Khi trẻ con sầu thảm

17/07/2018 - 16:22

PNO - Các chương trình, game show ca nhạc dành cho thiếu nhi đầy những ca khúc bi lụy về tình cảm nam nữ đến mức người lớn cũng hoang mang.

Trẻ con sầu thảm với nhạc người lớn

Vài năm trở lại đây, các chương trình truyền hình, game show dành cho thiếu nhi đã có thị phần riêng. Trong đó, những sân chơi về ca hát vẫn có ưu thế, bởi đây là kỹ năng mà trẻ nhỏ dễ dàng rèn luyện và thể hiện.

Tuy nhiên, khi cuộc cho trẻ còn chưa tròn vẹn, không ít vấn đề bất cập lại nảy sinh khi các bé phải hát nhiều ca khúc vượt quá lứa tuổi.

Trong đêm chung kết chương trình Tuyệt đỉnh song ca nhí, Tấn Bảo, Nhật Duy của đội Dương Triệu Vũ - Ốc Thanh Vân vừa khiến khán giả xúc động vừa hoang mang khi hát Dạ cổ hoài lang nói về đạo nghĩa vợ chồng.

Khi tre con sau tham
Tấn Bảo, Nhật Duy trình diễn trong đêm chung kết Tuyệt đỉnh song ca nhí 2018

Tại sân chơi này, không ít ca khúc âm hưởng boléro, trữ tình vốn dành cho người lớn đã được sử dụng như: Chuyến tàu hoàng hôn, Mưa nửa đêm, Tuổi học trò, Hạ buồn, Mẹ ơi mai con về, Sa mưa giông, Xa quê…         

Video clip Tấn Bảo, Nhật Duy hát Chuyến tàu hoàng hôn:

 

Tại Giọng hát Việt nhí, một loạt ca khúc boléro, trữ tình cũng được những giọng ca nhí thể hiện như: Bà Năm, Thương về miền Trung, Chị tôi, Neo đậu bến quê… Những âm hưởng ủy mị cũng xuất hiện trên sân khấu Thần tượng âm nhạc nhí, đặc biệt ở mùa đầu tiên với sự xuất hiện của Hồ Văn Cường: Còn thương rau đắng mọc sau hè, Em đi trên cỏ non, Ca dao tình mẹ, Neo đậu bến quê, Ru lại câu hòThần tượng tương lai cũng chuộng sử dụng những ca khúc boléro.

Thậm chí, ở một số tiết mục, các em còn được cho hát những ca khúc về tình cảm nam nữ của người trưởng thành như: Cô gái đến từ hôm qua, Tháng tư là lời nói dối của anh…                           

Khi tre con sau tham
Hồ Văn Cường hát hàng loạt ca khúc boléro trên sân khấu Thần tượng âm nhạc nhí

Từ sân chơi này sang cuộc thi khác của trẻ nhỏ, những ca khúc trên cứ liên tục xuất hiện. Một số sáng tác được ưa chuộng, hát lại nhiều lần như: Bà Năm, Sa mưa giông, Còn thương rau đắng mọc sau hè... Vô hình trung, sự hồn nhiên, ngây thơ của trẻ nhỏ đã bị những bi luỵ, buồn khổ phủ lên. Điều này có tác động lớn đến tâm lý, suy nghĩ và hành vi của trẻ nhỏ.

“Trẻ con cần được sinh hoạt, vui chơi và tham gia những hoạt động phù hợp với lứa tuổi. Bất kỳ việc làm nào tác động, ảnh hưởng vượt quá lứa tuổi sẽ khiến quá trình phát triển của chúng bị ảnh hưởng. Điều này hoàn toàn không nên” - người mẫu Xuân Lan chia sẻ qua góc nhìn của một người chuyên đào tạo kỹ năng sống cho trẻ nhỏ.

Vì đâu nên nỗi?

Những game show dành cho trẻ em luôn tồn tại ý chí, mong muốn của người lớn. Vì thế, không ít trẻ buộc phải hát những bài hát khó, không đúng tuổi để làm hài lòng bố mẹ, bởi tâm lý cạnh tranh, hơn thua. Từng đảm nhận vị trí giám khảo cho những chương trình có thí sinh nhí, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung trăn trở khi phải thừa nhận thực trạng này.

“Tôi làm một số chương trình, ba mẹ luôn có tâm lý con cái phải hơn bạn bè đồng trang lứa mới đáng tự hào. Họ luôn muốn con cái phải hát những bài thật khó, thậm chí đó là nhạc người lớn. Nhưng liệu con trẻ có vui hay không? Nhiều khi con trẻ hát nhạc Trịnh, nhạc tiếng Anh, chúng không hiểu gì cả. Nhiều game show tổ chức như để làm vui lòng người lớn, hơn là để con trẻ vui chơi” - Nguyễn Văn Chung nói.

Cứ như thế, khi game show còn tiếp tục diễn ra, trẻ con buộc phải gánh vác những điều mà người lớn mong muốn chứ không phải điều chúng thực sự cần. Tuy nhiên, trách nhiệm không dừng lại nơi phụ huynh mà còn của chính nhà sản xuất lẫn biên tập các đài truyền hình khi để những tiết mục “vượt ngưỡng” như thế lên sóng trước hàng ngàn khán giả nhí.

Khi tre con sau tham
Nguyễn Văn Chung luôn trăn trở khi cuộc chơi của trẻ nhỏ phải cõng theo hy vọng, ý chí của người lớn, buộc các bé phải hát những ca khúc vượt ngưỡng

Đó chỉ là một góc nhỏ trong câu chuyện. Thực tế lớn hơn cần nhìn nhận là sự thiếu hụt rất lớn về mảng âm nhạc thiếu nhi trong những năm qua. Nhà sản xuất âm nhạc Hoàng Touliver cho rằng, nhạc dành cho lứa tuổi 8 đến 16 thực sự khan hiếm: “Trong các khu vui chơi của trẻ, chỉ vỏn vẹn vài bài hát được lặp đi lặp lại đến mòn tai. Còn trong những cuộc thi âm nhạc trên sóng truyền hình, các thí sinh trẻ tuổi sẽ chỉ toàn chọn những bài hát người lớn có ca từ an toàn, không quá sướt mướt”.

Âm nhạc dành cho thiếu nhi tại Việt Nam đã từng có, thậm chí rất sôi động vào thập niên 1990, những năm đầu 2000. Nhưng hiện tại, mảng này đã không còn phát triển, thậm chí giậm chân tại chỗ. Khi những nhạc sĩ từng gắn bó với dòng nhạc thiếu nhi như: Phạm Tuyên, Xuân Giao, Phan Trần Bảng, Cao Minh Khanh… không thể tiếp tục theo đuổi việc sáng tác cho trẻ nhỏ do sự khác biệt quá lớn về thế hệ thì lớp nhạc sĩ trẻ lại không mấy mặn mà với dòng nhạc dành cho thiếu nhi.

Khi tre con sau tham
Rước đèn tháng tám là một trong những ca khúc thiếu nhi có sức sống dẻo dai trong mấy thập kỷ qua. Tuy nhiên, ở thì hiện tại, không có những sáng tác ý nghĩa và có sức bền tương tự. (Hình ảnh mang tính minh họa)

Một số nhạc sĩ lớn tuổi vẫn còn sáng tác cho thiếu nhi, nhưng không được đầu tư kinh phí để sản xuất, không có nơi phát hành dẫn đến tình trạng nằm chờ từ tháng này qua năm nọ. Các đài truyền hình cũng không còn mặn mà với những chương trình ca nhạc dành cho thiếu nhi như trước, nên số phận những tác phẩm này vẫn còn bỏ ngỏ.

Thực tế khác cũng phải thừa nhận: nhiều sáng tác mới đi vào lối mòn giáo điều, cứng nhắc. Chính điều này cũng khiến các bài hát thiếu nhi khó tồn tại.

Nhạc thiếu nhi thiếu hụt đã trở thành vấn đề bàn cãi trong nhiều năm qua. Nhưng mãi đến bây giờ, những dự án dành cho đối tượng này chỉ lác đác ở phạm vi cá nhân, nhóm như: dự án 300 ca khúc của Nguyễn Văn Chung, album Friends gồm 12 ca khúc của Hoàng Touliver và những cộng sự, dự án của nhạc sĩ Hoài An, ca sĩ Bông Mai... Những cuộc thảo luận, họp bàn cứ diễn ra, nhưng đâu vẫn hoàn đó.

Thụy Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI