Khó giữ lòng tốt

11/10/2014 - 17:09

PNO - PN - Người Sài Gòn đọc cái bảng “mỗi lần chỉ đường 5.000đ” thấy lạ, và buồn. Ở cái thành phố rộng nhất đất nước này, ai mà không có lần lạc đường, đi lòng vòng không định hướng được mình đang ở đâu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Ở cái thành phố mà người nhập cư cũng thuộc hàng đông nhất đất nước này, ai cũng có thể là người Sài Gòn mà ai cũng có thể là người tứ xứ. Đối đãi với nhau bằng cái lòng chia sẻ, trong đó cũng có chút tự hào người tới trước đỡ người tới sau, chuyện này rành, chuyện kia mình có thể không rành mấy, lúc này người ta lạc, lúc khác mình cũng có thể lạc... cái tâm tính của người chủ nhà, cũng là “người xứ khác” ấy, đã thành một nếp nghĩ, một nếp hành xử trong văn hóa của Sài Gòn, nên giờ đây đọc cái bảng đó, người ta thấy kỳ cục quá, thấy chạnh lòng quá.

Khó giu long tot

Nhưng xét về một phương diện khác, lại thấy cái bảng đòi tiền chỉ đường đó cũng là một cách cư xử rất đúng kiểu của mảnh đất này: hồn nhiên, bộc trực, “có sao nói vậy”, không phải cái kiểu dửng dưng hay bực bõ mà vẫn ngọt nhạt. Mà cái buồn của người đi đường, cái hấm háy cự nự của người đi đường cũng đúng kiểu luôn: họ không vô cảm lướt mắt qua, không hờ hững đi ngang coi chuyện của kẻ lạc đường không phải chuyện của mình.

Họ phản ứng trước cái bảng lạc lõng đó, họ tỉ mẩn hỏi vì sao có cái bảng kỳ cục đó, để cho người trong cuộc được phút trải lòng. Bao nhiêu kẻ té nước theo mưa ào ào bình luận về sự vô cảm của con người, mà không nhìn thấy cuộc sống vẫn đang tiếp diễn, cái mạch ngầm thiện tâm vẫn thể hiện bằng cách này cách khác, chứ không phải đã tắt là lụi tàn hẳn.

Tấm bảng đã được gỡ xuống. Chắc sẽ có người thay vô đó một bảng chỉ đường chi tiết dân dã dễ hiểu, kiểu như cái bảng chỉ dẫn ở góc đường Cao Thắng - Nguyễn Thị Minh Khai, chỉ đường cho bà bầu vô bệnh viện Từ Dũ “Đi thẳng qua ngó lên nhà lầu màu vàng có hình mẹ bồng con”. Hay như mấy cái thùng nước uống miễn phí cho người lỡ đường, cái thùng để ngoài vỉa hè nhưng sạch sẽ, sáng trưng, làm bằng inox, cách nhiệt, có nước đá hẳn hoi, bởi vậy mà sợ mất, bởi vậy phải có một cái dây xích to tướng xích cái thùng vô… gốc cây cạnh đó, nhưng nước trong thùng luôn đầy, luôn mát.

Sài Gòn, nắng gắt gay và mưa ào ạt, cái tốt, cái xấu, cái được, cái chưa được đan xen nhau. Người ta phản ứng nhậm lẹ, tánh nóng nên có khi cũng trật chìa, rồi sau đó nhận ra cái lỗi của mình cũng nhanh.

Với tốc độ cập nhật thông tin hiện nay, hằng ngày, hàng loạt những vụ việc như vậy được đưa lên mặt báo, đưa lên mạng, lan truyền qua chia sẻ cá nhân. Người ta khó có cơ hội kiểm chứng thật cẩn thận mọi việc, nhưng ai cũng có xu hướng than vãn, trách móc, lên án, ném gạch ném đá để tỏ bày lương tâm trong sạch của mình. Những chuyện tài xế gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân, dù đó là một phụ nữ mang thai, chuyện giết người tình rồi chặt ra từng mảnh… được mô tả tường tận chi tiết, nhưng đáng buồn là không vì thế mà các vụ án rùng rợn đó bớt đi, ngược lại, có vẻ như nó càng ngày càng nhiều lên, mức độ càng tàn bạo gớm ghiếc hơn.

Phải chăng, trong đó có phần lỗi của truyền thông, đã chưa làm tốt việc tuyên truyền, hướng thiện cho cộng đồng, còn tập trung vào khía cạnh vô nhân tính của sự việc, tập trung khai thác những hình ảnh, thủ đoạn máu me, rùng rợn, kích thích thêm phần thú tính trong con người? Từ chỗ cạnh tranh nhau về lượt đọc, đến chỗ xa rời mục tiêu định hướng dư luận, xa rời tư cách là phương tiện chuyển tải văn hóa, một số kênh tin tức đang trở thành những cỗ máy thu hút người đọc vì mục tiêu kiếm lợi đơn thuần.

Căn nguyên của những câu chuyện ấy nằm đâu? Tất cả, từ tấm bảng đòi 5.000đ tiền chỉ đường, cho đến những bãi rác thông tin bạo lực tràn lan, có lẽ đều là hậu quả của quá trình phát triển nóng - sự đông đúc chật chội và pha tạp của phố phường, sự bùng nổ của các phương tiện thông tin, quá nhanh, quá vội đến nỗi người ta không còn thời giờ hỏi đường cho đúng phép lịch sự, không còn thời gian nói lời cảm ơn, dẫn đến chỗ người ta tận tâm chỉ đường riết rồi cũng “đổ quạu”.

Tất cả cái vội vàng ấy ập vào mạng, người ta tranh nhau post tin, tranh đua chia sẻ, không còn thời gian xử lý thông tin rác, không còn thời gian hướng mắt người đọc vào những tầng nghĩa sâu sắc hơn ẩn phía sau sự kiện. Sự vô cảm đã bắt đầu ngay từ lúc người ta tiếp nhận thông tin. Chính dòng thông tin ấy đổ vào đầu người ta nỗi sợ hãi liên lụy, sự mất lòng tin, chứ nếu nhìn vào cuộc sống thực đang diễn ra trước mắt, không phải không còn đó những tấm lòng.

Lòng tốt là điều khó giữ, khó đến mức để nuôi dưỡng cái thiện căn đó từ thuở ấu thơ, người ta phải khen con trẻ khi nó làm điều tốt, khó đến mức hiền nhân xưa có lúc phải ngửa mặt lên trời than khổ “vi nhân nan” (làm người thật khó!). Khó hơn nữa là làm điều tốt lặng thầm mỗi ngày, không cần phải được ai khen, vượt qua những mệt mỏi, dằn dỗi, bao dung bỏ qua được cả điều chưa tốt của người đời.

Có cái bảng đòi tiền đó, người ta mới giật mình tiếc một điều tốt có thể đang mất đi nếu không kịp giữ gìn. Mong sao đó chỉ là một lần lạc lòng, rồi cộng đồng sẽ biết cách chỉ cho nhau đường đi đúng.

LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI