Khô heo “hô biến” thành khô bò

25/12/2013 - 19:50

PNO - PN - Hàng loạt cơ sở sản xuất khô heo nhưng khi ra đến thị trường, những sản phẩm này được người bán “hô biến” thành khô bò.

edf40wrjww2tblPage:Content

“DÂY CHUYỀN SẢN XUẤT” BẨN

Tại cơ sở sản xuất khô heo Nguyên Vân (H.Bình Chánh, TP.HCM), toàn bộ “dây chuyền sản xuất” được gói gọn phía sau một căn nhà cấp bốn ọp ẹp với nền tráng xi măng nứt nẻ. Khi chúng tôi theo đoàn kiểm tra vào xưởng, các công nhân của cơ sở đang dọn dẹp vệ sinh, nền nhà ẩm ướt, dầu mỡ loang lổ khắp nơi. Vào thời điểm kiểm tra, cơ sở này có khoảng ba công nhân đang làm việc và một thợ sơn đang lăn tường ngay cạnh những chồng sàng, nia phơi khô heo thành phẩm. Cơ sở này bố trí tất cả các khâu sản xuất từ luộc thịt, sấy khô cho đến tẩm gia vị và phơi, đóng gói trong không gian chừng 50m2 nên không khí ở đây khá nặng mùi và ẩm thấp.

Theo thừa nhận của chủ cơ sở Nguyên Vân, vệ sinh ở đây chưa đạt yêu cầu. Các trang thiết bị, vật dụng chế biến nhìn khá bẩn. Những lò sấy của cơ sở này không khác gì một cái lò nung gạch, sàng nia bị nhuộm đỏ bởi màu của gia vị và khô vương vãi khắp nơi. Hai cái chảo luộc thịt toàn một màu đen và loang lổ dầu mỡ. Một công nhân giải thích, do vừa luộc thịt xong nên chưa vệ sinh. “Khi nào luộc thịt, tụi em sẽ rửa sạch chứ nhìn không như thế này”, một công nhân nói. Mặc dù vừa luộc thịt xong, nhưng hai cái chảo này chứa một thứ nước đặc quánh màu đen. Phía ngoài sân, nhiều can nhựa chứa chất màu đỏ, theo giải thích của một công nhân là nước gia vị đã sử dụng xong, chuẩn bị mang đi đổ.

Kho heo “ho bien”  thanh kho bo

Nền nhà nứt nẻ, dầu mỡ nhầy nhụa khắp nơi

BIẾT NHƯNG… BÓ TAY

Theo giải thích của ông Phạm Phú Lộ, chủ cơ sở Nguyên Vân, mỗi ngày ông chế biến khoảng 150kg thịt sau đó đóng vào thùng (5kg) và đem bỏ cho các chợ tại TP.HCM với giá khoảng 220.000đ/kg. Từ khâu nhập thịt tươi tới khâu xuất hàng thành phẩm đều có sự kiểm soát của cán bộ thú y. Có nghĩa là, cơ sở này được kiểm soát đầu vào cũng như đầu ra một cách chặt chẽ, đúng với giấy phép sản xuất khô heo do cơ quan chức năng cấp. Tuy nhiên, ông Lộ nói, ông bán cho các tiểu thương ở chợ là khô heo, sau đó họ bán cho người tiêu dùng và nói là khô gì thì ông không biết. Ngay cả cán bộ thú y cũng cho rằng, ngành thú y chỉ kiểm soát tại cơ sở, còn ra chợ lại thuộc trách nhiệm của ngành công thương. Đáng chú ý, ông Lộ tiết lộ rằng, gia vị cũng như quy trình sản xuất khô heo giống hệt khô bò. “Tôi tìm hiểu trên mạng, thấy có một loại hóa chất có thể giúp thịt heo dai hơn, nhằm giả khô bò”, ông Lộ nói. Khi chúng tôi hỏi muốn làm giả khô heo thành khô bò được không, ông Lộ cho biết phải cần thêm hóa chất để tạo độ dai cho thịt, khi hỏi đó là chất gì thì ông Lộ nói không biết vì chỉ nghe thôi chứ chưa dùng bao giờ (?).

Theo ông Lộ, nguồn tiêu thụ chính là một số chợ nhỏ lẻ trong nội thành TP.HCM. Chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) là một những điểm đó. Ghi nhận tại chợ này và một số cửa hàng tạp hóa, những sạp có bán khô bò, sản phẩm này được bán dưới dạng lát mỏng, to bằng bàn tay hoặc dạng xé sợi, đựng trong những túi bóng kính, không nhãn mác với giá từ 400.000 - 420.000đ/kg. So với giá các cơ sở khô heo bán ra (200.000 - 220.000đ/kg), mỗi ký người bán lãi trên dưới 200.000đ.

Kho heo “ho bien”  thanh kho bo

Hai chảo luộc thịt chứa một thứ nước đặc quánh màu đen nhưng công nhân ở đây cho biết mới luộc thịt xong

Ông Nguyễn Hồng Triệu, Phó Trạm trưởng Trạm thú y Bình Chánh cho biết, sau một số vụ cơ quan chức năng phát hiện các cơ sở làm khô heo nhưng đóng mác khô bò, nhiều cơ sở lách luật bằng cách đăng ký sản xuất khô heo, cả đầu vào đầu ra đều xin giấy phép và có xác nhận kiểm dịch từ cơ quan thú y nên hoàn toàn hợp lệ. Các cơ sở này thường đóng thành các thùng lớn, bán dưới dạng hàng xá cho các đầu mối, các đầu mối xé lẻ bán thành khô bò, khô nai… cơ quan thú y không có thẩm quyền kiểm soát ở khâu này mà trách nhiệm lúc này là của ngành công thương và y tế.

 CA HẢO - ĐĂNG THƯ

Theo số liệu cập nhật các vụ xử lý động vật, sản phẩm động vật vận chuyển kinh doanh trái phép của Chi cục Thú y TP.HCM, gần như ngày nào cũng phát hiện ít nhất một vụ việc vi phạm. Theo chân các cán bộ Trạm Thú y huyện Bình Chánh sáng ngày 23/12, chúng tôi thấy có hai vụ vi phạm và xử lý vi phạm lớn. Ngoài vụ xử lý 12 tấn thịt bò nhập khẩu quá date, chủ hàng không ra mặt, cơ quan thú y còn vừa phát hiện một số lượng lớn (trên 1,7 tấn) thịt, phụ phẩm động vật (dê, bê, cừu) thiếu giấy chứng nhận kiểm dịch, không được vận chuyển bằng xe chuyên dụng mà bằng xe ba gác. Chủ lô hàng là ông Lê Miên Trường cho biết, số thịt này có nguồn gốc từ Ninh Thuận, được gửi xe vào bến xe Miền Đông rồi vận chuyển về nhà và phân phối tại các quán ăn, quán nhậu và bán tại chợ Hòa Bình, Q.5.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI