Khó khăn của cuộc sống đang “bức tử” người già

29/02/2024 - 06:24

PNO - Sự cô đơn kéo dài từ sau đại dịch, khó khăn về kinh tế và xu hướng già hóa dân số tại một số quốc gia đang góp phần làm tăng nguy cơ tự sát ở người lớn tuổi.

Lựa chọn đau lòng

Những người trên 85 tuổi là nhóm dân số có tỉ lệ tự tử cao nhất ở Úc, với 32,7 ca tử vong/100.000 người ở nam giới và 10,6 ca tử vong/100.000 người ở nữ giới. Bức tranh toàn cầu về vấn đề này cũng ảm đạm tương tự.

Một phụ nữ lớn tuổi sống đơn độc trong căn hộ thuộc khu nhà ở phức hợp được thiết kế dành cho người già  tại TP Chibam, tỉnh Chiba, Nhật Bản - Nguồn ảnh: Asahi Shimbun
Một phụ nữ lớn tuổi sống đơn độc trong căn hộ thuộc khu nhà ở phức hợp được thiết kế dành cho người già tại TP Chibam, tỉnh Chiba, Nhật Bản - Nguồn ảnh: Asahi Shimbun

Theo một nghiên cứu công bố hồi tháng 1/2022 trên chuyên trang điện tử Nature Aging của Tạp chí khoa học Nature của Anh, tỉ lệ người trên 70 tuổi tự sát ở quốc gia này cao gần gấp 3 lần so với mức trung bình trên tổng dân số trong giai đoạn 1998-2017. Tại Mỹ, tự tử chiếm 25% các nguyên nhân khiến người lớn tuổi tử vong, cao hơn nhiều so với tỉ lệ 4% của dân số nói chung.

Ông Diego De Leo - giáo sư danh dự về tâm thần học tại Đại học Griffith (Úc) - cho biết, nguyên nhân tử vong của người lớn tuổi thường không được điều tra. Những cái chết liên quan đến việc sử dụng sai thuốc hoặc té ngã do cố ý thường được cho là kết quả của tình trạng thiếu minh mẫn hoặc suy nhược. Vì vậy, nếu được điều tra thực sự, tình trạng tự tử ở người lớn tuổi có thể còn tệ hơn.

Ngoài ra, có những giả định rất khác nhau về việc tự tử ở người trẻ và người già. Trong khi việc tự sát của một người trẻ tuổi được coi là bi kịch thì lựa chọn tự chấm dứt cuộc đời của một người lớn tuổi lại thường được xem như quyết định hợp lý. Bên cạnh đó, tiến sĩ Rod McKay - Giám đốc chuyên khoa tâm thần và sức khỏe tâm lý tại Viện Giáo dục và Đào tạo sức khỏe (HETI) ở Úc - nhận định, việc một người qua đời vì tự sát ở tuổi xế chiều thường bị xem nhẹ và được cho là ít ảnh hưởng đến mọi người xung quanh.

Ông McKay chia sẻ: “Những người lớn tuổi có khả năng tiếp cận các phương pháp điều trị tâm lý cực kỳ thấp, thấp nhất so với bất kỳ nhóm tuổi nào, ngay cả khi khả năng đáp ứng với quá trình điều trị của họ tương tự như những người trẻ tuổi hơn”. Điều này có thể là kết quả từ sự phân biệt tuổi tác vô thức ở các chuyên gia y tế và từ quan điểm cho rằng trầm cảm là một phần không thể tránh khỏi của tuổi xế chiều. 

Bi kịch từ gánh nặng chăm sóc người thân

Theo một nghiên cứu công bố vào tháng 12/2023, trong giai đoạn 2011-2021, trung bình cứ 8 ngày có 1 người già Nhật Bản bị chính thành viên trong gia đình sát hại hoặc tự sát sau khi làm hại người thân mà họ đang chăm sóc. Tác giả của nghiên cứu, giáo sư Etsuko Yuhara - chuyên gia về phúc lợi xã hội tại Đại học Nihon Fukushi ở tỉnh Aichi, Nhật Bản - đã sử dụng các nguồn truyền thông để xác định 443 trường hợp tử vong từ 437 vụ giết người hoặc tự sát xảy ra ở những người từ 60 tuổi trở lên. Đó là những người cần được chăm sóc điều dưỡng trong giai đoạn 2011-2021.

Một người mua hàng lớn tuổi mua sắm ở khu vực Ueno của Tokyo. Ảnh: Bloomberg
Một người mua hàng lớn tuổi mua sắm ở khu vực Ueno của Tokyo. Ảnh: Bloomberg

Theo bà, những cái chết từ tình trạng gọi là “sự suy kiệt của người chăm sóc” có thể tăng nhanh trong những năm tiếp theo, khi khoảng thời gian giãn cách do đại dịch COVID-19 làm tăng thêm sự tuyệt vọng của những thành viên gia đình chịu trách nhiệm phải chăm sóc người thân mắc bệnh tại nhà. 

Vào tháng 12/2023, cảnh sát Tokyo đã bắt giữ một người đàn ông 86 tuổi tên Haruo Yoshida tại nhà riêng sau khi ông gọi điện cho cơ quan chức năng, thông báo rằng ông đã bóp cổ người vợ 81 tuổi. Ông Haruo Yoshida khai với cảnh sát lý do giết bà Kyoko vì mệt mỏi khi phải chăm sóc bà. Đầu tháng đó, một người đàn ông khác và vợ, đều 83 tuổi, được phát hiện đã chết ở TP Suita, tỉnh Osaka. Người đàn ông đã gửi cho con gái một tin nhắn ngay trước nửa đêm, nói rằng ông sắp tự tử.

Giáo sư Yoko Tsukamoto - chuyên gia về kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại Đại học Khoa học y tế Hokkaido - cho biết: “Tình trạng suy kiệt của những người chăm sóc đã xuất hiện ở Nhật Bản một thời gian, nhưng tôi cảm thấy rằng nó trở nên tồi tệ hơn do đại dịch. Hệ thống y tế từng bị đẩy đến giới hạn và không có đủ sự trợ giúp cho những người được chăm sóc tại nhà”.

Giáo sư Yuhara cho rằng chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa để khuyến khích những người trẻ tuổi tham gia vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vốn đang thiếu hụt nhân lực trầm trọng vì mức lương thấp và điều kiện làm việc khó khăn. 

Linh La (theo The Guardian, SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI