Khi trẻ em trở thành “người hùng” cứu người

31/05/2023 - 05:59

PNO - Nhiều trường hợp trẻ em đã kịp thời cứu sống người khác nhờ kỹ năng sơ cứu cho thấy việc sớm dạy cho trẻ những kiến thức về kỹ năng sống, sơ cấp cứu là rất cần thiết.

Bình tĩnh xử lý vấn đề

Anh Steve Reeves ở Michigan (Mỹ) rất lo lắng khi nhận được cuộc gọi của cảnh sát về một vụ việc liên quan đến con trai anh vào cuối tháng Tư. Nhưng ngay sau đó, viên cảnh sát đã trấn an rằng con anh là một người hùng. Cậu học sinh lớp Bảy Dillon Reeves đã giúp dừng xe buýt trường học sau khi người tài xế bất tỉnh, tránh cho chiếc xe lao vào dòng xe ngược chiều.

Trẻ em học cách thực hiện CPR tại Cục Phòng cháy chữa cháy ở Philippines - ẢNH: PNA
Trẻ em học cách thực hiện CPR tại Cục Phòng cháy chữa cháy ở Philippines - Ảnh: PNA

Hành động của Dillon giúp em cùng khoảng 60 học sinh trên xe an toàn. Khi được hỏi điều gì giúp có thể ứng phó nhanh trong tình huống nguy cấp, cậu bé trả lời: “Khi không chú tâm vào điện thoại, bạn sẽ quan sát mọi người và để ý mọi thứ”.

Vào giữa tháng Năm, một bé gái 12 tuổi tại bang Massachusetts được giới truyền thông khen ngợi vì phản ứng nhanh, bình tĩnh thực hiện thủ thuật Heimlich - giúp đẩy dị vật gây tắc khí quản ra khỏi đường hô hấp trên - cho người em trai song sinh đang bị nghẹn.

Lúc sự việc xảy ra tại Trường trung học Leicester, cậu em Charlie Loverme (12 tuổi) bắt đầu đi loạng choạng quanh nhà ăn, những đứa trẻ khác thì kinh ngạc và sợ hãi. Lúc này, Amelia đã nhìn thấy và lập tức chạy đến. Amelia đứng phía sau Charlie, vòng tay quanh ngực cậu em và ép mạnh, đẩy thức ăn bị mắc kẹt ra ngoài.

Nhớ lại vụ việc, cô bé kể: “Tất cả bạn học đều sợ hãi và không biết phải làm gì”. Bản thân Amelia cũng không được đào tạo bài bản về sơ cấp cứu mà chỉ mường tượng hình ảnh trong ký ức, kết hợp với bản năng. Cha của 2 em - Jason Loverme - cho biết anh rất tự hào về cách Amelia phản ứng và muốn chia sẻ câu chuyện để khuyến khích mọi người học những bài học sơ cấp cứu. Anh nói: “Hãy trò chuyện với bọn trẻ về những kỹ năng sơ cấp cứu như thế này, bởi chúng ta không bao giờ biết khi nào mình sẽ rơi vào tình huống nguy cấp”.

Cũng trong tháng Năm, cô bé Tenley Holmstrom (9 tuổi) ở bang Arizona, Mỹ đã nhận được bằng khen cùng giải thưởng từ sở cứu hỏa và thị trưởng thành phố sau khi kéo cậu em trai bất tỉnh ra khỏi hồ bơi và thực hiện hồi sức tim phổi (CPR - cấp cứu kết hợp giữa ép tim trong lồng ngực và thông khí nhân tạo) trước khi nhân viên y tế đến.

Tenley nhớ lại: “Tôi tự hỏi có chuyện gì với Laiken và sau đó nhận thấy mình phải làm gì đó. Tôi nhớ về bài học hồi sức tim phổi và bắt đầu ép ngực cho em trai”. Mẹ của 2 em - cô Tiinaliisa - nói: “Con gái tôi đã giành lại tính mạng cho em trai từ tay thần chết”.

Trang bị kiến thức cho trẻ từ sớm

Ở Anh, hơn 30.000 ca ngừng tim xảy ra bên ngoài bệnh viện mỗi năm và trong số đó có chưa đến 1/10 nạn nhân sống sót. Đáng chú ý là ở các quốc gia dạy kỹ năng CPR trong trường học, chẳng hạn như tại Na Uy, tỉ lệ sống sót sau ngừng tim cao hơn tới 3 lần so với những nơi khác.

Hội Chữ thập đỏ Anh cho biết: 59% số ca tử vong do thương tích ở nước này có thể được ngăn chặn nếu nạn nhân được sơ cứu đúng cách trong khi chờ nhân viên y tế. Do đó, từ tháng 9/2020, Bộ Giáo dục Anh đã yêu cầu tất cả trường học công lập phải bổ sung chương trình giảng dạy CPR và sơ cứu như một phần của môn giáo dục sức khỏe cho trẻ em.

Theo một báo cáo khoa học mới từ Ủy ban Liên quốc gia về hồi sức, Hiệp hội Tim mạch Mỹ và Hội đồng Hồi sức châu Âu, việc trang bị các kỹ năng CPR có thể bắt đầu từ lúc trẻ 4 tuổi và rèn giũa theo thời gian thông qua đào tạo thường xuyên. Các chuyên gia giải thích, trẻ nhỏ có thể không đủ khỏe để thực hiện ép ngực đúng cách, nhưng chúng vẫn có thể học những điều cơ bản về cách thực hiện.

Tiến sĩ Comilla Sasson thuộc Hiệp hội Tim mạch Mỹ cho biết: “Việc trang bị các kỹ năng cho trẻ từ nhỏ được củng cố một cách nhất quán trong suốt những năm học ở trường, qua đó có khả năng giáo dục các thế hệ học sinh và phụ huynh về cách ứng phó với các vấn đề nguy cấp về tim mạch, thực hiện ép ngực và hà hơi thổi ngạt, sử dụng máy khử rung tim (AED) giúp tăng khả năng sống sót”.

Ngoài ra, báo cáo cũng cho thấy trẻ em ở độ tuổi đi học rất có động lực học các kỹ năng cứu người và thường “nhân rộng” thành quả đào tạo bằng cách chia sẻ những gì chúng đã học với người khác. Do vậy, báo cáo khuyến nghị nên kết hợp giữa đào tạo lý thuyết và thực hành trong trường học và sử dụng các công cụ truyền thông xã hội để giúp chia sẻ các kỹ năng cứu sinh. 

Linh La (theo Fox, Safe and Sound, Washington Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI