Khi trường học trở thành di tích

16/11/2020 - 12:51

PNO - Là vinh dự nhưng kèm theo những khó khăn, đặc biệt khi trường cần sửa chữa đều chịu hạn chế từ nhiều quy định.

Sập mái ngói, chờ ba tháng mới có kế hoạch sửa chữa

Sau trận mưa lớn vào tháng 8/2020, một nhánh cây phía ngoài cổng gãy, đè lên mái ngói và hàng rào của Trường THPT Trưng Vương (Q.1, TP.HCM). Sự cố này làm khối nhà B (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm) bị sụp bể mái ngói; cầu phong, li tô gỗ gãy rơi xuống đất; la phông trong phòng thí nghiệm lý bị sập…

Khối nhà này có các phòng chức năng để học sinh làm thí nghiệm môn lý, hóa, sinh. Trong đó, phòng thí nghiệm lý ở tầng ba - tầng cao nhất nên bị hư hỏng. Trường buộc phải đóng cửa phòng thí nghiệm này, học sinh làm thí nghiệm môn lý tại lớp học bình thường. Cầu thang kế bên cũng phải niêm phong lối đi vì gạch đá ngổn ngang.

Ngoài ra, trường còn dùng bạt che lên phần mái ngói để ngăn nước mưa tràn xuống phía dưới; dùng những thanh sắt để chống đỡ trần la phông đang đổ; rào lối đi dưới sân, lắp khung sắt phía vỉa hè để tránh hàng rào bị ngã bất ngờ. 

Khối nhà B của Trường THPT Trưng Vương bị hư hỏng nặng nhưng việc sửa chữa còn phải chờ các sở, ngành thông qua
Khối nhà B của Trường THPT Trưng Vương bị hư hỏng nặng nhưng việc sửa chữa phải chờ các sở, ngành thông qua

Bà Trương Thị Bích Thủy, hiệu trưởng nhà trường, cho biết sau sự cố, trường đã báo cáo các đơn vị liên quan như Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, Công ty TNHH Công viên cây xanh… tìm hướng khắc phục.

Sau nhiều cuộc họp, phải đến ba tháng sau sự cố, mới có kế hoạch sửa chữa. Phần sửa chữa gồm hai hạng mục: phần mái khối nhà B có kinh phí hơn 300 triệu đồng và phòng thí nghiệm khoảng hơn 400 triệu đồng. Trường xin nguồn kinh phí không thường xuyên và hiện được duyệt để làm trước phần mái, phần còn lại đang chờ thẩm định. 

Theo Quyết định 923 của UBND TP.HCM vào năm 2017, Trường THPT Trưng Vương nằm trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020. Do đó, trường được bảo vệ theo quy định của Luật Di sản và các quy định có liên quan khác. Việc sửa chữa hay tu bổ phải tuân theo những quy định như một di sản. 

Cũng vì sự cố này mà Trường THPT Trưng Vương chưa thể lập hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao.

Vướng quy định về di tích, di sản?

Hơn chục năm trước, Trường THPT Trưng Vương đã nhận thông báo từ đơn vị thiết kế ở Pháp về việc công trình hết thời hạn sử dụng, cần tu bổ, sửa chữa. Thực tế, không chỉ khối nhà B bị hư hỏng sau sự cố, nhiều khu vực khác ở ngôi trường trăm tuổi này đã xuống cấp. Nhiều mảng tường bị nứt nẻ, nước thấm lâu ngày; trần nhà bị bong tróc ở nhiều nơi…

“Nhiều lúc mưa to, giông lốc, tôi lo lắng không ngủ được, phải thường xuyên liên lạc với hai bảo vệ, điện thoại mở 24/24 để kịp thời nắm bắt thông tin”, bà Thủy chia sẻ. 

Khối nhà B của Trường THPT Trưng Vương bị hư hỏng nặng nhưng việc sửa chữa còn phải chờ các sở, ngành thông qua
Khối nhà B của Trường THPT Trưng Vương bị hư hỏng nặng nhưng việc sửa chữa phải chờ các sở, ngành thông qua

Đối với sự cố tại Trường THPT Trưng Vương, ngày 18/9, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã có văn bản đề nghị nhà trường phải thực hiện biện pháp gia cố, gia cường khu vực cầu thang khối nhà B.

Sở cũng đề nghị trường đề xuất với Sở GD-ĐT về nguồn vốn, lập dự án tu bổ công trình để liên hệ với đơn vị có chức năng lập dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích, thiết kế tu bổ di tích… trình Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định trong trường hợp khẩn cấp. Về phần hư hỏng nghiêm trọng hệ thống mái do nhánh cây ngã đổ cũng được yêu cầu tu bổ, phục hồi theo nguyên trạng. 

Sở dĩ trường còn giữ lại gạch ngói đổ sụp trong nhiều tháng qua là để giữ hiện trường cho các đơn vị khảo sát đúng với thực tế. Theo bà Thủy, trường chưa được công nhận là di tích nhưng đang nằm trong danh sách chờ công nhận. Đối với những phần hư hại nhỏ, trường có thể tự khắc phục nhưng về tổng thể hoặc sửa chữa lớn thì phải tuân thủ rất nhiều quy định khiến việc sửa chữa chậm hơn bình thường.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện đã xin được nguồn kinh phí bổ sung sửa chữa và tu bổ cho nhà trường, do còn liên quan đến rất nhiều sở, ngành khác nhau nên có hơi chậm.

Cầu thang vẫn còn ngổn ngang
Cầu thang vẫn còn ngổn ngang

Ngoài Trường THPT Trưng Vương, nằm trong danh mục các di tích sẽ được xếp hạng thuộc Quyết định 923 còn có nhiều trường khác, gồm: Trường THCS Võ Trường Toản, Trường Cán bộ quản lý giáo dục, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, Trường THPT Tenlơman và Trường đại học Sài Gòn.

Đó là chưa kể, TP.HCM còn có năm trường được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật là Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường THPT Marie Curie, và Trường THCS Hồng Bàng.

Đây đều là những ngôi trường nhiều tuổi, qua thời gian đã có những hư hỏng, xuống cấp. Nhưng những trường này đều được bảo vệ theo Luật Di sản nên việc tu sửa không như các trường bình thường mà phải chịu sự chi phối của nhiều quy định hơn. 

Không giống các công trình di tích khác, di tích trường học hằng ngày vẫn có hàng ngàn con người ra vào, học tập và làm việc. Vì vậy, chỉ cần thiếu sự quan tâm phối hợp của các sở, ngành hay sự vào cuộc chậm trễ thì mọi khó khăn sẽ dồn lên nhà trường, nguy cơ mất an toàn cho giáo viên, học sinh… Trường hợp sự cố tại Trường THPT Trưng Vương là một minh chứng. 

Thanh Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI