Khó khăn kinh tế khiến người trẻ chấp nhận ở cùng người lạ

13/08/2023 - 21:55

PNO - Khi lạm phát gia tăng trên toàn thế giới và tỉ lệ việc làm trong thế hệ trẻ giảm xuống, thuê nhà hoặc căn hộ là lựa chọn phù hợp hơn so với mua nhà. Hơn nữa, nhằm giảm chi phí sinh hoạt, một số người chọn chia tiền trọ và ngủ chung giường với người lạ.

 

Một số người chọn ngủ chung giường với người lạ để chia sẻ tiền thuê phòng tại các thành phố lớn. (Ảnh minh họa – FREEPIK)
Một số người chọn ngủ chung giường với người lạ để chia sẻ tiền thuê phòng tại các thành phố lớn (Ảnh minh họa - Freepik)

Chia sẻ giường với người lạ

Hàng tháng, Priyanka (19 tuổi) - sinh viên đến từ Ấn Độ, hiện sống tại Melbourne, Úc - chia sẻ khoản tiền thuê phòng vào khoảng 550 USD với 1 người đàn ông làm tài xế xe tải ca đêm.

Priyanka nói cô ngủ trên giường vào ban đêm trong khi nam tài xế ngủ trên chính chiếc giường đó vào ban ngày. Vào những ngày người tài xế không làm việc, Priyanka nhường giường cho anh và cô phải chuyển sang ngủ trong phòng chứa đồ.

Priyanka nói thêm, gia đình đã hy sinh rất nhiều để cho cô đến Úc, nhưng cô vẫn chật vật xoay xở tiền mua thức ăn, tiền thuê nhà và phương tiện đi lại. Cô chưa dám kể cho gia đình nghe toàn bộ câu chuyện về hoàn cảnh sống của mình.

Ngủ chung giường không hẳn là một khái niệm mới, nhưng câu chuyện của Priyanka là ví dụ mới nhất về giải pháp sáng tạo cho những người đang đối mặt khủng hoảng tài chính do lạm phát và chi phí thuê nhà tăng cao ở nhiều nơi trên thế giới.

Cục Thống kê Úc ghi nhận mức tăng 7,3% về chỉ số chi phí sinh hoạt trong giai đoạn 2022-2023. Người nhập cư và sinh viên đại học quốc tế đặc biệt dễ gặp khó khăn về tài chính do lạm phát. Năm 2021, Đại học công nghệ Sydney thực hiện 1 cuộc khảo sát đối với 7.000 sinh viên quốc tế sống ở Sydney và Melbourne. Trong số đó, 3% chia sẻ giường cùng bạn bè hoặc người lạ để tiết kiệm tiền thuê nhà.

Xu hướng chia sẻ nơi nghỉ lưng cũng phổ biến tại các quốc gia khác. Vào tháng 6/2023, 1 chủ nhà người Canada đã đăng quảng cáo trên trang web rao vặt Kijiji về căn phòng có giá thuê 550 USD, nhưng đi kèm điều kiện là người thuê sẽ ngủ chung chiếc giường cỡ lớn với 1 người lạ.

Trong khi hầu hết mọi người phản đối việc ngủ chung giường, ngày càng có nhiều người tìm bạn cùng phòng để chia sẻ chi phí thuê. Theo báo cáo của trang Insider, thế hệ Y (sinh từ 1981 - 1996) hiện được coi là "thế hệ bạn cùng phòng". Một số thanh niên thậm chí còn lựa chọn sống chung nhà với những người lớn tuổi.

Tháng 7/2022, sinh viên Nadia Abdullah (25 tuổi) sống tại Boston (Mỹ) chia sẻ với tờ Washington Post rằng, cô chọn sống cùng bà Judith Allonby (64 tuổi) trong căn nhà cũ của bà để giảm bớt chi phí sinh hoạt. Bà Allonby cho Abdullah thuê trọn tầng 1 căn nhà với giá 700 USD/tháng cùng với yêu cầu cô gái giúp đỡ công việc nhà, làm vườn hoặc đi chợ.

Đổi lại, Abdullah sẽ có một nơi ở an toàn và rộng rãi chỉ cách trường 30 phút lái xe. Một số trường đại học cũng tạo ra các chương trình cho phép sinh viên sống cùng các ông bà lớn tuổi.

Donna Butts - Giám đốc điều hành của Generations United, một tổ chức có trụ sở tại thủ đô Washington (Mỹ) chuyên tập trung vào các chương trình và chính sách kết nối những thế hệ - cho biết, động lực thúc đẩy xu hướng này là ngày càng có nhiều người trẻ tuổi khó mua nhà đất vì thiếu khả năng tài chính, và nhiều người cao niên muốn ở lại căn nhà cũ thay vì vào viện dưỡng lão.

Nadia Abdullah với cô Judith Allonby (đang ôm con mèo Mango) là bạn cùng phòng ở Malden, Massachusets., kể từ tháng 5/ 2019
Nadia Abdullah với cô Judith Allonby (phải) là bạn cùng phòng ở Malden, Massachusets, kể từ tháng 5/2019

Từ người lạ hóa bạn thân

Tại Trung Quốc, xu hướng "bạn cùng giường" khá phổ biến trên phương tiện truyền thông xã hội và được những người lao động trẻ tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp lựa chọn.

Trong một khảo sát vào tháng Sáu về tình hình thuê nhà của sinh viên mới tốt nghiệp do 2 trang web về bất động sản 58.com và Anjuke thực hiện, hơn 80% thanh niên cho biết họ muốn giữ tiền thuê nhà dưới mức 30% tiền lương. Đối với 1 sinh viên mới tốt nghiệp có mức lương trung bình hàng tháng khoảng 10.000 nhân dân tệ (1.400 USD), điều này nghĩa là họ chỉ chi 3.000 nhân dân tệ cho tiền thuê nhà, thấp hơn so với mức giá thuê trung bình của 1 căn hộ tiện nghi tại các thành phố lớn.

Vào tháng 10/2022, cô gái trẻ Xiaosha chuyển đến Bắc Kinh sau khi phải nghỉ việc ở Thượng Hải và trải qua 3 tháng thất nghiệp. Cô kiếm được việc làm mới tại một công ty internet gần khu vực Xisanqi, nơi nổi tiếng với giá thuê nhà cao. Sau 3 năm xảy ra đại dịch, Xiaosha nhận ra tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền và đặt mục tiêu giữ tiền thuê nhà của mình ở mức khoảng 2.000 nhân dân tệ. Sử dụng mạng xã hội Xiaohongshu, Xiaosha tìm được 1 nhân viên kế toán tên Menghan muốn thuê nhà chung với 1.500 nhân dân tệ/tháng.

2 người nhanh chóng quyết định trở thành “bạn cùng giường”, thuê 1 phòng ngủ trong căn hộ 3 phòng ngủ và mỗi người trả 1.500 nhân dân tệ hằng tháng. Họ thỏa thuận không chính thức về các quy tắc: không ngáy, mộng du hoặc mời khách nam vào không gian chung. Xiaosha nói: “Chúng tôi hoàn toàn giao phó sự an toàn cá nhân của mình trong đêm cho 1 người lạ”.

Cả 2 cô gái không nhạy cảm với tiếng ồn và thường chìm ngay vào giấc ngủ nên trải nghiệm ngủ chung giường không làm họ bận tâm. Thay vào đó, việc ngủ chung giường đã nuôi dưỡng một tình bạn độc đáo mà từ lâu họ không có được do phải thường xuyên “trôi dạt” giữa những lần chuyển trọ.

Tuy nhiên, câu chuyện về tình chị em “tìm thấy nhau trong hoạn nạn” như của Xiaosha và Menghan lại không quá phổ biến. Nhiều người dùng mạng xã hội kể về trải nghiệm tiêu cực của chính họ khi tìm “bạn cùng giường”.

Một người nói: “Đây là lựa chọn tất yếu và duy nhất để sống ở các đô thị loại 1 sau khi tốt nghiệp”. Một người khác chia sẻ: “Tôi cảm thấy đau xót khi giờ đây giá bất động sản cao ngất ngưởng thậm chí còn tước đoạt quyền được ngủ thoải mái trên giường của mình”.

Linh La (theo Business Insider, Straits Times, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI