Khó như con rể ở nhà mẹ vợ

18/05/2020 - 14:00

PNO - Có phải vì mặc cảm nghèo nên lép vế, vì cảm giác mình là khách nên cẩn trọng, dè dặt. Dù bố mẹ vợ không nói gì, chỉ nhìn thôi đã thấy ngại.

Cuộc sống có nhiều mối quan hệ “nhạy cảm”. Khi hai người xa lạ trở thành gia đình của nhau, sự hòa hợp không hề dễ dàng. Mà đã không dễ dàng thì lại dễ sinh mâu thuẫn. Người ta nói nhiều đến mâu thuẫn “mẹ chồng - nàng dâu” nhưng thực tế, cũng có mâu thuẫn ngược lại, đó là giữa “mẹ vợ - chàng rể”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tôi có cậu bạn (tên T.) làm kế toán cho một đại lý vật liệu xây dựng. Công việc thu nhập không cao nên bạn ấy chưa đủ lực để mua đất cất nhà. Gia cảnh nhà bạn cũng khó, bố mẹ làm rẫy ở một huyện miền núi, đi học yêu một cô cùng lớp rồi cưới. Nhà cô ấy dưới phố, lại là con một, đó là chưa nói phải cưới gấp, khi cả hai còn chưa nhận được bằng tốt nghiệp vì cô người yêu lỡ dính bầu. 

Ban đầu, hai vợ chồng thuê một gian nhà nhỏ để chung sống. Khi chồng xin được việc thì vợ sinh con. Lương một người mới ra trường ở tỉnh lẻ không thể cõng nổi chi phí cho cả gia đình nên cuộc sống ngày càng không ổn. Sau thấy bất tiện trong sinh hoạt nên gia đình bạn chuyển về nhà vợ sống. Nghe bảo nhà vợ T. tương đối khá giả, nên tôi tin cuộc sống của bạn cũng ổn. 

Nhưng lần gặp nhau vừa rồi, bạn tâm sự: “Ai cũng bảo tốt số lấy được vợ giàu, nhờ vợ. Chẳng biết là lời nói thật hay châm biếm, quen tai rồi, không nhạy cảm, không tự ái nữa. Nhưng cuộc sống không êm ả trên nhung lụa như vỏ ngoài đâu. Ông bà xưa bảo “thà ở chuồng heo còn hơn theo quê vợ” là vậy. Mình khổ sở với cảm giác “chó chui gầm chạn” lắm. Cực chẳng đã, vì muốn những ngày đầu đời của con được “tiện nghi” nên ráng chịu đựng. Nhưng không dám nói sẽ chịu đựng được bao lâu”.

Thấy bạn tâm trạng bời bời, tôi hỏi như để chia sẻ: “Liệu có đến mức ấy không? Đừng nghĩ tiêu cực quá!”. Câu hỏi điểm “trúng huyệt”, bạn kể chi tiết hơn về những khó khăn phải đối mặt: “Không đâu bằng nhà mình. Ở nhà vợ không thoải mái, cứ có cảm giác mình luôn bị theo dõi, xét nét.

Có phải vì mặc cảm nghèo nên lép vế, thấy tiếng nói mình không trọng lượng, hay tại ngay từ đầu, bố mẹ vợ cũng không hoàn toàn hài lòng về cuộc hôn nhân không “môn đăng hộ đối” mà anh con rể luôn có cảm giác mình là khách, luôn cẩn trọng, dè dặt. Dù bố mẹ vợ không nói gì, chỉ nhìn thôi đã thấy ngại.

Vì tâm trạng không thoải mái nên sự khó chịu ngày càng tăng cùng với sự bất tiện của cuộc sống chung. Mỗi khi nghe ai đó khen số hưởng, số nhờ vợ, bạn sẽ dễ dàng nổi nóng. Tự ái, tủi thân nên cứ đòi ra ngoài sống, vợ không yên tâm về khoản thu nhập mỏng manh nên chưa muốn, vậy là vợ chồng hục hặc.

Không dừng lại ở đó, mâu thuẫn còn trầm trọng hơn khi con rể và mẹ vợ bất đồng trong cách nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Một người là bố, một người là bà. Xét về tình thân, bố có quyền hơn, nhưng xét về thứ bậc, bố vai nhỏ hơn, kinh nghiệm chăm sóc con cái gần như bằng không so với người phụ nữ đã mấy lần sinh nở.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, chàng rể chú trọng giáo dục con theo khoa học, còn mẹ vợ lại ủng hộ những suy nghĩ và tập tục cũ, có khi đã lạc hậu, nghiêm trọng hơn còn sai lầm. Vai dưới nên thua, vậy là ấm ức triền miên.

Tôi lắng nghe hết câu chuyện của bạn. Tôi không phải chuyên gia tâm lý hay người đàn bà dày dạn kinh nghiệm đang sở hữu một gia đình hạnh phúc, nhưng tôi vẫn chia sẻ với bạn bằng suy nghĩ: trong trường hợp của bạn, người quan trọng nhất để dung hòa mâu thuẫn này là người vợ.

Hãy nói hết tâm sự với vợ, tôi tin rằng người phụ nữ nào cũng có nghệ thuật “xây tổ ấm” của riêng mình, nên cô ấy sẽ có cách kéo gần hơn mối quan hệ mẹ vợ - chàng rể. 

Nguyễn Thị Bích Nhàn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI