Khi trường học “tuyên chiến” với điện thoại di dộng

04/09/2024 - 06:17

PNO - Nhiều nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng điện thoại di động lâu dài có thể gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của thanh thiếu niên. Do đó, nhiều trường học trên khắp thế giới đã tìm cách “cấm cửa” chúng.

Không mang điện thoại vào lớp

Mỗi buổi sáng, học sinh tại Trường trung học Queensway, Singapore phải cất điện thoại di động (ĐTDĐ) của mình trong tủ khóa. Các em không được phép sử dụng điện thoại cho đến khi tiết học cuối cùng kết thúc vào buổi chiều. Tủ đựng đồ chung được đặt ở phía trước lớp học và giáo viên đảm bảo rằng tất cả học sinh đều cất ĐTDĐ ở đó. Hiệu trưởng nhà trường - cô Audrey Chen Li Ying - cho biết, đa số phụ huynh ủng hộ chính sách này của trường, vốn được thực hiện từ năm 2019. Cô Chen chia sẻ: “Biện pháp này giúp học sinh tránh bị điện thoại làm sao nhãng trong giờ học và khuyến khích tương tác xã hội với bạn bè trong giờ giải lao”.

Một nghiên cứu mới từ Viện Sức khỏe tâm thần Singapore cho thấy, gần một nửa số thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 15-21 gặp vấn đề khi sử dụng điện thoại thông minh, bao gồm khó tập trung trong lớp học hoặc khi làm bài tập. Các em cũng cảm thấy khó chịu khi không cầm điện thoại trong tay và sẽ không sẵn sàng từ bỏ việc sử dụng ĐTDĐ, ngay cả khi cuộc sống hằng ngày bị ảnh hưởng.

Trường học ở Singapore đã áp dụng quy định học sinh phải cất điện thoại vào tủ khóa trước giờ vào lớp - ẢNH: CHONG JUN LIANG (Straits Times)
Trường học ở Singapore đã áp dụng quy định học sinh phải cất điện thoại vào tủ khóa trước giờ vào lớp - Ảnh: Chong Jun Liang (Straits Times)

Cô Fong Chee Sing - (47 tuổi) giáo viên tiếng Anh tại Trường ACS (Barker Road) có 20 năm kinh nghiệm giảng dạy - nhận xét: sự xuất hiện của ĐTDĐ trong trường đã thay đổi cách học sinh tương tác với nhau. Trước đây, học sinh nói chuyện với nhau nhiều hơn và có nhiều trò chơi, tương tác trực tiếp hơn. Hiện nay, việc các em chơi trò chơi điện tử và dành thời gian lên mạng xã hội nhiều hơn. Ng Jun Yi - 14 tuổi, học sinh Trường ACS - cho biết, việc cất điện thoại vào tủ khóa giúp em và các bạn tập trung hơn trong giờ học, nhưng em cảm thấy quy định này nên được nới lỏng trong giờ ra chơi. Jun Yi giải thích: “Em muốn dùng điện thoại trong giờ giải lao hoặc giờ ra chơi, vì trong thời gian đó em muốn thư giãn và nói chuyện với bạn bè ở trường khác”.

Từng bước thay đổi thói quen của học sinh

Vào năm 2023, Liên hiệp quốc đã kêu gọi lệnh cấm toàn cầu đối với ĐTDĐ trong trường học với lý do chúng có thể làm gián đoạn việc học của học sinh và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của các em. Các quốc gia như Ý, Hà Lan, Hy Lạp, New Zealand… đều cấm dùng ĐTDĐ trong trường học. Bộ Giáo dục Hà Lan cho biết, ĐTDĐ vẫn có thể được sử dụng trong lớp nếu cần thiết cho nội dung bài học, ví dụ như khi học về các kỹ năng truyền thông. Học sinh cũng được phép dùng ĐTDĐ nếu các em phụ thuộc vào điện thoại vì lý do y tế hoặc do khuyết tật.

Khoảng 200 trường trung học ở Pháp cũng đang thử nghiệm yêu cầu học sinh phải nộp ĐTDĐ cho nhà trường vào mỗi buổi sáng. Khi công bố kế hoạch vào tháng Tám, quyền Bộ trưởng Giáo dục Pháp - Nicole Belloubet - cho biết, mục đích của chính sách nhằm giúp trẻ em có “khoảng nghỉ kỹ thuật số”. Nếu thử nghiệm thành công, lệnh cấm sẽ được áp dụng tại tất cả các trường học từ tháng 1/2025.

Vào tháng Ba, báo cáo của một ủy ban do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thành lập khuyến nghị ngành giáo dục nên kiểm soát việc trẻ em sử dụng ĐTDĐ theo từng giai đoạn: không cho trẻ dùng ĐTDĐ trước 11 tuổi; chỉ sử dụng ĐTDĐ không có kết nối internet cho nhóm từ 11-13 tuổi; được phép dùng điện thoại có kết nối internet nhưng không được truy cập mạng xã hội cho đến khi đủ 15 tuổi. Báo cáo cũng đề xuất trẻ em dưới 3 tuổi không nên tiếp xúc với các thiết bị kỹ thuật số, với lý do “chúng không cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của trẻ”.

Một nghiên cứu gần đây của Pew Research cho thấy: 72% giáo viên trung học tại Mỹ xem ĐTDĐ là nguyên nhân chính khiến học sinh mất tập trung trong giờ học. Chỉ có 20% phân loại đây là vấn đề “nhỏ” hoặc “không đáng kể”. Tại thành phố Spokane, bang Washington, các trường học đang tăng cường hoạt động ngoại khóa để học sinh giảm việc sử dụng điện thoại sau giờ học. Một sáng kiến ​​ra mắt trong tháng Tám - Engage IRL (tham gia vào đời thực) - hứa hẹn mang đến cho học sinh điều gì đó để mong đợi sau ngày học vất vả, cho dù đó là thể thao, nghệ thuật biểu diễn hay câu lạc bộ. Alexandra Mead (15 tuổi) cho biết: câu lạc bộ kịch giúp cô bé và chị gái 17 tuổi bận rộn sau giờ học. Alexandra bộc bạch: “Chương trình buộc mọi học sinh phải thử một cái gì đó, ngay cả khi họ không muốn tham gia và có thể điều này sẽ mở ra những sở thích mới”.

Linh La

(theo Straits Times, AP, Euronews, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI