Khó kiểm soát rau quả đánh tráo bao bì

18/10/2022 - 14:40

PNO - Theo Ban Quản lý An toàn Thực phẩm TPHCM, 90% mẫu kiểm nghiệm rau quả tại các chợ đầu mối đạt chất lượng, nhưng rất khó kiểm soát gian lận bao bì...

 

Để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn chất lượng rau củ quả cho người tiêu dùng, cần sự phối hợp kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan hữu trách - Ảnh: Nguyễn Cẩm.
Để đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, an toàn chất lượng rau củ quả cho người tiêu dùng, cần sự phối hợp kiểm soát chặt chẽ của các cơ quan hữu trách - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Tại hội nghị "Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng" sáng 18/10, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm (QLATTP) TPHCM cho hay, 90% mẫu kiểm nghiệm rau quả tại các chợ đầu mối đạt chất lượng, nhưng rất khó kiểm soát gian lận bao bì...

Cụ thể, theo bà Phạm Khánh Phong Lan, tỷ lệ mẫu thực phẩm xét nghiệm không đạt chất lượng giảm dần qua các năm. Tại các chợ đầu mối, 90% mẫu sản phẩm rau củ quả đạt chất lượng, chỉ 10% mẫu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhìn chung, tỷ lệ sản phẩm đạt an toàn chất lượng chiếm trên 96%.

Các siêu thị hàng ngày đều phải lấy mẫu sản phẩm test (xét nghiệm) nhanh và trả lại hàng cho nhà cung cấp nếu mẫu không đạt chất lượng… Số vụ ngộ độc thực phẩm ngày càng giảm dần cả về số lượng, quy mô. Những năm gần đây không có trường hợp ngộ độc thực phẩm với quy mô trên 30 người mắc.

Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng rất khó kiểm soát bao bì, gian lận đối với mặt hàng rau củ quả. Ngay cả các mặt hàng như thịt heo, thịt gia cầm, trứng có đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc vẫn còn nhiều khó khăn. 

Một trong những thách thức với công tác ATTP hiện nay là tình trạng các chợ tự phát quanh các chợ đầu mối. UBND TP đã có chỉ đạo quyết liệt dẹp chợ tự phát, nhưng tình trạng vi phạm quanh các chợ vẫn còn khá phổ biến.

Một bất cập khác, theo Trưởng Ban QLATTP TPHCM, các doanh nghiệp có sản phẩm đạt chuẩn VietGAP, sản phẩm quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn nhưng lại gặp khó khăn trong tiêu thụ.

“Hiện chúng tôi khuyến khích các hệ thống phân phối: bếp ăn tập thể, căn tin trường học, bếp ăn nhà hàng khách sạn, siêu thị nhập sản phẩm đạt VietGAP, sản phẩm thuộc chuỗi an toàn và tiến tới là bắt buộc”, bà Lan nói.

Đại diện Sở NN - PTNT TP Hà Nội cũng cho rằng, đang thiếu các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thực phẩm. Điều này khiến các cơ sở sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn trong việc tự công bố chất lượng sản phẩm. Cơ quan Nhà nước cũng khó giám sát, hậu kiểm việc tự công bố đó.

Các ban ngành, hiệp hội ký kết Chương trình hợp tác đẩy mạnh tiêu thụ nông sản “TP chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ TP cho người tiêu dùng Việt Nam - Ành: Nguyễn Cẩm
Các ban ngành, hiệp hội ký kết Chương trình hợp tác đẩy mạnh tiêu thụ nông sản “Thực phẩm chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam"  sáng 18/10 - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Đại diện Sở NN - PTNT Thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ NN - PTNT phối hợp với Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan ban hành đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm thực phẩm, các ngưỡng giới hạn tối đa cho phép đối với các chỉ tiêu an toàn thực phẩm; đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực quản lý chất lượng, ATTP, truy xuất nguồn gốc hàng hóa, kết nối tiêu thụ nông sản...

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI