"Kho báu bị đánh cắp": Sứ mệnh bảo vệ lịch sử văn hóa nhân loại

19/05/2020 - 15:27

PNO - "Kho báu bị đánh cắp" không đơn thuần là bộ phim hành động chiến tranh, kể về một đội “đặc nhiệm” không phải lính trận, có nhiệm vụ giành lại các tác phẩm nghệ thuật của châu Âu đã bị Đức quốc xã chiếm đoạt, phá hủy.

Trong thời chiến, ai quan tâm đến nghệ thuật? Nhất là trong bối cảnh vô cùng khốc liệt của Chiến tranh Thế giới thứ 2 (1939 - 1945), với khoảng 70 triệu người đã chết trong giai đoạn bi thương này của lịch sử. Châu Âu được xem là trung tâm điểm của thế sự này.

Ngoài tổn thương nhân mạng, tổn thất về nghệ thuật là khó đếm xuể, chủ yếu là các bức họa kinh điển cùng những bức tượng nổi tiếng của châu Âu.

Với tham vọng tạo nên bộ sưu tập nghệ thuật cá nhân vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, Adolf Hitler tìm mọi cách thâu tóm toàn bộ tác phẩm nghệ thuật ấy, chuyển về Đức. Ở cuối cuộc chiến, khi cảm thấy nguy cơ sụp đổ của Đức Quốc xã, Hitler sẵn sàng cho phá hủy rất nhiều bộ sưu tập nghệ thuật từ châu Âu, thông qua Sắc lệnh Nero.

Kho báu bị đánh cắp (tên gốc: The monuments men, do Mỹ và Đức hợp tác sản xuất, phát hành năm 2014) là một bộ phim thuộc thể loại sử thi chiến tranh, nhưng có lẽ người xem không nhất thiết phải trông chờ được “mãn nhãn” với các cảnh hành động chiến tranh. Tính chất hành động xuyên suốt của câu chuyện phim này đến từ điểm nhìn văn hóa của nhóm nhân vật chính - “đội đặc nhiệm bảo vệ nghệ thuật”. Đội được thành lập với sứ mệnh bảo toàn các tác phẩm nghệ thuật đại diện cho văn hóa cùng lịch sử của nhân loại.

Với mục tiêu đó, họ đã nhận nhiệm vụ tưởng chừng bất khả thi, bước vào cuộc chiến khi tuổi tác không còn trẻ. Dần dần họ nhận ra mình hoàn toàn không chỉ là những kẻ đứng ngoài quan sát cuộc chiến, bởi càng lúc họ càng trở thành những thành viên tích cực, phải đối mặt với vấn đề thời chiến như tất cả binh sĩ đã và đang tham chiến.

Khi bắt đầu nhận nhiệm vụ, họ tự hỏi liệu có thể gọi mình là người lính thật sự? Họ có mạo hiểm như những chàng trai trẻ đang chiến đấu và hy sinh ở khắp các mặt trận?

Nhưng khi đội của họ mất người thứ nhất, rồi đến người thứ hai, họ biết mình có quyền mặc quân phục!

Bởi, nếu mục đích của những người lính đang cầm súng là để bảo vệ giống nòi, thì nhiệm vụ bảo vệ nghệ thuật của đội chính là để gìn giữ các nền văn hóa, bảo vệ cuộc sống tương lai.

“Đội đặc nhiệm bảo vệ nghệ thuật” sớm nhận ra rằng chiến tranh thế giới có thể quét sạch một thế hệ loài người, có thể san phẳng nơi họ sống, nhưng bằng cách nào đó, họ sẽ lại phục hưng. Nhưng nếu phá hủy những thành tựu và lịch sử của loài người, có nghĩa là họ chưa bao giờ tồn tại. Tất cả chỉ là đống tro tàn, đó là điều Hitler muốn. Và họ sẽ không cho phép điều đó xảy ra!

Ngay cả khi “đội đặc nhiệm bảo vệ nghệ thuật” đã hoàn thành sứ mệnh của mình một cách vẻ vang, họ vẫn phải chấp nhận một sự đối chất nhất định khi kết thúc nhiệm vụ. Kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2, Harry S. Truman - Tổng thống đời thứ 33 của nước Mỹ đã chất vấn vị thủ lĩnh của đội, rằng: Nó có xứng đáng với sự hy sinh ấy không? 30 năm sau, liệu có ai còn nhớ về người lính đã hy sinh vì một bức tượng?

Kịch tính của Kho báu bị đánh cắp là những lần đội tìm kiếm phát hiện được manh mối của các bảo vật nghệ thuật đang được quân Đức chuyển dời; là niềm vui vỡ òa khi nhìn thấy từng tác phẩm nghệ thuật danh tiếng vẫn chưa bị quân Đức phá hủy.

Kịch tính tâm lý cũng hiện diện âm ỉ như than trong bếp lửa tưởng chừng chỉ còn là tàn tro. Đó là mối quan hệ ban đầu không dễ dàng giữa nhà nghiên cứu nghệ thuật, một chàng trai trẻ người Mỹ với người phụ nữ Pháp - quản thủ phòng trưng bày Jeu de Paume, nơi có sự hiện diện của “Quân áo đen”.

Đội đặc nhiệm bảo vệ nghệ thuật trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 đã tìm lại được các tác phẩm nghệ thuật của khắp châu Âu bị Đức Quốc xã chiếm đoạt, với ước lượng trên 5 triệu tác phẩm. Đặc biệt, trong số đó có bảo vật quốc gia của nước Bỉ là Những bức tranh thờ ở Ghent (tên gốc: Con chiên thần bí/ The mystic lamb) của đại danh họa Jan Van Eyck (1390-1441); tượng đá cẩm thạch Madonna and Child của nghệ sĩ vĩ đại, điêu khắc gia Michelangelo (1475-1564). Cùng với hơn 100 tấn vàng thỏi, là toàn bộ số vàng dự trữ của quân Đức thời điểm ấy, đây cũng chính là đòn chí tử với Hitler để kết thúc cuộc thế chiến.

Người xem sẽ thắt tim với thông tin hé lộ về các tác phẩm hội họa đương đại của các nghệ sĩ bậc thầy như danh họa Pablo Picasso (1881-1973) - chủ soái của Trường phái Lập thể; Paul Klee (1879-1940) - một trong những người tiên phong của Trường phái Trừu tượng; Max Ernst (1891- 976) - một trong những người tiên phong của phong trào Dada và Trường phái Siêu thực… đều nằm trong “danh sách đen” của nghệ - thuật - suy - đồi (theo quan điểm của “nhà tư tưởng” Alfred Ernst Rosenberg của Đức Quốc xã).

Theo quan điểm đó, những tác phẩm của các họa sĩ này cần phải hủy bỏ bằng cách thiêu rụi. Hình ảnh ngậm ngùi về một khung tranh còn sót lại của Pablo Picasso, đã bị cháy xém được đội tìm kiếm phát hiện trong một khu mỏ bị quân Đức đốt thành tro trên đường rút lui, khiến người xem xót xa.

Thậm chí, khi mối quan hệ giữa người nữ quản thủ phòng trưng bày Jeu de Paume với nhà nghiên cứu nghệ thuật người Mỹ được cải thiện, kịch tính truy tìm kho báu cũng chưa bao giờ dừng lại.

Dù nữ quản thủ kho tàng nghệ thuật của tổ chức ERR đã trao lại cuốn sổ có danh - sách - cuộc - đời cô, với đầy đủ các tác phẩm nghệ thuật từng bị “Quân áo đen” của Đức tại Paris cưỡng chiếm, chuyển đi giấu tại lâu đài Neuschwanstein (thuộc địa phận làng Schwangau, gần Fussen, miền Nam nước Đức) - nơi cất giữ kho vàng của Ngân hàng đế chế Đức, thì khi ấy, quân đội Liên Xô cũng đang trên đường tiến sang nước Đức, đồng thời tiến hành thu gom chiến tích là các tác phẩm nghệ thuật mà Đức Quốc xã đã cướp, để chuẩn bị cho một cuộc bồi thường chiến tranh sau khi chiến thắng Hitler.

Trong mắt người xem, xuyên suốt bộ phim, cuộc đua của đội đặc nhiệm bảo vệ nghệ thuật luôn là những diễn biến đầy căng thẳng, trên từng bước đường tìm lại văn hóa nghệ thuật nhân loại loạn lạc trong thời chiến.

Kho báu bị đánh cắp do George Clooney, người từng 2 lần đoạt giải Oscar viết kịch bản, sản xuất và đạo diễn, có kinh phí đầu tư khoảng 70 triệu USD.

Trailer phim Kho báu bị đánh cắp:

 

 

 

Phước Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI