Khi vợ làm trụ cột

17/10/2014 - 19:40

PNO - PN - Hoàn cảnh đưa đẩy, người thì chồng bị tai biến, người có chồng là thương binh, hai người phụ nữ nhỏ bé ấy trở thành trụ cột gia đình. Vừa kiếm tiền lo cho chồng con, vừa phải giữ “lửa” tổ ấm, họ phải thật sự...

edf40wrjww2tblPage:Content

Khi vo lam tru cot

Bà chủ tiệm may Vương Bằng luôn là trụ cột vững chắc của chồng con

Tình yêu chắp cánh

Ít ai ngờ bà chủ nhà may Vương Bằng, hẻm 50 (Võ Văn Kiệt, Q.1, TP.HCM) với đôi chân đi không vững lại là chỗ dựa của người chồng thương binh và hai cô con gái. Đã ở tuổi 52 nhưng khi nhắc đến những kỷ niệm hẹn hò với chồng là anh Nguyễn Văn Vương, ánh mắt chị Trần Thị Kim Bằng vẫn sáng lên, giọng nói đầy sôi nổi. Chị kể, ngày trẻ chị từng có hai mối tình, nhưng gia đình người ta không cho cưới vì chê chị khuyết tật. Rồi chị gặp anh Vương. Anh tham gia bộ đội ở chiến trường Campuchia bị mất một chân, là thương binh 2/4. Chị thì năm bốn tuổi bị sốt bại liệt, việc đi lại hết sức khó khăn. Hai người khuyết tật nương tựa vào nhau. Chị thương anh vì cái tính thật thà, chất phác. “Đi tiệc tùng, họp hành ở đâu, người ta chia phần nước ngọt hay bánh trái gì cũng không chịu ăn mà mang về cho bạn gái. Hồi đó, kinh tế khó khăn, anh cần kiệm lắm, nhưng mỗi lần tôi nói thích ăn kem Bố Già là anh không tiếc tiền, dẫn đi ăn liền”, chị Bằng vui vẻ kể.

Ngôi nhà nhỏ ở hẻm 24 (Trương Phước Phan, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân, TP.HCM) vừa là nơi ở, vừa là tiệm hoa tươi của chị Nguyễn Thị Mỹ (31 tuổi). Chồng bị đột quỵ nên hơn ba năm nay, chị Mỹ phải vừa làm chồng, vừa làm vợ.

Anh Trần Đức Thép gặp chị Mỹ trong đám cưới người anh họ, khi ấy anh là phụ rể còn chị phụ dâu. Cuộc gặp gỡ trở thành duyên số, họ hẹn hò suốt hai năm và đi đến kết hôn. Bất hạnh ập đến khi chỉ còn hai ngày nữa là đám cưới thì chị Mỹ nhận được tin anh Thép bị tai biến mạch máu não.

Ca phẫu thuật thành công, chị chưa kịp mừng thì nhận được tin dữ. “Chồng tôi bị liệt tay trái, là cánh tay thuận của anh. Chân trái anh cũng yếu, đi hơi khập khiễng, di chứng của cơn tai biến”, giọng chị Mỹ chùng xuống. Không ít bạn bè, người quen khuyên chị nên suy nghĩ kỹ khi có ý định gắn bó suốt đời với anh. Bỏ ngoài tai mọi lời ong tiếng ve, chị quyết tâm cùng anh đi trọn cuộc đời. Hạnh phúc mỉm cười với anh chị khi hơn một năm sau, chị có thai và sinh cho anh một bé trai kháu khỉnh. Mái ấm nhỏ của đôi vợ chồng trẻ bây giờ luôn tràn ngập tiếng cười.

Khi vo lam tru cot

Chị Mỹ vui vẻ làm “tài xế” cho chồng con

Đổi vai

Hơn 10 năm trước, anh Vương vừa làm việc ở công ty xuất nhập khẩu, vừa phụ vợ nội trợ. Tiệm may của chị dần đông khách, chị Bằng khuyên chồng nên nghỉ việc về phụ chị may vá. Anh nghe lời vợ, nghỉ làm đi học may. Từ khi hai bé gái lần lượt chào đời, chân chị đi lại yếu hơn, anh vừa phải làm “nội tướng” vừa may vá. Chị tâm sự: “Mỗi ngày làm việc 12-13 tiếng là chuyện bình thường. Sinh con gái đầu được một tháng là tôi giao con cho chồng chăm sóc, còn mình ra tiệm may làm. Có khi khách đặt hàng gấp, cả tháng tôi ở ngoài tiệm không về nhà”.

Nhờ chồng chu toàn nhà cửa nên chị Bằng tập trung vào tiệm may, kiếm tiền trang trải chi phí sinh hoạt và nuôi hai cô con gái ăn học. Con gái lớn của chị là Nguyễn Hà Ngọc Vy nay đã tốt nghiệp đại học, đi làm. Con gái út là Nguyễn Hà Ngọc Giao đang học lớp 10.

Tôi hỏi anh Vương có bao giờ mặc cảm vì phải ở nhà nội trợ thay vợ không, anh cười tươi: “Nhà phải có một người hy sinh. Người ra tiền tuyến thì phải có người lui về hậu phương. Vợ chồng phải chia sẻ công việc với nhau. Làm cho vợ con mình nhờ thì có gì mà ngại”.

Một năm đầu sau khi phẫu thuật là khoảng thời gian chị Mỹ miệt mài đưa anh Thép đi bệnh viện, tập vật lý trị liệu với hy vọng cánh tay anh sẽ hồi phục. Nhưng chị chờ mãi, sức khỏe của chồng vẫn không biến chuyển. Từ khi có con, gánh nặng công việc, cơm áo càng dồn lên vai chị Mỹ nhiều hơn.

Khi còn mạnh khỏe, anh Thép là thợ máy, chuyên làm những công việc nặng nhọc, nhưng nay sức khỏe yếu, anh chỉ giúp vợ chăm sóc con nhỏ. Sáng thức dậy, chị bận bịu với việc đi chợ mua hoa tươi về cắm và đi giao hoa cho khách. Xong việc, chị lo cơm nước, giặt giũ cho cả nhà. Còn anh cho con ăn sáng, pha nước ấm, giặt khăn lau mình mẩy cho con. Anh chỉ có một tay, thằng bé lại năng động, đi loăng quăng khắp nhà làm anh vã mồ hôi. Nhìn chồng vẻ thông cảm, chị Mỹ thật thà: “Nhiều bữa thằng nhỏ chạy chơi, anh đi theo con không kịp, nhìn mà thương ghê”.

“Bí kíp” giữ lửa

Anh Vương ngay từ khi yêu đến khi lấy vợ đã tự nguyện làm việc nhà thay vợ. “Có lẽ anh thấy mình đi lại liêu xiêu, sức khỏe yếu nên giành làm hết việc nhà. Anh chu đáo lắm. Mỗi lần vợ đi làm về là vội vàng vào hâm lại thức ăn cho nóng để vợ ăn cho ngon miệng. Có món gì ngon cũng nhường cho vợ con ăn trước”, chị Bằng chia sẻ. Không chỉ quan tâm đến sở thích của vợ con, anh Vương còn để ý cả sở thích của ba mẹ vợ. Chị bảo, chị yêu chồng cũng bởi tính tình chất phác, hiếu thảo của anh.

Chị Bằng đúc kết: “Muốn gia đình hạnh phúc thì sống thật giản dị. Đừng thấy người khác giàu có, nhiều tiền mà so sánh, ganh đua. Khi muốn mua sắm đồ đạc hay xây sửa gì, cũng nên gói ghém, vợ chồng cùng tính toán, cân nhắc vừa đủ để không phải rơi vào cảnh đi vay nợ thiếu trước, hụt sau”. Dù cuộc sống chưa dư dả nhưng chị Bằng tự hào từ ngày cưới đến nay, vợ chồng chị chưa từng to tiếng với nhau vì chuyện tiền nong.

Ảnh hưởng từ cơn tai biến nên sau phẫu thuật, chồng chị Mỹ cũng đổi tính, hay nhăn nhó, bực dọc. Chị luôn phải vui vẻ, nói chuyện tếu táo để không khí gia đình được êm ấm. Biết chồng không giỏi kiếm tiền nên chị càng phải tế nhị hơn trong lời ăn tiếng nói để anh không tự ái, tổn thương. Chị cười bảo: “Nếu lời nói có thể làm cho gia đình vui vẻ thì mình dại gì mà không nói. Khi anh làm việc nhà, tôi cũng hay khen ngợi, khích lệ để anh thấy mình luôn có ích với vợ con. Tôi luôn áp dụng phương châm "cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê".

 Nguyễn Nga

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI