Khi vàng được “đánh đổi” bằng sinh mạng

16/02/2024 - 06:14

PNO - Tình trạng khai thác vàng bất hợp pháp tại rừng rậm Amazon làm dấy lên ngày càng nhiều quan ngại. Yanomami, tộc người da đỏ sinh sống từ hàng chục ngàn năm qua tại đây, là nạn nhân chịu ảnh hưởng trực tiếp. Thế hệ con trẻ của họ đang chống chọi từng ngày với bệnh sốt rét, dịch cúm và suy dinh dưỡng gây ra bởi hành vi đàn áp, cướp phá tài nguyên rừng của những kẻ đào vàng lậu.

Brazil đang cho thấy dấu hiệu “thua cuộc” trong trận chiến bảo vệ tộc người Yanomami. Những cư dân bản địa được xem như hình ảnh biểu tượng tại rừng mưa nhiệt đới Amazon dần bị rút cạn nguồn sống vì nạn khai thác vàng trái phép.

1 năm trước, tổng thống Brazil - Luiz Inácio Lula da Silva tuyên bố sẽ không khoan nhượng trước thực trạng khai thác vàng lậu - thứ ông gọi là “cuộc khủng hoảng nhân đạo” của người Yanomami. Thế nhưng, nhiều nhà hoạt động môi trường lại lo ngại quốc gia Nam Mỹ này đang hủy hoại chính thành tựu bảo vệ người và rừng họ chỉ vừa đạt được.

Khoáng sản lẫn con người đang “chảy máu”

Không lâu trước đây, chiến dịch truy quét chống nạn đào vàng lậu từng khiến 80% trong số 20,000 thợ mỏ xuất hiện trái phép ở Amazon bị đẩy khỏi khu vực bảo tồn. Thế nhưng, khi quân đội Brazil rút lại nguồn vốn, nhân lực hỗ trợ kế hoạch này, những băng nhóm khai thác vàng phi pháp bắt đầu quay lại. Hiện thời, hành vi xâm chiếm, phá hoại đất rừng thuộc về tộc người Yanomami dường như càng nghiêm trọng hơn.

Vàng thô bị tịch thu bởi lực lượng bảo vệ môi trường Ibama, sau cuộc tập kích vào một trại đào vàng trái phép.
Vàng thô bị lực lượng bảo vệ môi trường Ibama tịch thu, sau cuộc tập kích vào một trại đào vàng trái phép

Theo thống kê từ Bộ Y tế Brazil, tính riêng trong năm ngoái, có 308 người Yanomami đã qua đời vì bạo lực, bệnh tật và suy dinh dưỡng. 50% nạn nhân tử vong là trẻ em dưới 4 tuổi. Cũng trong năm 2023, số người chết do sốt rét - căn bệnh khởi nguồn và lây lan vào tộc người bởi những tên tội phạm đào vàng lậu - đã tăng gấp đôi so với năm 2022. 

Sự xuất hiện của các băng nhóm khai thác vàng trái phép mang theo vũ khí khiến cộng đồng Yanomami luôn sống trong cảnh lo sợ. Để đảm bảo an toàn tính mạng, nhiều người đành từ bỏ truyền thống săn bắt và công việc trồng khoai mì - cây lương thực chính tại đây.

Đầu năm 2024, trong một chuyến thăm khu vực sinh sống của người Yanomami, phóng viên hãng thông tấn Reuters có dịp trò chuyện với các nhân viên thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên Thiên nhiên Tái tạo (Ibama), cơ quan liên bang trực thuộc Bộ Môi trường Brazil. Họ đang bị bỏ lại một mình trong cuộc chiến gian nan chống những kẻ đào vàng lậu, sau khi hỗ trợ từ chính phủ biến mất.

“Từ giữa năm ngoái, chúng tôi không còn nhận được tiếp ứng nhân lực và nhiên liệu từ quân đội. Thế nên, chúng tôi không thể duy trì đều đặn hoạt động tuần tra bảo vệ rừng” - một số nhân viên Ibama cho biết - “Không quân, hải quân cũng chưa làm tròn chức trách phòng vệ từ xa của họ”. Theo lý giải từ Ibama, không quân có trách nhiệm quản lý vùng cấm bay nằm trong khu vực bảo tồn rừng trong khi hải quân Brazil có nhiệm vụ tuần tra an ninh quanh những con sông lân cận. Tội phạm đào vàng, buôn chất cấm thường chọn tuyến đường không và đường thủy để tiến hành các hoạt động phi pháp.

“Khi vùng cấm bay không còn được quân đội kiểm soát chặt chẽ, nhiều nhóm đào vàng lậu đang tự do di chuyển bằng máy bay giữa biên giới Brazil và Venezuela. Chúng tôi đã ngăn chặn được một số nhóm thợ mỏ đi lại theo cách này” - phi công Carlos Alberto Hoffmann, làm việc cho Ibama - chia sẻ.

Thời gian gần đây, quanh nơi người Yanomami sinh sống, chỉ còn lại bóng dáng tất bật của những chiến sĩ bảo vệ môi trường thuộc Ibama. Họ tập kích vào hàng loạt trại khai thác vàng bất hợp pháp, hủy đi thiết bị nạo vét trái phép và bắt giữ các cá nhân liên quan.

Một bé gái người Yanomami đang ăn kiến. Em và gia đình đang lánh nạn ở trung tâm y tế và cứu trợ Auaris, bang Roraima, Brazil.
Một bé gái người Yanomami đang ăn kiến. Em và gia đình đang lánh nạn ở trung tâm y tế và cứu trợ Auaris, bang Roraima, Brazil.

Gần biên giới Venezuela, trong một trạm y tế và cứu trợ xây dựng cạnh sông Auaris, nhiều đứa trẻ Yanomami với phần bụng sưng phồng vì suy dinh dưỡng đang được tích cực điều trị. Thế nhưng, tương lai của các em và gia đình vẫn đầy bấp bênh.

“Phần lớn những kẻ đào vàng lậu từng bị trục xuất, nhưng giờ bọn họ đang quay lại” - Davi Kopenawa, một nhà hoạt động xã hội người Yanomami bày tỏ quan ngại - “Nạn khai thác vàng trái phép là điều rất tồi tệ với bộ tộc chúng tôi”.  

Đấu tranh vì môi trường và nhân quyền

Cùng với việc tàn phá môi trường tự nhiên - đe dọa đời sống cư dân bản địa, sự trở lại của các băng nhóm đào vàng đồng thời làm gia tăng nạn buôn gỗ và thuốc phiện trên khắp vùng rừng rậm Amazon.

Nhóm thợ mỏ bị Ibama bắt giữ khai nhận: họ được thuê để tìm vàng bất hợp pháp. Phần lớn sau khi bị áp giải khỏi khu vực bảo tồn đã được trả tự do. Cảnh sát địa phương tiết lộ sẽ tiếp tục điều tra, truy tìm những kẻ đứng sau họ.     

Ở trung tâm y tế Auaris, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu của Brazil, Marina Silva trò chuyện với một phụ nữ tộc người Yanomami đang chăm sóc con nhỏ bị suy duy dưỡng.
Ở trung tâm y tế Auaris, Bộ trưởng Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu của Brazil - Marina Silva trò chuyện với một phụ nữ tộc người Yanomami đang chăm sóc con nhỏ bị suy duy dưỡng.

“Chúng tôi gọi đây là một ‘trận chiến’ vì con người thật sự đang bị tước đi sinh mạng” - Felipe Finger, quản lý lực lượng bảo vệ đặc biệt của Ibama, nhấn mạnh - “Hàng trăm người Yanomami đã phải ra đi vì cuộc khủng hoảng này. Họ cũng là người Brazil như tất cả chúng tôi”.

Một tín hiệu khởi sắc là Sở Cảnh sát Liên bang Brazil vừa chính thức tuyên bố - “đang nghiêm túc vào cuộc, dốc toàn lực nhằm bảo vệ các cộng đồng dân cư bản địa”. Phát biểu về vấn đề này, cảnh sát cho biết sẽ hỗ trợ bằng lực lượng vũ trang trong công tác tuần tra bảo vệ rừng và phòng chống nạn đào vàng lậu.

Nhà dân tộc học kiêm nhà hoạt động xã hội Sydney Possuelo, người đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa thổ dân Yanomami ở Amazon, tin rằng “chính phủ Brazil cần làm tốt hơn nữa”.

“Cả khi Ibama hợp tác cùng cảnh sát, tổng số nhân lực của họ cũng không đủ để đấu tranh loại bỏ hoàn toàn tình trạng đào vàng trái phép. Những người có thẩm quyền vẫn chưa làm tròn trách nhiệm” - ông nói.

Như Ý (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI