Khi vẻ đẹp "ảo" bóp chết cuộc sống thật

23/10/2021 - 09:52

PNO - Các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng chỉnh sửa ảnh đã góp phần tạo nên một chuẩn mực về vẻ đẹp xa rời thực tế trên không gian ảo, khiến thanh thiếu niên chạy theo như những con thiêu thân để rồi đánh mất sức khỏe, thời gian, ý nghĩa cuộc sống.

Đánh đổi sức khỏe vì vẻ đẹp “ảo”

Emily (20 tuổi, sinh viên) bắt đầu sử dụng Instagram ở tuổi vị thành niên, để theo dõi những người nổi tiếng, nhằm nhận lời khuyên về các vấn đề sức khỏe, nhưng rồi mọi chuyện đã thay đổi. 19 tuổi, Emily được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống.

Emily cho biết: “Dù tôi đã đến phòng tập thể dục rất nhiều, cơ thể tôi vẫn chưa bao giờ giống với hình mẫu của những người có ảnh hưởng trên Instagram”.

Những ứng dụng chỉnh sửa ảnh đem lại vẻ đẹp “ảo” đang góp phần dẫn dắt cả thế hệ đến những mục tiêu thiếu lành mạnh
Những ứng dụng chỉnh sửa ảnh đem lại vẻ đẹp “ảo” đang góp phần dẫn dắt cả thế hệ đến những mục tiêu thiếu lành mạnh

Emily là một trong số nhiều người dùng Instagram phải gánh chịu nỗi đau thực tế khi chạy theo những vẻ đẹp “ảo” trên mạng xã hội. Facebook, công ty sở hữu Instagram, dường như biết rõ ứng dụng của họ đang gây hại đến sức khỏe tâm thần của các cô gái vị thành niên nhưng họ đã chọn cách phớt lờ, né tránh.

Năm 14 tuổi, Ashlee Thomas mắc chứng biếng ăn. Lúc ấy, cô chỉ nặng 39kg và phải nhập viện vì suy kiệt. Tim Ashlee đã ngừng đập hai lần và các bác sĩ cho rằng cô sẽ không qua khỏi. Bây giờ, cô gái trẻ từ New South Wales, Úc chọn cống hiến cuộc đời mình để giúp đỡ những cô gái rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Lời cảnh báo đầu tiên của cô đối với các bậc cha mẹ và trẻ em là về sự nguy hiểm của Instagram. Ngày trước, Ashlee bắt đầu theo dõi những người có ảnh hưởng về chế độ "ăn kiêng giảm mỡ". Những thân hình mà cô coi là lý tưởng không ngừng xuất hiện trên dòng thời gian của cô mỗi ngày. Những lượt "thích" và bình luận càng góp phần lôi kéo cô gái trẻ bắt chước một cách mù quáng.

Ở tuổi 20, Ashlee kể: “Tôi chỉ muốn được yêu thích và nổi tiếng như họ”. Một người dùng đã phản ứng tiêu cực với những bức ảnh Ashlee đăng về bản thân, nói rằng bụng cô trông quá béo. Chán nản vì những bình luận chê trách, Ashlee bắt đầu bỏ ăn và suy sụp.

Anastasia Vlasova (18 tuổi), một người sống sót sau chứng rối loạn ăn uống đang theo học Đại học Gallatin ở New York, cho biết cô cũng có trải nghiệm tương tự. Vlasova bị thu hút bởi hình ảnh những phụ nữ có thân hình nuột nà và cơ bụng hoàn hảo. Thế nhưng, càng nhìn những cơ thể săn chắc trên Instagram, cô càng cảm thấy bản thân tồi tệ. Vlasova gọi đó là một "nỗi ám ảnh không lành mạnh" mà nhiều thanh thiếu niên ở độ tuổi cô mắc phải.

Những cuộc đấu tranh của Ashlee Thomas, Emily hay Vlasova là biểu hiện của hiệu ứng độc hại tiềm tàng mà các nền tảng mạng xã hội tác động lên các cô gái tuổi teen, được nêu bật trong lời khai trước quốc hội Mỹ của Frances Haugen - cựu Giám đốc sản phẩm của Facebook.

Nghiên cứu nội bộ của chính Facebook (được Wall Street Journal trích từ bộ hồ sơ Haugen gửi Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ) cho thấy, 13,5% cô gái tuổi teen trên Instagram nói nền tảng này khiến suy nghĩ “tự sát và tự gây thương tích” trở nên tồi tệ hơn, đồng thời 17% nói rằng nền tảng này khiến “các vấn đề ăn uống, chẳng hạn chứng biếng ăn” trầm trọng hơn.

Trong một nghiên cứu đối với thanh thiếu niên ở Anh và Mỹ, hơn 40% người dùng Instagram cho biết họ cảm thấy bản thân “không hấp dẫn” từ khi sử dụng ứng dụng trên. 

Nghiện chỉnh sửa ảnh có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý và sức khỏe
Nghiện chỉnh sửa ảnh có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý và sức khỏe

Instagram có hơn 1 tỷ người dùng trên toàn thế giới. Kim Kardashian, Selena Gomez, Ariana Grande… là những tài khoản có hàng trăm triệu người theo dõi.

Sonia Livingstone - giáo sư tâm lý xã hội tại Khoa Truyền thông của Đại học Kinh tế London (LSE - Anh) - mô tả tuổi vị thành niên đối với các cô gái là một “vòng cung”, có xu hướng bắt đầu với những trải nghiệm cơ bản như quan tâm đến vật nuôi, vẽ tranh… hoặc chơi đùa cùng các em nhỏ trong gia đình, từ đó phát triển thành một phụ nữ trẻ tự tin, sẵn sàng đối mặt với thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, ở giữa đường cong đó là thời điểm thách thức bước ngoặt và là nơi mạng xã hội tác động nhiều nhất.

Giáo sư Livingstone giải thích: “Đó là thời điểm các cô gái phải đối mặt với nhiều câu trả lời cho tình huống khó xử của mình. Câu trả lời nổi bật nhất từ cộng đồng thông qua mạng xã hội là vẻ ngoài, xu hướng tiêu dùng thời thượng”.

Ứng dụng bóp méo sự thật

Một vấn đề lớn và ngày càng gia tăng trong xã hội, góp phần ngăn cản nhiều người có được một thân hình khỏe mạnh bắt nguồn từ các ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh. Bạn luôn dễ dàng tải các ứng dụng chỉnh ảnh và thay đổi diện mạo của mình - đôi khi đến mức không thể nhận ra.

Đáng chú ý, vấn đề này gây hại không chỉ cho người chỉnh sửa ảnh của chính họ mà còn có hại cho người xem hình ảnh đó. Nó tạo ra một lý tưởng làm đẹp phi thực tế, dần dần gây ra cảm giác thiếu thốn cái đẹp cho cả thế hệ.

Veronica bắt đầu sử dụng bộ lọc để chỉnh sửa hình ảnh của mình trên mạng xã hội khi cô 14 tuổi. Tất cả mọi người ở trường trung học của cô đều hào hứng với công nghệ mới. Veronica kể: “Ban đầu, mọi người không cố gắng trông đẹp hơn khi họ sử dụng các bộ lọc”. Nhưng Sophia, em gái của Veronica, lúc đó đang học lớp Năm, không đồng ý. Cô bé quả quyết rằng bản thân và bạn bè đang dùng bộ lọc chỉnh sửa ảnh để trông già dặn và xinh đẹp hơn.

Nhiều bộ lọc giúp người dùng trông “đẹp hơn” luôn có sẵn trên nhiều nền tảng mạng xã hội, thu hút hàng trăm triệu lượt người dùng
Nhiều bộ lọc giúp người dùng trông “đẹp hơn” luôn có sẵn trên nhiều nền tảng mạng xã hội, thu hút hàng trăm triệu lượt người dùng

Ngày càng nhiều người trẻ, đặc biệt là các cô gái tuổi teen, dùng các bộ lọc ảnh để “làm đẹp”, nhằm mang lại vẻ ngoài như người mẫu như làm sắc nét, thu nhỏ, tăng cường, chỉnh màu cho khuôn mặt và cơ thể.

Veronica và Sophia đều là những người dùng cuồng nhiệt của Snapchat, Instagram và TikTok - nơi những bộ lọc này phổ biến cho hàng triệu người. Thông qua các thao tác vuốt và chạm, các bộ lọc cho phép người dùng điều chỉnh hình ảnh mình một cách hết sức dễ dàng, linh hoạt.

Thói quen chỉnh ảnh giống như phần mở rộng, nối tiếp của hiện tượng chụp ảnh “tự sướng”. Caroline Rocha, một nghệ sĩ trang điểm và nhiếp ảnh gia tại Mỹ, nói cô thấy nhiều phụ nữ trên mạng xã hội “nghiện” sử dụng bộ lọc hoặc ứng dụng chỉnh sửa ảnh.

“Họ không muốn ai thấy dung mạo thật của mình mà phải xem những hình ảnh đã chỉnh sửa vì trong tâm trí, họ nghĩ họ thật sự trông như thế. Tôi nghĩ, xu hướng này chẳng khác nào một căn bệnh” - Caroline nói.

Giáo sư Livingstone cho rằng cần có một dự luật an toàn trực tuyến với các điều khoản giúp quản lý các thuật toán trí tuệ nhân tạo, điều chỉnh những gì người dùng xem trên mạng xã hội theo nhu cầu và thị hiếu nhận thức của họ, tránh đẩy các cô gái tuổi teen vào vòng xoáy của những nội dung gây tổn hại đến sự tự tin và quyền lợi cá nhân.

Bên cạnh đó, cần giáo dục giới trẻ cách phòng vệ trong một thế giới bị mạng xã hội thống trị. Hiện tại, việc đào tạo an toàn thường “liên quan đến những nguy hiểm rõ ràng trên không gian mạng chứ không phải khía cạnh cảm xúc, nhiều sắc thái hơn của mạng xã hội”. 

Ngọc Hạ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI