt từ 1 đến 3 lần số tiền thuế trốn, gian lận. Mức phạt tiền quy định tại điều 11 nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với người nộp thuế là tổ chức, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt áp dụng đối với tổ chức.
Ở các nước, khi người nổi tiếng dính scandal về trốn thuế thì họ bị truyền thông và người hâm mộ chỉ trích, thậm chí tẩy chay. Ở Việt Nam, về mặt tác động xã hội để có sự tác động mạnh đến ý thức tuân thủ pháp luật, trong đó có pháp luật thuế thì các cơ quan truyền thông có vai trò rất quan trọng. 

Nguyễn Nam Bình - Phó cục trưởng Cục Thuế TP.HCM

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI