Khi trẻ nói dối

25/05/2015 - 16:44

PNO - PN - Không đứa trẻ nào không từng nói dối bố mẹ, nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết được cách ứng xử khi phải đối phó với một nhóc tì “Pinocchio” ( cậu bé người gỗ mỗi khi nói dối mũi bị dài ra). Bố mẹ nào cũng muốn trẻ phải luôn trung thực với mình, và nhiều người phản xạ bằng cách tìm đến các hình phạt, răn đe. Nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy, nỗi sợ hình phạt khiến trẻ càng sẵn sàng nói dối để tránh tội.

edf40wrjww2tblPage:Content

Khi tre noi doi

Khuyến khích trung thực tốt hơn đe dọa

Một nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà khoa học thuộc Đại học McGill, Montreal, Canada, trên 372 trường hợp trẻ độ tuổi từ bốn-tám, xem xét những yếu tố có thể ảnh hưởng đến tính trung thực của trẻ. Các nhà nghiên cứu để từng đứa trẻ ở một mình trong một căn phòng với một món đồ chơi bên cạnh. Trẻ được dặn không được phép nhìn vào đồ chơi trong vòng một phút. Một camera ẩn theo dõi hành vi của trẻ.

Sau đó, khi được hỏi trẻ có vâng lời hay không, 2/3 trong số trẻ được thí nghiệm đã nói dối. Những trẻ lớn có phần trung thực hơn, hoặc nói dối giỏi hơn. Thú vị nhất là trẻ trung thực hơn được khuyến khích như: “Bé ngoan luôn nói thật”, “Mẹ sẽ rất vui nếu con không nói dối”. Những lời này có tác dụng tốt hơn hẳn sự đe dọa của hình phạt.

Tính chất của lời nói dối

Nhưng không phải bất kỳ khích lệ tích cực nào cũng giúp trẻ trung thực hơn. Điều đầu tiên mà bậc làm cha mẹ phải nắm được là tính chất trong lời nói dối của trẻ. Lần đầu tiên trẻ nói dối chính là một dấu hiệu chứng tỏ bé đang bước vào một bước phát triển tâm lý quan trọng. Đó là lúc trẻ đã bắt đầu có những sự lo lắng về trách nhiệm của chúng trước việc hành động đúng - sai. Vì thế, việc trẻ nói dối là một điều tự nhiên.

Trong quá trình trưởng thành của trẻ, chắc chắn sẽ còn có rất nhiều lần bé tiếp tục nói dối. Cha mẹ cần phải đặt bản thân mình vào vị trí của trẻ, tìm hiểu rõ ràng lý do tại sao bé nói dối. Áp lực nào làm trẻ nói dối? Liệu đó có phải là hình phạt mà cha mẹ đặt ra, hay một yếu tố từ bên ngoài? Hay là một nguyên nhân từ bên trong, như một nỗi sợ tiềm ẩn mà trẻ không dám nói ra? Hiểu rõ được lý do trẻ nói dối sẽ giúp bố mẹ quyết định được cách xử trí cho đúng mà không để lại hậu quả xấu.

Phản ứng đúng cách

Chỉ phản ứng tức thời với lời nói dối của trẻ là không đủ, bố mẹ phải đặt ra chuẩn mực của sự trung thực cho bé từ sớm. Hãy nói chuyện cởi mở với trẻ về sự trung thực, các tính chất là lợi ích của nó. Đối với trẻ nhỏ, chúng thường sẵn sàng nghe lời để làm vui lòng bố mẹ, vì thế phải cho trẻ biết người lớn sẽ vui lòng khi biết bé có phẩm chất trung thực và không nói dối. Với trẻ lớn hơn, việc nói dối thường đến từ các yếu tố tâm lý, như sự đắn đo giữa sai và đúng, bố mẹ phải hiểu rõ ý của trẻ để tìm cách xử lý, nói rõ cho bé hiểu tại sao nên thú nhận sự thật, dù nó có làm phiền lòng cha mẹ đi nữa.

Và dĩ nhiên, bố mẹ vẫn phải luôn nhớ khuyến khích trẻ sống trung thực. Nếu trẻ đã hiểu được trách nhiệm và hậu quả khi nói dối, thì bố mẹ nên ngừng tập trung vào việc này. Hãy luôn nhắc trẻ nhớ đến những lợi ích tích cực của việc thành thật, chẳng hạn cảm giác thoải mái khi không còn phải giấu diếm tội lỗi của mình. Bố mẹ cũng có thể sử dụng lợi ích của việc tăng cường niềm tin vào trẻ mỗi khi bé thành thật. Khi trẻ hiểu chúng đã tạo nên được một mối quan hệ chặt chẽ với bố mẹ dựa trên niềm tin tưởng lẫn nhau, chúng sẽ ít nói dối hơn.

Điều cuối cùng, các nhà nghiên cứu khuyên rằng, bố mẹ không nên trừng phạt trẻ khi chúng thành thật nhận lỗi. Khi trẻ thú nhận tội của chúng, đừng vội giận dữ, cần công nhận lời nói thật của bé, cho trẻ hiểu là bố mẹ hài lòng khi con nói thật. Tiếp theo, thay vì trừng phạt trẻ, hãy cùng bé tìm giải pháp để xử lý hậu quả từ việc làm sai của trẻ. Chẳng hạn như khi trẻ làm vỡ bình hoa và thú nhận, thay vì la mắng, hãy cùng con dọn dẹp các mảnh vỡ và yêu cầu trẻ làm các công việc nhà để bù lại.

 BẢO BÌNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI