Đã khá lâu mẹ mới sang nhà chơi nên con cứ giữ lại ăn cơm tối. Ti vi vừa phát chương trình thời sự buổi chiều, con đã tất bật dọn cơm rồi giục mẹ ăn cho nóng. Cu Khánh đi học thêm từ sớm, bữa cơm chỉ có hai người nên mẹ bảo đợi lát nữa Khải về rồi cùng ăn. Nghe mẹ nói vậy, tự nhiên con xẵng giọng khó chịu: “Mẹ cứ hay lo, đợi lão ấy biết đến bao giờ, nghe nói hôm nay họp cơ quan về vấn đề nhân sự nên chắc khuya mới về, mẹ ăn đi không nguội hết”. Con đã nói vậy, mẹ định không nói gì nữa nhưng để ý thấy bao nhiêu thức ăn con đều dọn ra cả nên nhắc con để phần cho chồng.
Con dằn đũa bực bội: “Mệt mẹ quá, về không đúng bữa thì còn gì ăn nấy, hơi đâu mà để phần”. Lời nói của con làm mẹ chuyển từ ngạc nhiên sang lo lắng, con dường như đã thay đổi tâm tính sau những biến cố của gia đình. Trước đây, con rất chăm lo cho chồng từ bữa ăn, giấc ngủ. Hôm nào sang mẹ chơi về muộn một tí con đã cuống cuồng sợ không kịp cơm nước cho chồng. Vậy mà giờ đây, con tỏ vẻ bất cần như chẳng thèm quan tâm đến chồng nữa.
Hai mẹ con mới ăn lưng nửa bát cơm thì chồng con về. Một thời gian không gặp thôi mà mẹ thấy Khải gầy đi hẳn, áo quần xộc xệch, râu ria lởm chởm. Mới ngồi vào bàn, Khải đã ríu rít kể chuyện cuộc họp ở cơ quan chiều nay nhưng dường như con chẳng mấy để ý. Nhìn vẻ mặt hớn hở của chồng con, mẹ đoán chắc là nó có chuyện vui. Một lúc sau, như muốn con chú ý, Khải nói: “Em biết không, anh được chọn làm tổ trưởng đấy”. Con bỏ dở bát cơm, cười sặc sụa: “Ôi trời, tưởng chức vụ gì ghê gớm, tổ trưởng lái xe thì có là cái gì”. Mặt Khải tái đi nhưng cố vớt vát: “Thì anh phải vững vàng, mọi người tín nhiệm mới bầu vào vị trí đó chứ”.
Con không ngừng cười cợt: “Ừ thì tín nhiệm, nhưng nào có phải làm ông to ông lớn gì mà anh tự hào ghê thế. Đừng đi khoe kẻo không khéo lại làm trò cười cho người ta”. Mẹ chẳng hiểu lắm về những điều con vừa nói, nhưng rõ ràng con đang tỏ thái độ khinh khi công việc của chồng. Khải ỉu xìu mặt, không trả lời, chỉ lặng lẽ ăn cơm rồi về phòng. Bữa cơm hôm ấy thật ngột ngạt, lòng mẹ đắng ngắt, nỗi buồn cứ len lỏi trong tâm trí.
Đây không phải lần đầu tiên con như vậy khi nhắc đến chuyện việc làm của Khải nhưng hôm nay, mẹ thấy con thật quá đáng. Vợ chồng con yêu và lấy nhau là tự nguyện. Ngày trước, mẹ từng băn khoăn khi giữa hai đứa có sự chênh lệch khá xa về học vấn nhưng con một mực khẳng định đã yêu nhau thì “dẫu trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.
Lúc ấy, Khải đang là ông chủ của một cửa hàng buôn bán đồ gỗ, còn con làm cơ quan nhà nước. Nếu không biết Khải chưa học xong cấp III trong khi con đã tốt nghiệp đại học thì nhìn hai đứa rất xứng đôi vừa lứa. Thấy con quyết tâm để vun vén cho tình yêu, Khải thật lòng yêu thương nên bố mẹ không nỡ ngăn cản.
Sáu năm đầu của cuộc hôn nhân, hai đứa sống rất hạnh phúc dù muộn đường con cái. Sau nhiều năm chạy chữa, con sinh được cu Khánh nhưng cháu lại mắc bệnh tim bẩm sinh. Số tiền chữa vô sinh cộng với tiền thuốc thang cho Khánh đã ngốn mất hơn một nửa tài sản tích cóp của hai vợ chồng. Vì nôn nóng muốn kiếm tiền, Khải đã liều mạng đầu tư lớn rồi bị lừa mất hết, cả căn nhà đang ở cũng phải bán để trả nợ, tiền còn lại chỉ đủ mua căn chung cư giá rẻ.
Thời điểm khó khăn ấy, mẹ vẫn động viên hai đứa còn người còn của. Mẹ nuôi hy vọng gia đình con sẽ vượt qua khi thấy Khải không bỏ cuộc, từ một người làm chủ, Khải chẳng nề hà việc gì để kiếm tiền phụ vợ, kể cả bốc hàng, chạy xe ôm, phụ thợ nề. Thỉnh thoảng, Khải có than thở chuyện con đổi tính đổi nết nhưng mẹ nghĩ con chưa vượt qua được cú sốc nên động viên Khải bỏ qua.
Được một thời gian, người quen của bố giới thiệu cơ quan bên đó sắp tới cần một chân lái xe cho sếp nhưng phải có bằng tốt nghiệp cấp III và bằng lái xe hạng B2. Bố cứ đắn đo vì sợ nhiều điều kiện thế chắc gì Khải đã chấp nhận. Nhưng sau khi nghe bố phân tích, dù gì đó cũng là một nghề, lương bổng ổn định, chồng con rất quyết tâm. Sau hơn một năm cật lực ôn luyện dù bỏ sách vở đã lâu, Khải vừa học xong bổ túc cấp III vừa thi nâng hạng bằng lái theo yêu cầu và được nhận vào làm.
Ngỡ là từ đó, con sẽ vui hơn vì chồng đã ổn định công việc, nhưng những lần con than thở về Khải ngày càng nhiều và rất vô lý. Mỗi nghề có một đặc thù, lái xe cho sếp đi sớm về khuya là chuyện thường nhưng con cứ lấy cớ cằn nhằn chồng. Mấy lần, Khải ghé qua nhà chơi, có kể với mẹ, con rất ít nấu cơm cho chồng, về muộn tí là không còn gì để ăn, lại phải mì tôm cho qua bữa. Không tin chuyện đó nên mẹ lên tiếng bênh vực con mà không để ý đến tiếng thở dài lặng lẽ của Khải.
Hôm nay, tận mắt chứng kiến thái độ coi thường chồng của con mẹ mới tin và thấy sợ. Thời gian qua, Khải đã rất nhẫn nhịn nhưng già néo đứt dây, đến một lúc nào đó không chịu được sẽ tung hê tất cả. Đàn ông mấy ai chịu được nhục khi bị coi khinh, nhất là vợ mình. Con đang chọc đúng vào “tử huyệt” của hạnh phúc gia đình mà không hề hay biết.
Dường như con đã quên đi ước vọng năm xưa của mình, khi chồng cố “kê cho bằng”, con lại xô lệch để nối dài khoảng cách. Con đang có một người chồng đáng quý, thương vợ con và giàu bản lĩnh, bởi đâu phải người nào cũng dũng cảm vượt qua sóng gió như vậy. Vợ chồng đến với nhau vì tình và sống trọn đời còn vì nghĩa, càng khó khăn càng phải tựa vào nhau mà sống. Con đừng tự biến mình thành một người vợ nông nổi, hời hợt sau những thử thách gập ghềnh mà gia đình đã trải qua.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.