Khi trẻ bỗng dưng nổi tiếng

07/01/2025 - 14:46

PNO - Thấy con mệt mỏi, chán nản và việc học sa sút, cha mẹ đưa con đến bác sĩ mới hay đứa trẻ 10 tuổi có dấu hiệu trầm cảm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cậu bé 10 tuổi - con người bạn tôi - học rất giỏi. Hầu như môn nào cháu cũng đạt điểm 10 và luôn đạt thành tích cao trong những cuộc thi do trường và địa phương tổ chức. Không những thế, cháu được tham gia một game show truyền hình, thế là càng nổi tiếng hơn.

Gia đình bạn tôi tự hào về con lắm. Trong những buổi họp mặt bạn bè, họ hàng, bạn luôn được mọi người khen ngợi vì có đứa con học giỏi và nổi tiếng.

Vừa rồi, tôi tình cờ gặp bạn tại quán cà phê. Chúng tôi tay bắt mặt mừng, lâu rồi không gặp, quả thật là có nhiều điều để nói. Trông bạn thật khắc khổ, nét suy tư hiện rõ. Gặng hỏi tôi mới biết, chính sự nổi tiếng của con mình giờ đây làm bạn khổ tâm. Vì muốn giữ vững thành tích cũng như “thương hiệu" nên con bạn vùi đầu vào việc học mà hiếm khi tham gia hoạt động tập thể.

Thậm chí, dịp nghỉ hè, khi những đứa trẻ khác vui đùa thỏa thích với những trò chơi thư giãn thì cháu vẫn miệt mài với sách vở. Thời gian gần đây, thấy con có vẻ mệt mỏi, chán nản và việc học sa sút, vợ chồng bạn đưa cháu đến bác sĩ mới hay cháu có dấu hiệu trầm cảm vì ít giao tiếp và thiếu những kỹ năng sống cần thiết cho việc phát triển tâm sinh lý lứa tuổi.

“Con phải là số 1 - vì quan niệm sai lầm của chúng tôi mà cháu trở nên như vậy. Những lời khen xã giao đã khiến cả cháu và cha mẹ rơi vào cuộc đua điểm số, thành tích, mất cả tuổi thơ...", bạn trầm ngâm và bỏ lửng lời tâm sự.

Trào lưu văn hóa mạng ảnh hưởng rất nhiều đến sở thích của các bậc cha mẹ và từ đó lan tỏa hiệu ứng tâm lý muốn con mình được nổi tiếng đến với nhiều gia đình. Với một chiếc smartphone kết nối wifi, nhiều em dễ dàng tìm những phương tiện giải trí khác hay nghe những ca khúc của thần tượng dù đôi khi không hiểu hết những ý nghĩa ca từ.

Không ít bậc cha mẹ cổ vũ và khuyến khích con em họ hát và nhảy nhót theo giai điệu của những ca khúc không phù hợp lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng. Những cuộc thi ca hát hay game show trên truyền hình cũng ảnh hưởng đến việc cảm nhận và thẩm thấu âm nhạc của các cháu. Có thí sinh lứa tuổi thiếu niên vô tư hát ca khúc của người lớn. Những lời nhận xét có cánh của ban giám khảo làm cho thí sinh và khán giả cùng trang lứa ngộ nhận rằng điều đó là đúng, và việc bắt chước theo cũng xuất phát từ đây.

Vì lý do nào đó trẻ con bỗng dưng nổi tiếng, nếu không kiểm soát tốt người lớn, trẻ rất dễ có thái độ tự mãn, ảo tưởng về bản thân, đôi khi cư xử không đúng mực với bạn bè, thầy cô hay cha mẹ. Ở một góc độ khác, khi phải lệ thuộc quá nhiều vào kỳ vọng của cha mẹ, tâm lý của trẻ trở nên bất ổn, về lâu dài có thể bị trầm cảm hay những bệnh lý liên quan đến vấn đề phát triển.

Người lớn có lỗi nếu để trẻ bị "chín ép". Hãy để trẻ con phát triển niềm đam mê một cách tự nhiên chứ đừng nên vì những kỳ vọng của cha mẹ. Khi con có năng lực phát triển hơn bạn bè cùng trang lứa, cha mẹ chính là những người tư vấn và hỗ trợ, giúp trẻ nhận biết và hiểu đúng về giá trị bản thân.

Không phải lúc nào trẻ cũng nói ra, biết cách nói ra, hoặc có thể chia sẻ những điều mình suy nghĩ. Cha mẹ cần khơi gợi cho con mở lòng, bởi vì đây cũng là cách giúp trẻ hình thành khả năng phản biện tích cực cũng như tích lũy kinh nghiệm sống.

Lê Tấn Thời

(Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI