Khi trường học trở thành nỗi ám ảnh

05/09/2015 - 07:16

PNO - Khai giảng năm học mới ở Nhật Bản năm nay, vẫn được cảnh báo nguy cơ khiến nhiều học sinh (HS) dễ nảy sinh cảm xúc tiêu cực dẫn đến tự tử.

Khi truong hoc tro thanh noi am anh
Lo sợ áp lực ở trường khiến trẻ không muốn nghĩ đến ngày khai giảng - ẢNH: BLOGSPOT

Hội chứng chối bỏ trường học (School Refusal) đã được đề cập lần đầu từ bốn thập niên trước nhưng đến nay vẫn còn nhiều HS là nạn nhân của hội chứng này vì nhiều nguyên nhân: bạo lực học đường, áp lực học tập và cả những điều tưởng chỉ là chuyện nhỏ nhưng lại gây ức chế nặng nề cho các em.

Từ năm 1972-2013, Nhật Bản có 18.048 trẻ dưới 18 tuổi tự tử, “cao điểm” rơi vào những ngày cuối tháng Tám và đầu tháng Chín, đúng vào mùa tựu trường. Một trong những nguyên nhân khiến các em “đầu hàng” cuộc sống là nạn bạo lực học đường.

HS Shikoh Ishi, biên tập viên một tờ báo dành cho lứa tuổi học trò, chia sẻ lý do em không muốn tiếp tục đến trường: “Em cảm thấy bất lực và ghét luật lệ ở trường học. Đó không chỉ là nội quy bắt buộc mà còn là “thủ tục” vô lý từ các HS khác. Nếu em không quan sát, không tuân thủ những luật lệ ngầm ấy, em sẽ trở thành đối tượng bị bắt nạt.”

Nanae Munemasa (17 tuổi) kể lại trải nghiệm hãi hùng của mình: “Em là nạn nhân của những trò bắt nạt từ bậc tiểu học. Các bạn trai xông vào phòng vệ sinh nữ, tát thẳng vào mặt em và dùng chổi đánh em. Cứ sau mỗi tiết học bơi, họ canh giáo viên khuất mắt là nhấn nước em. Có lần em bị ngộp tưởng không tỉnh lại được”.

Với cô bé đáng thương này, mỗi kỳ nghỉ là thời gian tuyệt vời nhất và cứ gần đến ngày quay lại trường học là em bị khủng hoảng. Có khoảng thời gian, cô bé thường xuyên trốn học, thậm chí từng suy nghĩ đến cái chết.

Nanae Munemasa trở thành cái gai trong mắt các bạn do em từng chuyển trường một số lần nhưng sau đó quay lại trường cũ. Nhóm bạn cùng trường không thích điều đó và chỉ như thế thôi cũng đủ khiến em trở thành mục tiêu cho các bạn hành hạ.

Nanae cho rằng, chính việc đề cao tuyệt đối tinh thần tập thể trong trường học đã khiến bất cứ HS nào có thái độ tách biệt sẽ bị chú ý đặc biệt. Mẹ em đã khuyến khích con gái tìm một môi trường, không gian mới giúp em cân bằng tâm lý và em đã vượt qua được nỗi sợ hãi trường học.

Nanae vực dậy được tinh thần nhờ kết nối với bạn bè trên mạng và giờ đây em có một trang nhật ký trực tuyến, là nơi chia sẻ, động viên các bạn cùng cảnh ngộ.

Tháng Chín này, gần 500 trường học ở nhiều cấp lớp tại Hampshire (Anh) áp dụng quy định phạt bố mẹ 60 bảng Anh nếu liên tục đưa con đi học muộn. Trong vòng 21 ngày phụ huynh không đóng khoản tiền trên thì tiền phạt sẽ tăng gấp đôi thành 120 bảng.

Nếu phụ huynh vẫn nhất quyết không đóng, sẽ bị khởi tố. Nhiều HS và phụ huynh không đồng tình với hình thức “khuyến học” kỳ lạ này vì họ cho rằng như thế chỉ làm tăng thêm áp lực với HS, thay vì khuyến khích các em ham muốn đến trường.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI