Tại hội nghị “Thực trạng và giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP.HCM” do UBND TP.HCM tổ chức sáng 30/7 nhiều đại biểu cho rằng, để chấm dứt tình trạng vi phạm xây dựng cần nới lỏng một số quy định và giải pháp liên quan đến đất ở cho dân.
Nhà ở riêng lẻ bị biến thành chung cư
Ông Lê Trần Kiên - Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - cho biết, trong hai năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố có 6.825 công trình vi phạm xây dựng với các hành vi phổ biến là sai phép, không phép.
“Vì sao tình trạng xây dựng sai phép, không phép ngang nhiên tồn tại? Là vì việc duy trì này có lợi cho một số đối tượng thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM
|
Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đã ban hành gần 1.200 quyết định xử phạt vi phạm, trình UBND TP.HCM ban hành 185 quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo ông Kiên, các cấp, ngành, đơn vị đã rất tích cực trong việc phát hiện và xử phạt nhưng vẫn không chấm dứt triệt để tình trạng này do nhiều nguyên nhân.
Trong đó, nguyên nhân chủ yếu vẫn là nhu cầu nhà ở không đáp ứng được tỷ lệ dân số ngày một tăng; lợi nhuận từ mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền rất lớn; một số đầu nậu lợi dụng nhu cầu nhà ở của người dân, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, sau đó xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp để kinh doanh, mua bán.
Cũng theo ông Kiên, công tác cưỡng chế tháo dỡ các công trình vi phạm gặp nhiều khó khăn; hàng ngàn trường hợp không tuân theo yêu cầu, buộc cơ quan chức năng phải cưỡng chế.
Nhưng pháp luật lại quy định biện pháp phạt tiền bằng cách khấu trừ lương hoặc một phần thu nhập, kê biên tài sản có giá trị tương ứng với số tiền phạt để đem đi đấu giá, thu hồi.
“Trong hầu hết các trường hợp, cơ quan quản lý không xác định được thu nhập, tài khoản của đối tượng vi phạm do ngân hàng không hợp tác, dẫn đến không thể ban hành quyết định cưỡng chế. Hơn nữa, có quá nhiều trường hợp người dân chỉ có tài sản duy nhất là căn nhà bị yêu cầu tháo dỡ nên không thể kê biên” - ông Kiên dẫn chứng.
"Yêu cầu các quận huyện, phường xã cần mau chóng rà soát, chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cá nhân để xảy ra xây dựng sai phạm. Đặc biệt, không cho xuất cảnh đối với các tổ chức, cá nhân đang chịu quyết định xử phạt hành chính”.
Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM
|
Theo các đại biểu, tham nhũng trong lĩnh vực trật tự xây dựng đang là vấn nạn nhức nhối. Không ít trường hợp phát hiện vi phạm nhưng cán bộ không xử lý hoặc che giấu, đề xuất hướng xử lý không tương xứng với vi phạm để hưởng lợi.
Đại diện Ban Nội chính Thành ủy TP.HCM cho biết, cũng có không ít trường hợp, cán bộ quản lý trật tự xây dựng chủ động gợi ý, nhũng nhiễu đối với chủ công trình đang xây dựng, nhất là công trình vi phạm.
Trong những năm gần đây, có trên 300 cán bộ, công chức thanh tra xây dựng bị xử lý về hành vi công vụ với hình thức cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc và chỉ có một trường hợp bị xử lý hình sự về hành vi tham nhũng (ông Nguyễn Đỗ Duy Hải - cán bộ Thanh tra xây dựng H.Nhà Bè, bị phạt 1 năm tù về tội “nhận hối lộ” vào năm 2016).
Các đại biểu cho rằng, mức độ xử lý cán bộ sai phạm trong quản lý trật tự xây dựng ở TP.HCM vẫn còn quá nhẹ, không đủ răn đe.
Đồng tình, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM - nêu ví dụ, H.Bình Chánh hiện vẫn còn 161 nhà “ba chung” (chung giấy phép xây dựng, chung chứng nhận quyền sử dụng đất và chung số nhà).
Nguyên nhân là từ một hộ được cấp phép xây dựng một nhà hai tầng với diện tích 168m2, chủ đầu tư tự thay đổi kiến trúc thành 25 căn nhà có diện tích 1.181m2. Hoặc một công ty thương mại - dịch vụ truyền thông biến nhà ở thành một chung cư, với 200 hộ dân, 645 nhân khẩu.
Liên quan đến công tác phòng chống tham nhũng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các quận huyện, phường xã cần mau chóng rà soát, chỉ rõ trách nhiệm của người đứng đầu, cá nhân để xảy ra xây dựng sai phạm.
|
Một số căn nhà sừng sững mọc lên trên đất ruộng ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh - Ảnh: Sơn Vinh |
Năm 2020, chấm dứt vi phạm xây dựng?
Ông Võ Văn Hoan - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho rằng, sai phạm trong xây dựng đã diễn ra quá lâu, quá phức tạp, cần phải có điểm dừng và mốc dừng này là từ năm 2020.
Tuy nhiên, lãnh đạo các quận huyện than rằng, mục tiêu này rất khó thực hiện nếu lãnh đạo thành phố không nới lỏng một số quy định, giải pháp liên quan đến đất ở cho người dân.
Theo thống kê, có đến 112.720 giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ được cấp trong năm 2017, 2018 và 6 tháng đầu năm 2019; chiếm đến 89% tổng số giấy phép xây dựng đã được cấp tại TP.HCM. Cũng trong thời gian này, có đến 2.571 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng nhà ở riêng lẻ, chiếm 37,6% trên tổng số công trình vi phạm.
“Huyện có nhiều gia đình nhiều thế hệ sinh sống trên đất nông nghiệp, nhu cầu tách thửa “ra riêng” rất lớn. Nhưng do là đất nông nghiệp nên không được tách thửa, không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất và không được cấp phép xây dựng. Từ đó, vi phạm xây dựng phát sinh”.
Ông Nguyễn Văn Lưu - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè
|
Ông Lê Thanh Phong - Phó bí thư thường trực Huyện ủy Củ Chi - thông tin, toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên là 44.000ha, trong đó đất nông nghiệp 26.000ha, chiếm 60% diện tích và đặc biệt, thu nhập từ nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao so với các lĩnh vực còn lại.
Thế nhưng, việc quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp tại huyện vô cùng nhiêu khê.
“Với số dân tăng mỗi năm 30.000 người, trong năm 2019, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM phân cho huyện 356ha đất được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp, cao nhất trong các quận huyện, nhưng lấy con số này chia cho đầu dân thì chỉ có 12.000 người được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vậy 28.000 người còn lại sẽ đi đâu, ở đâu?” - ông Lê Thanh Phong nêu thực trạng.
Ông Lê Thanh Phong còn chỉ ra một nguyên nhân khiến tình trạng xây dựng vi phạm tại huyện không ngừng tăng.
Hai dự án Khu đô thị Tây Bắc và Quy hoạch 10 phân khu tại huyện chiếm 11.000ha, tức chiếm 1/4 tổng diện tích tự nhiên toàn huyện Củ Chi hiện đang rơi vào tình trạng đóng băng đã khiến gần 44.000 hộ dân ở hai dự án này muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây nhà ở không được. |
Song song, chỉ tiêu năm 2019 chỉ cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang “đất nông nghiệp khác” chỉ gồm 30ha để người dân xây tạm các công trình, cũng không giải được bài toán xây dựng công trình tạm trên đất nông nghiệp của dân.
Ông Phong kết luận: “Bài toán quản lý trật tự xây dựng đối với đất nông nghiệp, do đó sẽ rất khó cho huyện”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Lưu - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND H.Nhà Bè - phân tích, toàn huyện có trên 10.000ha đất tự nhiên, dân số 205.000 người.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng xây dựng không phép, sai phép của người dân và các chủ đầu tư là do công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch khu dân cư mới, quy hoạch khu công viên cây xanh ở huyện còn quá chậm, khiến người dân có nhu cầu ở không biết phải làm gì để được xây nhà.
Theo ông Võ Văn Hoan, có nhiều quy định chồng chéo gây khó cho quá trình xử lý sai phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, không vì thế mà không xử lý được. Ông nói: “Chúng ta xử lý không phải để người dân gặp khó hơn, mà là ngăn chặn tình trạng vi phạm xây dựng nảy sinh”.
Ông Hoan cho biết, từ những vướng mắc trên thực tế của các quận, huyện, UBND TP.HCM sẽ nghiên cứu kỹ các giải pháp và sớm ban hành để các quận, huyện, ban, ngành có cơ sở xử lý.
Theo Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang, biện pháp cắt điện, nước tại các công trình xây dựng vi phạm là một biện pháp hiệu quả. Do đó, có thể kiến nghị việc chỉnh sửa Nghị định 139 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng theo hướng bao gồm quy định cắt điện, nước của công trình vi phạm.
Thế nhưng, theo nhiều đại biểu, biện pháp này có thể gây bức xúc cho người dân trong thực hiện quyền con người, quyền công dân. Thậm chí, cũng không có quy định nào để đơn vị cung cấp điện, nước áp dụng trong tình huống này.
|
Tuyết Dân