Đời người, bất cứ ai cũng có kỷ niệm của riêng mình. Kỷ niệm vui buồn, là thứ đã qua đi không bao giờ trở lại. Bởi thế, kỷ niệm là kho báu.
Hành trình tìm kiếm kho báu bí mật luôn là cảm hứng trong văn học nghệ thuật cho nhiều người, nhiều thế hệ. Những đêm mưa cha/mẹ (có thể là bịa ra) kể cho con nghe chuyện một người đi tìm kho báu. Câu chuyện được thêm thắt tăng tính hấp dẫn.
|
Ảnh minh họa |
Trong những câu chuyện ấy thường có chi tiết ân đền oán trả, người quyết chí đi tìm sẽ thành công và giàu có, không loại trừ yếu tố may mắn… Những câu chuyện truyền khẩu này nuôi tâm hồn trẻ lớn lên với kỷ niệm gia đình đầm ấm, vui vầy.
Cảm hứng về kho báu có lẽ không bao giờ cạn với con người. Thời hiện đại, nhiều game lấy chủ đề đi tìm kho báu cuốn hút người chơi sa vào đó, say sưa tìm cách mở những cánh cửa hy vọng, hết lớp cửa này đến lớp cửa khác với mục đích tìm được kho báu.
Trên con đường tìm kiếm có khi phải đánh nhau với quái vật, phải kiếm thêm “máu” cho trò chơi bằng nhiều cách. Việc tìm kho báu kiểu này đôi khi như một chất gây nghiện, cuốn con người vào trò chơi làm sao tăng level, càng cao càng say mê.
Ngoài đời thực, qua hàng thế kỷ, thế giới vẫn còn nhiều người miệt mài đi tìm kho báu, ẩn chứa trong lòng đất, núi, rừng, đại dương… Cuộc tìm kiếm có khi biết là vô vọng nhưng người ta vẫn đi tìm. Nói chung, kho báu luôn kích thích con người tìm tòi, khám phá, dẫu thời xa xưa hay trong hiện tại.
Nói cách khác, trên hành trình dài của cuộc sống, con người đã tích tụ cho mình nhiều kho báu, chất chứa trong lòng. Có thể thổ lộ và có thể bị chôn kín, vĩnh viễn.
Kho báu của mỗi người đa dạng lắm. Một anh kể chuyện không bao giờ quên được cái bắt tay của bố ngày anh lên đường nhập ngũ. Chỉ là một cái bắt tay nhưng đọng lại nhiều suy nghĩ trong anh. Cái bắt tay cho thấy bố đã công nhận anh trưởng thành, hơn nữa, ông đang xem anh như hai người bạn. Cái bắt tay còn ngụ ý sẻ chia những thử thách mà anh sẽ phải đối mặt…
Mẹ kể con nghe về một cục sắt bỏ lăn lóc ở góc nhà. Mỗi lần bà ngoại dọn dẹp lại càm ràm không biết để làm gì. Một ngày, ông ngoại mang cục sắt nhờ người ta rèn một con dao thật đẹp, thật tốt. Mỗi lần chặt xương, bà ngoại tuy không nói ra, nhưng ông biết bà rất hài lòng. Con dao sau mấy chục năm vẫn còn dùng tốt. Mỗi lần thấy con dao, mẹ lại nhớ đến cục sắt và những câu chuyện về nó.
Anh này và bạn gái chia tay nhau đã lâu dù hai người đã có một con gái lên 7 tuổi. Bạn gái thích thì cho anh đến thăm con, không thích thì cấm cửa, dù là thăm con ở trường. Anh tâm sự, mong đến ngày con gái lớn lên, hiểu được tấm lòng của cha, và nhận ra người mẹ là nguyên nhân của mọi vấn đề.
Anh kết luận, kho báu đời anh bây giờ là con gái. Anh chờ cô 18 tuổi, không còn phụ thuộc mẹ nữa, có quyền đến thăm cha mà không cần mẹ đồng ý hay không. Con đường đi tìm kho báu của anh là làm có tiền, để dành sau này tặng con gái.
Quả là người bố hết ý. Có người khen vậy, nhưng người khác lại suy nghĩ, mẹ cô bé phải có lý do gì mới ngăn cản hai bố con họ gặp nhau chứ, nội tình của họ làm sao biết được!
Kho báu đời người là gì tùy suy nghĩ của mỗi người về cái mình quý nhất trong cuộc sống. Lãng mạn một chút sẽ thấy, bất cứ ai cũng có kho báu của mình, dù nghèo hay giàu. Người giàu có vật chất, của cải; người nghèo có sức khỏe, con cái. Trường hợp ở trên, anh chàng ấy cho rằng, muốn chờ con gái, anh phải có sức khỏe. Đó là hai thứ quý nhất của anh hiện tại.
Ngẫm thêm một câu chuyện khác. Vợ chồng trẻ, có một con gái, cả hai đều chưa quá tuổi 35. Ước mơ của họ là tích cực làm việc, rèn luyện chuyên môn tốt, để dành tiền đi định cư xứ người bằng chính nghề nghiệp của họ, tất nhiên có sự hỗ trợ của hai bên gia đình.
Ước mơ hoàn toàn có thể thực hiện được trong thời gian chưa đến mười năm. Vậy mà một ngày, trong đợt khám sức khỏe, chồng phát hiện bị bệnh hiểm nghèo. Mọi thứ sụp đổ, ước mơ tan tành mây khói.
Bây giờ điều quý giá nhất là sức khỏe. Chồng còn khỏe, vui vầy bên con cái, đó chính là kho báu!
Con người đôi khi thường nhìn xa mà không biết, hay không bao giờ nghĩ đến việc gần. Gia đình bên cạnh nhưng mải theo đuổi sự nghiệp, bởi cho rằng đó là thứ quý nhất đời. Đến một ngày, vì lý do nào đó, ước mơ xa tầm tay với, nhìn lại, kho báu bên mình cũng chẳng còn.
Kho báu mỗi người tùy quan niệm. Có người cho rằng, của cải là phù du, chỉ có tình thương gia đình là mãi mãi, nên đừng bao giờ đánh mất nó. Bởi vậy kho báu ngay bên cạnh, mà con người cứ phải suốt đời mải mê đi tìm là vì thế chăng?
Kim Duy