Khó khăn khi dạy trên truyền hình cho học sinh tiểu học

25/03/2020 - 06:56

PNO - Một số trường có chương trình riêng và thực tế dạy trên truyền hình giáo viên không tương tác, không thể kiểm soát học sinh.

Để giúp học sinh có thêm hình thức học tập, ôn luyện trong thời gian nghỉ học kéo dài vì dịch COVID-19, thời gian này, Sở GD-ĐT Hà Nội tiếp tục phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội thực hiện chương trình dạy học trên truyền hình. Các bài dạy trên truyền hình là các bài học mới, tiếp nối chương trình lớp Bốn, lớp Năm cấp tiểu học; lớp Sáu, Bảy, Tám và Chín cấp trung học cơ sở; và lớp Mười, Mười Một, Mười Hai cấp trung học phổ thông.

Tuy nhiên, không ít phụ huynh băn khoăn việc dạy trên truyền hình có bắt buộc không? Kiểm tra, đánh giá thế nào? Vì rõ ràng đa số việc dạy trên truyền hình diễn ra vào giờ bố mẹ đi làm nên khó có thể kiểm soát được sự tiếp thu của con. Đó là chưa kể, một số trường có chương trình riêng và thực tế dạy trên truyền hình giáo viên không tương tác, không thể kiểm soát học sinh. 

Học sinh tiểu học khó tập trung khi học qua mạng - Ảnh minh họa
Học sinh tiểu học khó tập trung khi học qua mạng - Ảnh minh họa

Chỉ 70% học sinh theo học trực tuyến

Cô Lê Thị Thu Lý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Vân Nội (H.Đông Anh, TP.Hà Nội), cho hay: “Học truyền hình là giải pháp tình thế khi học sinh chưa thể đến trường. Tuy nhiên, việc kiểm soát được học sinh là khó nếu không có phụ huynh kèm. Thực tế, trường yêu cầu đến tiết học truyền hình thì giáo viên cũng phải ở nhà theo dõi xem dạy kiến thức gì, còn phụ huynh chụp lại bài tập của học sinh gửi cho giáo viên để kiểm soát”.

Theo cô Lý, chỉ được khoảng hơn 70% học sinh nhà trường làm được như trên. Phần lớn phụ huynh giúp con mình trả bài qua Zalo cho thầy cô nhưng có phụ huynh không có điều kiện dùng điện thoại thông minh, không dùng Zalo nên cũng… chịu. Cô Lý cho biết việc dạy trên truyền hình là để sau này học sinh trở lại trường có thể giảm bớt một số nội dung để theo kịp kế hoạch năm học.

“Dạy trên truyền hình nếu là ôn tập nội dung cũ thì được, nhưng dạy bài mới gặp nhiều trở ngại với học sinh tiểu học. Bởi lẽ, hiệu quả của việc dạy học từ xa này phụ thuộc vào năng lực và trình độ của từng nhóm học sinh. Ví dụ với môn tiếng Anh, có học sinh yêu thích, có năng lực thì tiếp thu tốt, nhưng có học sinh tiếp thu kém cộng với việc phụ huynh cũng không biết tiếng Anh thì sẽ tạo cho học sinh tâm lý “sợ học”. Khi đó, giáo viên lại yêu cầu làm bài tập, tất nhiên học sinh càng áp lực với việc học”, cô Lý chia sẻ.

Còn tại Trường tiểu học - THCS Pascal (Q.Bắc Từ Liêm, TP.Hà Nội), thầy Quàng Văn Phong, Phó hiệu trưởng, cho biết: “Hiện nay, nhà trường triển khai dạy học trực tuyến qua Zoom cho học sinh từ lớp Một theo đúng thời khóa biểu trước khi học sinh nghỉ vì dịch bệnh. Dạy qua Zoom, giáo viên và học sinh có thể tương tác với nhau, trả bài liên tục và học sinh nào tiếp thu đến đâu giáo viên cũng nắm được để kịp thời chấn chỉnh.

Khó khăn nhất có lẽ là vì đối tượng học sinh nhỏ tuổi nên cần có sự hỗ trợ, giám sát của phụ huynh với các thiết bị dạy học. Còn việc học qua truyền hình, nhà trường không bắt buộc mà chỉ khuyến khích học sinh lớp Bốn, Năm có thời gian thì xem”.

Theo thầy Phong, học sinh có thời khóa biểu học cả ngày qua Zoom nếu học qua truyền hình nữa thì… không có thời gian nghỉ ngơi. Hơn nữa, nhà trường có chương trình riêng, phù hợp với từng đối tượng, tất nhiên trên cơ sở chương trình của Bộ GD-ĐT; còn dạy qua truyền hình là đại trà, chung chung, khó để phù hợp với từng đối tượng.

Không bắt buộc

Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: “Quan điểm của sở là không bắt buộc học sinh học trên truyền hình. Chỉ khuyến khích học sinh tham gia học để củng cố kiến thức.

Việc dạy học trên truyền hình chỉ là cơ sở để khi học sinh quay lại trường, nhà trường tính toán tinh giản nội dung dạy học và điều chỉnh kế hoạch dạy học theo hướng kế thừa những nội dung, kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình, nhằm tối ưu thời gian và nội dung kiến thức cần tiếp tục dạy học trong chương trình theo quy định”.

Ông Quang cũng cho biết, hiện nay TP.Hà Nội không chỉ dạy trên truyền hình mà còn hướng dẫn học tập qua nhiều kênh như: ViettelStudy, Zoom. Về chương trình dạy trên truyền hình, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tính toán giờ phát sóng vào buổi tối với học sinh lớp Bốn, Năm để bố mẹ có thời gian hỗ trợ con khi cần thiết.

Còn về tinh giản chương trình, Sở GD-ĐT vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD-ĐT để có kế hoạch phù hợp dạy học từ xa cũng như khi học sinh quay lại trường. 

Đại Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI