Lịch sử, lâu nay vẫn thường là không gian của thế giới đàn ông, chủ thể làm nên và chủ thể viết về; đàn bà bước vào đấy thường rón rén.
Nhưng đời sống bao giờ cũng có những ngoại lệ. Lịch sử phương Đông thâm u lại sản sinh những ngoại lệ bất ngờ. Từ Dụ Thái hậu lặng lẽ trải qua mười đời vua, để lại một nhân dáng long lanh trong cái rối ren ngổn ngang của lịch sử, cho Trần Thùy Mai, nhà văn dịu dàng xứ Huế chuyên về truyện ngắn, một ngày trình làng bộ tiểu thuyết dày trên chín trăm trang, sau hai năm "cày chữ" trong một không gian rất xa quê nhà: San Francisco, Hoa Kỳ.
Có vẻ như cuộc thiên di lớn lao về đời sống này không hề bứt nhà văn ra khỏi cái nôi nghệ thuật mà bà đã ươm mầm hạnh phúc. Nhưng nay, từ những nhân vật phụ nữ vô danh đời thường, Trần Thùy Mai đã đi đến những nhân vật phụ nữ tên tuổi lưu danh sử sách, miệt mài tạc khắc: Từ Dụ Thái hậu bước vào trang viết của Trần Thùy Mai, trở nên ám ảnh hơn bao giờ hết. Đó là nhân vật nằm trong giao điểm của lịch sử và văn học, là kết tinh của dữ kiện có từ sử sách, giai thoại và khả năng tưởng tượng phong phú của nhà văn.
Chọn lối viết truyền thống, giản dị, cấu trúc theo từng chương nhỏ (quyển thượng 41 chương, quyển hạ, 28 chương) với thời gian tuyến tính, nhân vật, tình huống và sự kiện, tiểu thuyết tuy dày nhưng rất dễ đọc. Một quá khứ cung đình sống lại trong từng diễn biến sinh hoạt, cơ mưu, thủ đoạn, tranh giành quyền lực. Như vậy, khi viết tiểu thuyết này, Trần Thùy Mai không có chủ ý làm mới thế giới nghệ thuật của riêng mình cũng như cách tân về thể loại.
Nhân vật chính mở ra cánh cửa tiểu thuyết một cách nhẹ nhàng ngay trang đầu, trong khu vườn quê yên tĩnh vào một sớm mai nhàn nhã. Cô bé tuổi lên mười Phạm Thị Hằng “má phính hồng”, “bím tóc xinh” ngồi bên gốc xoài, đọc Kinh Thi cùng cha, quan Tham tri Phạm Đăng Hưng đang mùa cư tang phụ thân. Nhân vật ấy đóng lại cánh cửa tiểu thuyết vào trang cuối, người đàn bà bốn mươi tuổi góa bụa Từ Dụ Thái hậu với tâm trạng đầy khắc khoải, nỗi chung, niềm riêng, cô đơn trong “vầng sáng quanh dáng điệu uy nghi” giữa chốn kinh thành.
Ba mươi năm, một quãng thời gian dồn nén bao biến cố kinh hoàng trong đời sống vương triều nhà Nguyễn, một vực xoáy cuốn phăng nhiều thân phận nữ nhi vào chốn cung đình. Trong vực xoáy đó, ở đoạn đời và vị trí nào: là cung phi Phạm Thị Hằng, Hoàng hậu Nghi Thiên Chương, hay Thái hậu Từ Dụ, người đàn bà ấy vẫn giữ được căn tính thuần hậu của mình, hoàn toàn xa lạ với các cơ mưu, tham vọng tàn nhẫn của Nhị phi Trần Thị Đang.
Đó là một nhân vật đẹp trong dáng vẻ tự nhiên, mềm mại, khiêm cung, tràn đầy nữ tính. Trần Thùy Mai gọi đó là “dòng nước dịu mát”. Tâm thức cộng đồng đã ghi nhớ điều ấy, và nhà văn chỉ làm nó sống động hơn lên, trong một cái nền chung, riêng, giàu sắc thái.
Cái nền ấy là gì? Có thể là yếu tố địa lý - văn hóa: mảnh đất phương Nam hiền hòa dễ sống. Có thể là nếp nhà: dòng dõi họ Phạm Đăng Hưng. Có thể là thiên tính cá nhân. Và cũng có thể là người đàn bà sẵn lòng yêu thương và được yêu thương. Tất cả yếu tố ấy đã tạo nên một nguồn lực vững chãi, nuôi dưỡng cái căn cốt văn hóa đặc biệt nơi Từ Dụ Thái hậu, giúp bà miễn nhiễm, đi qua bao thử thách mà vẫn không hư hao, không bị điều kiện hóa, luôn yêu thương và sẵn sàng dang tay cứu giúp mọi người.
Những ai thích cá tính mạnh, những nhân vật chứa nhiều kịch tính, có thể thấy trong tiểu thuyết này, Từ Dụ Thái hậu - vì trong trẻo, nên lành quá, có phần mờ nhạt bên cạnh các nhân vật như Nhị phi Trần Thị Đang, Tam phi Ngọc Bình, Cam Lộ… Họ, bằng cách này, hay cách khác, vốn là con rối quay cuồng trong hoàn cảnh.
Trần Thị Đang, người đàn bà sát cánh chinh chiến cùng Nguyễn Ánh, quen với cảnh máu chảy đầu rơi, tâm hồn đã chai đi vì bạo lực, có tư tưởng công thần, lại không được vua yêu chiều. Ngọc Bình, chiến lợi phẩm của Gia Long “ngôi mộ sống đào mỗi ngày” quằn quại trong nỗi đau bị sỉ nhục. Cam Lộ, người đàn bà có nhan sắc, đơn giản, suồng sã trong những nhu cầu bản năng. Nhưng phải chăng, bao giờ cũng vậy, cái tốt thường hài hòa trong dáng vẻ tự nhiên, người tốt thường lặng lẽ.
Xây dựng Từ Dụ Thái hậu, Trần Thùy Mai đã trung thành với những “nàng thơ” nghệ thuật của chính mình, cũng như trung thành với ký ức của cộng đồng. Nhà văn, một lần nữa, qua nhân vật này, muốn khẳng định về phẩm cách của người phụ nữ nói riêng và con người nói chung, trong một môi trường luôn có quá nhiều vực xoáy làm chúng ta bị đắm chìm, tha hóa.
Lịch sử, bằng cầu nối của văn học, đã làm sống lại những kinh nghiệm nhân sinh và xã hội từ quá khứ. Với tiểu thuyết Từ Dụ Thái hậu, qua tâm thế và cái nhìn của mình, Trần Thùy Mai đã làm sáng lên cội nguồn sức mạnh bền bỉ của đất nước và dân tộc Việt Nam.
Nguyễn Thị Thanh Xuân