Khiếm khuyết đàn bà

29/11/2017 - 14:00

PNO - Trời phú cho phụ nữ cái tử cung và đôi ngực để được làm vợ, làm mẹ nhưng từ đó cũng gây cho phụ nữ không ít đớn đau, từ thể xác tới tâm hồn

1. 28 tuổi, Nhung lấy chồng. Trong vòng 10 năm, cô sinh hai con, một  trai một gái, cuộc sống viên mãn bên cạnh người chồng thương yêu cô hết mực. Đùng một cái, Nhung phát hiện mình mắc bệnh ung thư vú. Bác sĩ chỉ định mổ cắt bỏ một bên vú càng sớm càng tốt.

Nhung hoảng. “Biểu tượng nữ tính” có thể sờ nắn được của phụ nữ chỉ là bấy nhiêu đó, mà cắt bỏ đi thì làm sao tự tin sống tiếp? Nhưng chọn cái sống hay cái chết? Nhung bảo, chưa bao giờ Nhung thấy ham sống như lúc này. Đâu phải sống cho bản thân, mà còn phải sống vì con. Mình chết rồi, con không có mẹ sẽ khổ muôn phần… Nhung mau chóng vượt qua cú sốc, bắt tay điều trị bệnh theo phác đồ của bác sĩ. 

Khiem khuyet dan ba
Ảnh minh họa

Sau mổ, chồng Nhung đề nghị cô nên tái tạo lại một bên vú đã bị cắt, vì muốn vợ tự tin. Cô không chịu, nghĩ không cần thiết, vì bệnh cô cần điều trị lâu dài, tốn kém. Nhưng cũng từ lời đề nghị của chồng, Nhung bắt đầu nghi hoặc: anh ấy có chán cái “núi đơn” của mình không nhỉ? Không ít lần, Nhung vén áo trước gương, cô không dám sờ tay vào vết sẹo, và cảm thấy quá thất vọng về “biểu tượng nữ tính” của mình.

Ngày trước, đi làm về tới nhà là Nhung cởi phăng cái áo ngực, vì nó quá bức bối. Bây giờ thì khác, cô chịu được nó ngay cả khi trời nắng nóng. Là vì cô mất tự tin. Cô muốn che đậy khuyết điểm ngay cả với người đầu ấp tay gối. Tôi bảo Nhung tự gây rắc rối cho mình, hay là cô nên đi tái tạo ngực như gợi ý của chồng, để mỗi khi anh ấy đụng chạm, sẽ thấy dễ chịu, mà cô cũng tự tin hơn? 

Nhung bảo, nếu chồng quan tâm tới sự sống của vợ thì sá chi thiệt giả, vợ chồng gắn bó nhau đâu phải vì những sờ mó lung tung, hay những cái nhìn nghi ngại. Cô chia sẻ điều ấy với chồng, và bắt đầu làm việc, song song với ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý sao cho có lợi sức khỏe.

Cô luôn tranh thủ để được đưa đón con, gần gũi con khi nào có thể. Những sáng mùa thu đưa con tới trường, con đường tắt ngoằn ngoèo uốn mình trong sương sớm, đẹp tựa bức tranh, vậy mà từ ngày đổ bệnh, cô mới nhận ra. Cô muốn ôm mọi thứ vào lòng, sợ một mai sẽ chẳng còn cơ hội. Cô hiếm khi cắt móng tay hay nhổ tóc sâu cho chồng, vậy mà nay cô làm đều đặn.

Khiem khuyet dan ba
Ảnh minh họa

Ai bảo người bệnh hay cáu bẳn chứ cô thì “ngoan” hơn, dễ thương hơn nhiều. Nhung nói, dù bị bệnh, cô vẫn không cho phép mình mè nheo, ỷ lại hay làm phiền; khi còn làm việc được thì cứ làm những việc ý nghĩa để vừa tạo niềm vui, vừa quên đi bệnh tật. Nghe thế, tôi chỉ muốn ôm choàng lấy bạn mình vì thấy bạn suy nghĩ tích cực quá, dù bệnh nhưng vẫn rất yêu đời.

Tôi tin, chồng Nhung vẫn luôn chia sẻ việc nhà, việc xã hội, vẫn rất biết điều… như Nhung từng kể. Anh ấy hẳn là “liều thuốc quý” của Nhung, hiểu về thế giới nội tâm của một người mang “án tử”, dù không nói ra nhưng hẳn vợ mình có rất nhiều nỗi niềm. 

2. Chị bạn tôi nhắn tin: “Ngày này ở Na Uy, Thanh sẽ lên bàn mổ cắt bỏ toàn bộ tử cung”. Phụ nữ với nhau, nghe thế, thương cảm, xót xa dấy lên trong lòng. Chúng tôi chỉ biết cầu mong mọi điều tốt đẹp cho Thanh. 

Phụ nữ mắc các chứng bệnh liên quan đến “biểu tượng đàn bà” là nỗi đau khó chia sẻ bằng lời. Cùng một tên gọi “ung thư”, cũng như ung thư tử cung, ung thư vú đụng chạm đến vấn đề nhạy cảm. Như bà cụ 80 tuổi ở gần nhà tôi bảo, rất mắc cỡ khi biết mình có vấn đề về tử cung. Cụ rất ngại mỗi khi bác sĩ thăm khám, rằng “ông nhà tôi mất đã mấy chục năm, tôi không nghĩ tôi lại bị thế này”.

Hay như Linh, bạn tôi, đang dự định sinh đứa con thứ hai thì phát hiện ung thư tử cung. Linh sốc toàn tập. Kể từ ngày phát bệnh đến sau khi cắt bỏ tử cung, Linh không còn thiết tha chuyện gần gũi chồng, là vì “thấy ghê ghê, sợ ảnh hưởng xấu đến bệnh”. Trong khi chồng luôn có nhu cầu mà Linh không đáp ứng, thì làm sao tránh khỏi chuyện anh ấy “ra ngoài”.

Có nhiều trường hợp, ngay khi vợ khỏe mạnh, nhu cầu tình dục tốt, chồng vẫn ngoại tình, thì chưa hẳn chồng Linh ngoại tình do vợ bệnh. Dù bác sĩ khuyến cáo việc tử cung bị cắt không ảnh hưởng gì đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, Linh vẫn thiếu tự tin nên vừa chống chọi với ung thư, vừa buồn chồng ngoại tình, sức khỏe sa sút trông thấy. 

Trời phú cho phụ nữ cái tử cung và đôi ngực để được làm vợ, làm mẹ nhưng từ đó cũng gây cho phụ nữ không ít đớn đau, từ thể xác tới tâm hồn. Ung thư tử cung và ung thư vú là hai loại ung thư chiếm tỷ lệ cao nhất ở nữ giới. Ung thư gắn liền với cái chết được biết trước, vậy mà có chị không sợ chết, chỉ sợ mất tự tin với bạn đời.

Vì bệnh, có chị gạt nước mắt làm ngơ, để chồng vui vẻ bên ngoài. Phụ nữ thiếu tự tin vì bệnh là một sai lầm vừa đáng trách, vừa đáng thương. Đàn ông lợi dụng khiếm khuyết (do bệnh) của vợ, hoặc “vô tình” ngoại tình ở thời điểm vợ bị ung thư, chẳng khác nào gây cho vợ cú sốc mới, tệ hại hơn cú sốc khi vợ phát hiện ung thư, bởi “tâm bệnh” bao giờ cũng khó chữa. 

Nhìn Linh gầy đi mỗi ngày, tôi chỉ biết khuyên bạn vứt bỏ nỗi buồn, đầu tư điều trị bệnh. Bạn có mệnh hệ gì, con cái sẽ khổ trước tiên. Nhắc tới con, nước mắt Linh ngắn dài… 

Phi Khanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI