Theo một khảo sát vừa công bố tại Hongkong (Trung Quốc), 1/5 số trẻ em tham gia nghĩ rằng chúng sẽ dễ trốn thoát hơn khi phạm tội trên mạng; gần 1/2 cảm thấy việc đăng bình luận hoặc hình ảnh phản cảm lên internet hoàn toàn là quyền tự do ngôn luận.
|
Từ phòng riêng, trẻ em có thể trở thành tội phạm mạng quốc tế mà cha mẹ chẳng hề hay biết |
Với tỷ lệ truy cập internet ở nhóm thanh thiếu niên lên đến 98%, kết quả này cho thấy lớp trẻ thật sự thiếu nhận thức về luật pháp trong hành vi trực tuyến ở mức đáng báo động, trong khi trường học và PH lại không thể kiểm soát hay can thiệp.
Thực tế, trong nhiều vụ án nghiêm trọng, cảnh sát cũng ít nghi ngờ những đối tượng “choai choai” là thủ phạm vì đa phần các em đều không có tiền án tiền sự.
Steven Wilson, người đứng đầu Trung tâm Tội phạm điện tử tại châu Âu, thuộc tổ chức Europol cho biết, nhiều trẻ khoảng 13 tuổi, một số trường hợp thậm chí còn dưới 10 tuổi vẫn nghĩ tham gia vào hoạt động tội phạm công nghệ cao là chuyện rất tuyệt và trở nên “ngầu” trong mắt bạn bè.
Con đường của những đứa trẻ lạc lối này thường bắt đầu bằng một vài vụ hack đơn giản; sau đó leo thang dần khi chúng nhận ra là mình có thể kiếm tiền dễ dàng chỉ bằng những dòng code.
Mỗi tội phạm nhỏ tuổi có thể kiếm được từ một đến hàng nghìn USD cho mỗi vụ tấn công mạng. Nhìn chung, làn sóng trẻ hóa tội phạm công nghệ cao ngày càng ảnh hưởng mạnh đến kinh tế toàn cầu, chứ không riêng khu vực nào.
Nicholas Khoo, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Hiệp hội Thể thao điện tử Singapore nói, nhóm đối tượng vị thành niên có nguy cơ cao trở thành tội phạm chủ yếu đến từ những gia đình không êm ấm.
Các vấn đề như xung đột của cha mẹ, bạo hành, ghẻ lạnh… rất dễ dẫn đến hành vi sai lệch của trẻ. Đồng thời, sự đấu tranh trong trường học hoặc với các chuẩn mực xã hội cũng đẩy chúng tìm đến nơi ít có sự gò bó, kiểm soát hơn để giải tỏa: mạng internet.
Đa phần PH cũng không nghĩ rằng, nhiều điều luật về an ninh mạng quốc gia và quốc tế lại đang bị con em mình xâm phạm ngay từ phòng ngủ. Một số ít có thể biết nhưng làm ngơ vì cho việc đó là vô hại.
Omari, sinh viên ngành bảo mật máy tính tại trường ĐH Greenwich (Anh), thú nhận, cha mẹ anh biết về hoạt động hacker của anh, nhưng miễn Omari không lừa gạt ai thì họ hoàn toàn để anh thoải mái tự phát triển kỹ năng.
Cuối cùng, Omari bị cảnh sát bắt sau cuộc tấn công trong dịp Giáng sinh năm 2014, nhằm vào hệ thống dữ liệu trực tuyến dòng sản phẩm PlayStation của Sony và Xbox của Microsoft.
Một PH khác - Janis Sharp, là mẹ của hacker từng xâm nhập hệ thống an ninh của NASA, Gary McKinnon, còn hùng hồn biện minh: “Chúng chỉ là những người trẻ mê vi tính và ngồi lì trong phòng. Chúng không giết người, không khủng bố, cũng không bán bí mật gì to tát mà chỉ tìm kiếm thông tin”.
Ngược với ý kiến chủ quan của một bộ phận PH, có nhiều cuộc tấn công mạng đáng giá hàng nghìn, thậm chí hàng triệu USD và gây phiền toái lớn khắp thế giới là do các hacker nhí gây ra.
Điển hình như cuộc tấn công vào ứng dụng TalkTalk tại Anh của một cậu nhóc 16 tuổi (được giấu tên vì còn vị thành niên) năm 2015. Chỉ với một chiếc iPhone, một laptop và một chiếc USB, “trò chơi” của cậu đã làm ảnh hưởng đến 160.000 người sử dụng, thiệt hại 42 triệu bảng Anh.
Một trường hợp khác, cũng là một học sinh 16 tuổi ở hạt Devon, Anh, vào năm 2014. Cậu đã dùng laptop để gây hỗn loạn cho hệ thống mạng của Bộ Ngoại giao Iraq, Bộ Nông nghiệp Thái Lan, Bộ An ninh Trung Quốc, thậm chí của cả Nhà Trắng. Khi bị thẩm vấn, cậu vô tư cho biết đó chỉ là một “thú vui tao nhã” sau giờ học.
Trong hầu hết trường hợp, những tội phạm công nghệ cao tuổi vị thành niên chỉ phải lãnh án tương đối nhẹ. Dù luật pháp Anh quy định khung hình phạt cao nhất cho nhóm tội phạm này lên đến 10 năm tù giam, nhưng cậu bé ở hạt Devon chỉ nhận hai năm tham gia chương trình phục hồi hành vi, 120 giờ công tác xã hội, nộp phạt 620.000 bảng Anh (khoảng 775.000 USD) và bị tiêu hủy máy tính cá nhân.
Vì vậy, cách ngăn chặn hành vi phạm tội tốt nhất vẫn là phải “dĩ độc trị độc”. Một số hacker nổi tiếng trên internet về sau thường được các công ty an ninh mạng thu nạp, hoặc làm việc cho chính phủ, điển hình như James Kosta, Michael Demon Calce…
James Kosta từng xâm nhập thành công vào hệ thống mạng của IBM, General Electric và nhiều thiết bị quân sự khác tại Mỹ khi mới 13 tuổi. Đối mặt với mức án tù lên đến 45 năm, năm 18 tuổi James chọn giải pháp “lấy công chuộc tội” bằng cách phục vụ cho lực lượng tình báo Hải quân Mỹ, sau đó là CIA.
Đến nay, khi đã được xóa án, James tiếp tục gặt hái thành công với công ty khởi nghiệp của mình trong lĩnh vực lập trình phần mềm. Để tìm kiếm nhân tài, cơ quan quản lý An ninh mạng quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ vừa khởi động cuộc thi “Cyberstar” năm 2017, dự kiến vào tháng Sáu, thu hút khoảng 27.000 người trẻ tuổi tham gia.
Năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong 10 quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất thế giới. Tương tự, từ tháng 9/2017, một số trường trung học tại Anh cũng sẽ đưa môn an ninh mạng vào giảng dạy với thời lượng bốn giờ/tuần, nhằm hướng đến mục tiêu đào tạo 5.700 học sinh có khả năng đối phó với các cuộc tấn công công nghệ cao thực tế vào năm 2021.
Nhiều năm trước, lời khuyên phổ biến dành cho PH là giữ máy tính gia đình trong phòng khách, nơi người lớn có thể nhìn thấy những gì trẻ đang làm trên máy, nhưng cách này đã lỗi thời. Giờ trẻ em luôn mang điện thoại bên mình và dễ dàng truy cập internet bất kỳ lúc nào, nên PH càng phải quan tâm nhiều hơn đến con mình để tránh rơi vào cảnh thế giới ảo nhưng tội phạm thật.
Bảo Tùng (Theo SCMP, Al Monitor, Telegraph, BBC)