Khi văn hóa giải khát xanh, sạch lên ngôi

11/12/2021 - 06:01

PNO - Trong ngành kinh doanh nước giải khát, nhất là tại nhiều quốc gia phương Đông, trào lưu sản xuất đề cao tiêu chí bảo vệ môi trường ngày càng được tích cực hưởng ứng. Tư duy bền vững hóa thông qua việc cải tiến sản phẩm lẫn bao bì góp phần tạo dựng khuynh hướng tiêu thụ thức uống xanh và sạch hơn.

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,3 tỷ tấn thực phẩm bị lãng phí và trở thành rác thải. Trước sự quan ngại về biến đổi khí hậu cùng cơn đại dịch toàn cầu, xu thế xanh hóa đang không ngừng lan tỏa trong địa hạt sản xuất hàng thực phẩm tiêu dùng.

Giải cứu và tái sinh 

Năm ngoái, khi COVID-19 tấn công trực diện nền kinh tế Nhật Bản, giống như nhiều đơn vị kinh doanh nhỏ khác, hãng sản xuất rượu bia Kiuchi Brewery chịu áp lực nặng nề. Để xử lý lượng lớn hàng tồn kho vì dịch bệnh, hãng nảy ra ý tưởng tạo thức uống có cồn từ bia cũ. Hãng triển khai chiến dịch Save Beer Spirits ở Tokyo, kêu gọi thu gom lượng bia tồn đọng chưa qua sử dụng từ những nhà sản xuất và quán bar địa phương. Loại đồ uống có tuổi đời chỉ kéo dài 4 - 6 tháng sau đó đã được tái sinh thành rượu gin với hạn sử dụng vô tận.

Isamu Yoneda, quản lý nhà máy của Kiuchi Brewery, chia sẻ: “Bia có khả năng làm tốt vai trò rượu nền trong tiến trình chưng cất. Tận dụng bia, chúng tôi có thể tiết kiệm thời gian nhờ lược bỏ khâu lên men nguyên liệu tươi như lúa mạch, lúa mì từ đầu mà vẫn đảm bảo chất lượng thành phẩm. Ở công đoạn cuối, chúng tôi thêm vào quả bách xù, giúp tăng vị the mát đặc trưng cho rượu gin”. 

Hãng tiết lộ, từ 100 lít bia cũ có thể làm thành 8 lít rượu gin. Thành phẩm được bán ra dưới dạng chai thủy tinh với dung tích 750ml, để uống trực tiếp hoặc pha chế cocktail. 

Tháng 5/2020, AB InBev, gã khổng lồ trong ngành sản xuất nước giải khát tiếp nối bước đi thành công này khi cộng tác cùng Ethical Spirits - hãng nấu rượu thủ công có trụ sở tại Tokyo. Chi nhánh AB InBev Nhật Bản gửi đi 20.000 lít bia Budweiser sắp hết hạn để tạo nên 4.500 chai rượu gin chất lượng cao.

Tầm nhìn bền vững hóa của các doanh nghiệp sản xuất đồ uống ở châu Á không phải mới hình thành do ảnh hưởng đại dịch. Năm 2017, nhóm khoa học gia người Singapore thuộc Công ty Công nghệ thực phẩm SinFooTech đã ra mắt Sachi - món uống có cồn mang vị thanh nhẹ của rượu gạo nhưng được làm từ váng sữa đậu nành bằng kỹ thuật lên men hiện đại. Jian Yong, nhà sáng lập dự án, cho biết: “Chúng tôi muốn phát triển một thức uống xanh và bổ dưỡng từ váng sữa đậu - thứ lâu nay được xem là rác thải trong các xưởng sản xuất đậu hũ. Chúng thường bị vứt qua đường cống thoát, vốn dễ gây nên tình trạng ô nhiễm nguồn nước”. Không những đem lại một giải pháp bảo vệ môi trường thiết thực, Sachi còn nhận về nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng nhờ hương vị thơm ngon, dễ uống, giàu chất chống ô-xy hóa có sẵn trong đậu nành.  

Giảm gánh nặng bao bì  

Dấu ấn xanh hóa trong lĩnh vực đồ uống còn thể hiện qua trào lưu đổi mới thiết kế bao bì. Nhiều công ty nước giải khát dần loại bỏ vật liệu nhựa dẻo, ưu ái lựa chọn các chất liệu nhẹ và dễ tái chế hơn. 

Nước uống tinh khiết thuần Việt beWater của Winking Seal Beer Co. Vỏ lon làm từ nhôm cải tiến, dễ tái chế và thân thiện với môi trường - ẢNH: BEWATER
Nước uống tinh khiết thuần Việt beWater của Winking Seal Beer Co. Vỏ lon làm từ nhôm cải tiến, dễ tái chế và thân thiện với môi trường - Ảnh: Bewater

Từ cuối năm 2018, thương hiệu Yakult Singapore ngưng bán ống hút nhựa dùng một lần kèm theo sữa chua uống liền - loại đồ uống hút khách hàng đầu của hãng. Thai Beverage, “ông vua” trong ngành kinh doanh thức uống nhanh tại Thái Lan, vừa đổi sang sử dụng vỏ chai làm hoàn toàn bằng chất liệu thực vật thay cho chai nhựa truyền thống. Những thị trường nước giải khát sầm uất không kém tại khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Philippines và Việt Nam đang tích cực đón nhận ống hút giấy cũng như hàng loạt đề cử bao bì mới với tiềm năng tái chế cao. 

Giảm rác thải ra môi trường là động lực chính cho việc đầu tư cải tiến chất lượng bao bì đồ uống. Ở Trung Quốc và Hàn Quốc, hai thị trường lớn tập trung đông đảo thương hiệu trẻ, gần đây, vấn đề này càng được chú trọng. “Ngành bán lẻ nước giải khát ở châu Á vẫn đang tạo ra lượng lớn rác thải trong một kỷ nguyên vốn dĩ chúng ta nên củng cố ý thức bảo vệ môi trường. Đặc biệt đối với đối tượng khách hàng thanh thiếu niên, tôi nghĩ chiến lược đổi mới từ hôm nay của những nhà sản xuất có thể góp phần xây dựng trào lưu tiêu dùng đồ uống xanh, sạch về lâu dài” - Claire Fang, Giám đốc sáng lập doanh nghiệp sản xuất thực phẩm ngũ cốc Wholly Moly, nhận định. 

Nước trái cây uống liền dành cho trẻ em của Pulmuone với bao bì Ecolean là sản phẩm bán chạy tại nhiều trường học Hàn Quốc - ẢNH: ECOLEAN
Nước trái cây uống liền dành cho trẻ em của Pulmuone với bao bì Ecolean là sản phẩm bán chạy tại nhiều trường học Hàn Quốc - Ảnh: ECOLEAN

Tại Trung Quốc, Wholly Moly là đề cử tiên phong trong phong trào sử dụng bao bì thân thiện môi trường. Cộng tác cùng Ecolean - thương hiệu thiết kế bao bì uy tín có trụ sở đa quốc gia, Wholly Moly vừa cho ra mắt dòng sản phẩm sữa hạnh nhân uống liền với bao bì làm từ chất liệu nhẹ đã qua xử lý vô trùng. Mỗi bao đựng dung tích 125ml chỉ nặng 5g. 

Thiết kế tiện dụng, trọng lượng nhẹ, làm từ vật liệu dễ tái chế, không độc hại như nhựa polyolefin là các tính năng vượt trội được ưa chuộng của bao bì Ecolean. Công ty cũng đang để lại dấu ấn đáng chú ý nơi thị trường Hàn Quốc khi hợp tác cùng một số tên tuổi lớn tại đây như hãng sản xuất thực phẩm Pulmuone và Yakult Korea.       

Niềm vui sáng tạo bền vững 

Nỗ lực lan tỏa sự bền vững nơi thị trường nước giải khát trong tương lai gần có thể giúp định hình một phong cách thưởng thức đồ uống lành mạnh toàn diện. Đây chính là phương hướng hoạt động của Penicillin - một quán bar vì môi trường tiên phong nổi tiếng tại châu Á.
“Điều chúng tôi đang làm hơi khác so với những quán bar, nhà hàng khác” - Agung Prabowo, nhà sáng lập cơ sở kinh doanh đang đặt tại Hồng Kông, chia sẻ. Cùng với nhóm đồng nghiệp gồm các doanh nhân và chuyên gia pha chế, anh mong muốn hiện thực hóa ý tưởng uống xanh, sạch đúng nghĩa.  

Prabowo (bìa trái) cùng vợ và hai người bạn doanh nhân đồng sáng lập quán bar Penicillin với mục tiêu lan tỏa thông điệp bền vững hóa - ẢNH: CNN
Prabowo (bìa trái) cùng vợ và hai người bạn doanh nhân đồng sáng lập quán bar Penicillin với mục tiêu lan tỏa thông điệp bền vững hóa - Ảnh: CNN

Từng có 40 năm làm việc trong lĩnh vực nhà hàng khách sạn, nhiều lần chứng kiến thực trạng ô nhiễm do rác thải tiêu dùng gây ra, Prabowo bày tỏ: “Từ lâu, tôi đã hình dung về một không gian giải khát bền vững. Chúng tôi cố gắng tuân thủ chủ trương thân thiện môi trường trên mọi phương diện, từ sản phẩm đồ uống đến kiến trúc quán lẫn đồng phục nhân viên”. Penicillin hoạt động song song cùng một nhà xưởng nấu rượu. Vỏ, hạt không thể dùng đến trong pha chế của các loại nguyên liệu tươi như cam, chanh, được tận dụng để nấu thức uống có cồn. Điều này góp phần hạn chế rác thải ra môi trường. 
Ở khu vực châu Á, Penicillin là một trong số gần 700 quán bar đang nỗ lực giảm tải rác thải, khí thải carbon bằng đa dạng phương thức tái chế, tận dụng thông minh. Một cộng đồng ngày càng lan tỏa sức hút với cùng mục tiêu: Đổi mới tư duy thưởng thức đồ uống. “Bạn có thể tìm thấy vô vàn niềm vui sáng tạo khi theo đuổi sự bền vững hóa, mang lại ảnh hưởng tích cực đến khách hàng lẫn thế hệ tương lai” - Prabowo nói. 

Như Ý

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI