Đã hơn 16g, lại chiều thứ Sáu nhưng không hiểu sao bao nhiêu đơn hàng cùng hẹn giờ chót dồn dập gửi đến email của chị Cẩm. Chị gọi điện cho chồng nhờ đón bé Vĩnh đang học lớp 4, rồi tất tả cùng các nhân viên chuẩn bị hàng để giao cho khách. Chuông điện thoại di động reo vang, chị Cẩm đang dở tay nên không nghe được, định bụng xong giỏ hàng này sẽ gọi lại.
Vậy nhưng, điện thoại vẫn tiếp tục reo. Đầu dây bên kia: “Alô, xin lỗi chị phải là mẹ bé Vĩnh không?”. Thì ra là mẹ của Khang đang học chung với Vĩnh. Chị ấy gọi xin gấp số điện thoại của mẹ Minh. Đầu dây bên kia hấp tấp: “Mình phải gọi ngay cho mẹ của Minh vì chiều nay Minh đã bắt nạt con mình…”. Chị Cẩm (lo lắng): “Sao? Bắt nạt sao?”.
|
Ảnh minh họa |
Đầu dây bên kia: “Chiều nay, lúc 15g, Khang mượn điện thoại của cô bảo mẫu khăng khăng bảo mẹ đến đón con về liền. Mình rất lo lắng liền gọi lại cho cô hỏi xem cháu có chuyện gì. Lát sau, khi đến trường mình nghe cô bảo mẫu kể lại rằng vào giờ ăn xế xong, Khang nghịch ngợm phá bình đựng nước uống của trường. Các bạn thấy phê bình Khang, dọa mách cô.
Khi mọi người đi về lớp, không hiểu sao bạn Minh là người không bắt gặp Khang nghịch bình nước đến chỗ Khang ngồi và yêu cầu Khang phải đưa cho Minh 100 ngàn đồng, nếu không sẽ đưa Khang đến phòng thầy hiệu phó, méc thầy để thầy đuổi học. Khang sợ quá, vét hết túi có 6 ngàn đưa hết cho Minh. Sau khi đưa tiền cho bạn, vì quá lo lắng nên Khang gọi mẹ đến đón về”.
Chị Cẩm giọng thảng thốt: “Trời ạ, sao có chuyện như vậy được hả chị?”.
Đầu dây bên kia: “Khi cô bảo mẫu hỏi Minh vì sao làm như thế, Minh nói chỉ đùa thôi mà bạn tưởng thật. Cô bèn hỏi: Nếu vậy, sao con lấy tiền của bạn? Minh im lặng và đưa cô trả lại cho bạn”.
Chị Cẩm: “Không thể tưởng tượng được chị ạ. Sao lại có kiểu tống tiền như thế khi tụi nó mới lớp 4?”.
Đầu dây bên kia: “Ừ, thiệt không tin được. Nhưng là sự thật đấy. Mình vừa điều tra thằng bé, nó nói là bị như vậy hoài, từ đầu năm học đến giờ…”.
Chị Cẩm: “Nhưng tụi nhỏ làm gì có tiền? Mà sao nó phải cần tiền đến mức phải đi làm thế với bạn của mình chứ?”.
Đầu dây bên kia: “Không biết chị sao chứ con mình mỗi ngày đi học mình cho bé 10 ngàn để uống nước, ăn bánh. Nên hễ thằng bé có chút lỗi gì cũng bị Minh buộc phải đưa tiền”.
Chị Cẩm: “Mình thì không cho con tiền khi đến trường”.
Đầu dây bên kia: “Bé Khang nói Vĩnh con chị cũng bị nữa đó, chị hỏi cháu xem sao”.
Chị Cẩm chợt nghe như có một bàn tay vô hình nào đó chèn ngang cổ họng. Trong suốt cuộc đàm thoại, chị lắng nghe đầy chia sẻ với mẹ của Khang, không một chút chột dạ lo lắng, vì hiếm khi cho con tiền đến lớp thì làm sao có thể trở thành con mồi của cậu bé ranh mãnh kia được.
Bé Vĩnh con chị ai cũng khen lanh lợi, tự tin, dạn dĩ. Bản thân vợ chồng chị rất ý thức trong việc dạy con. Hôm trước trên mạng đăng bài Những câu bố mẹ nên hỏi con khi trên đường về nhà sau giờ học chị đọc rất kỹ và áp dụng thấy hiệu quả vô cùng khi được con chia sẻ nhiều cảm xúc. Nhưng tuyệt nhiên, chưa lần nào chị nghe phong thanh về chuyện “tống tiền” này.
Lòng âu lo và hoang mang, chị Cẩm giao việc lại cho nhân viên, chạy vội về nhà. Bao câu hỏi cần được con giải đáp xoay liên tục trong đầu làm chị cảm thấy tức giận. Rồi chị lại nghe như tim mình đang rưng rưng, tưởng tượng ra khuôn mặt đứa con trai bé bỏng phải cam chịu thế nào khi bị bạn bắt nạt. Chị vội vã bước từng bước thật dài trên dãy hành lang chung cư.
Từ xa, nhìn qua cửa sổ, chị thấy Vĩnh đang ngồi xem ti vi, không biết chương trình gì mà cười ngặt nghẽo. Con nghe tiếng cửa lách cách chạy ra ôm chầm lấy mẹ, tíu tít kể về phim hoạt hình đang xem. Lòng chị Cẩm chùng lại. Chị cố gắng kìm nén cảm xúc, hôn lên trán con rồi đi vào phòng.
Ngồi thừ trước bàn trang điểm, chị cố nghĩ cách để hỏi con mọi chuyện. Có chuyện tống tiền hay không? Có thì sao? Tại sao con không chia sẻ với mình dù đêm nào cũng có thời gian “tâm sự” trước khi chúc ngủ ngon? Một khi con đã giấu, hẳn có lý do nào đấy. Nếu tra hỏi, la rầy chắc chắn con sẽ khai thôi, nhưng liệu con có bị tổn thương? Tiếng con ríu rít hỏi han ba dọn bàn ăn cơm tối vọng vào phòng. Chị Cẩm hít một hơi thật sâu rồi bước ra khỏi phòng.
Đêm ấy, sau thời gian mẹ con hỏi han, tâm sự về một ngày làm viêc của mẹ, một ngày ở trường của con, bé Vĩnh ngủ ngon lành. Chị Cẩm ra phòng ngoài kể lại chuyện của con cho chồng nghe. Anh Hữu tức giận bảo chị sáng mai phải gọi ngay cho mẹ của bé Minh để mắng vốn, yêu cầu họ dạy lại con.
Rồi anh dặn chị phải cấm con không được chơi với Minh nữa. Năm học tới, nếu lên học chung lớp 5 thì phải chuyển lớp, còn không anh sẽ chuyển trường cho con. Chị Cẩm không tranh luận với chồng vì những gì anh nói cũng đã xoay vòng trong lòng chị suốt cả buổi tối.
Nhưng, thứ Hai tuần sau, bọn trẻ đã bước vào kỳ thi học kỳ II, nếu chị làm lớn chuyện sẽ ảnh hưởng tâm lý không chỉ con mình mà còn nhiều bé khác nữa. Người ta nói, trẻ con là bản sao của người lớn; văn hóa, nếp sống gia đình sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách của đứa trẻ.
Chị hoàn toàn chưa biết chút gì về cuộc sống của gia đình bé Minh thì thật khó để có một lựa chọn hợp lý ngay lúc này. Nếu cha mẹ của Minh cởi mở, tiếp nhận góp ý của người khác về con mình thì thật dễ. Còn ngược lại, vì sĩ diện họ không bình tĩnh suy nghĩ thì thật đáng thương cho bé Minh. Hơn nữa chị còn chưa hỏi con cho rõ ngọn ngành.
Sáng hôm sau, sau một tiếng đồng hồ vùng vẫy trong làn nước mát rượi, hai mẹ con chị Cẩm cùng nhau ăn sáng. Đợi con ăn xong, chị Cẩm nhìn con dịu dàng hỏi mọi chuyện.
Gương mặt cậu bé 10 tuổi đang vui cười bỗng chùng xuống, trĩu nặng khi kể lại: “Hôm đó, Minh mang lego vô lớp. Con mượn của bạn chơi và làm mất hết mấy cái lego của bạn. Con nghĩ nó rớt xuống đất, con tìm quá chừng mà không được nên bạn bắt con đền 100 ngàn… Con làm mất của bạn nên con phải đền…”.
Chị Cẩm: “Sao con không lấy lego của mình vô đền cho bạn? Con đâu có tiền?”.
Bé Vĩnh: “Con có lấy mấy cái giống vậy vô đền nhưng bạn không chịu. Bạn vẫn bắt con đền tiền”.
Chị Cẩm: “Nhưng con không có tiền...”.
Bé Vĩnh: “Con cho bạn ăn trừ tiền…”.
Chị Cẩm: “Nghĩa là sao?”.
Bé Vĩnh: “Mấy hôm không ăn sáng kịp mẹ mua đồ ăn cho con mang theo. Con cho bạn ăn rồi trừ tiền. Ăn nhiều thì bạn trừ 3 ngàn, ít thì 2 ngàn, 1 ngàn…”.
Chị Cẩm: “Chuyện xảy ra từ khi nào? Con trừ được bao nhiêu tiền rồi?
Bé Vĩnh: “Lâu rồi…con trừ được hai mươi mấy ngàn rồi”.
Chị Cẩm thôi nhìn con, hướng mắt về nơi xa, vừa buồn cười vì kiểu trừ tiền trẻ con, vừa thương con quá ngây thơ, lúng túng khi gặp rắc rối. Rõ ràng, chuyện bắt nạt, tống tiền là có, nhưng thái độ của Vĩnh với vấn đề này may mắn không quá nghiêm trọng.
Chị Cẩm: “Vì sao con không kể cho mẹ nghe chuyện này?”.
Bé Vĩnh: “… Con sợ mẹ rầy…”.
Chị Cẩm cầm đôi tay đang đan vào nhau của thằng bé: “Tất nhiên, mẹ sẽ rầy con nhưng sau đó chắc chắn mẹ sẽ có cách giúp con giải quyết rắc rối…”.
Những giọt nước mắt bắt đầu tuôn rơi lã chã trên gương mặt bé Vĩnh.
Chị Cẩm: “Con làm mất đồ chơi của bạn, bạn muốn con đền, điều này hợp lý và con cũng đã làm vậy. Cho nên không có lý do gì để bạn tiếp tục bắt buộc con phải cho bạn ăn trừ tiền như vậy. Đó là điều bất công và con không đáng phải chịu đựng như thế. Con có cảm thấy bất công hay không?”.
Bé Vĩnh: “Dạ có”.
Chị Cẩm: “Vậy tại sao con không nghỉ chơi với bạn?”.
Bé Vĩnh: “Bạn dọa méc thầy… với bạn bày nhiều trò vui…”.
Chị Cẩm: “Hôm tới, khi đến lớp con hãy gặp bạn và nhìn thẳng vào mắt bạn rồi nói: “Cậu không được đòi tiền tớ nữa vì tớ đã đền lego cho cậu. Nếu cậu còn làm thế nữa, tớ sẽ méc thầy hiệu phó”. Con làm được không?”.
Bé Vĩnh: “Dạ được”.
Chị Cẩm ôm con vào lòng, xoa lên chiếc đầu bù xù, nở nụ cười nhẹ nhõm.
Chiều thứ Hai, vừa thấy mẹ đến đón, bé Vĩnh liền khoe: “Con đã nói với bạn Minh như mẹ dạy rồi đó mẹ. Bạn nói không đòi tiền con nữa”.
Chị Cẩm tươi cười: “Con thật dũng cảm”.
Những ngày sau đó, chị Cẩm vẫn tiếp tục theo dõi và biết bọn trẻ vẫn chơi cùng nhau vui vẻ, hòa bình. Chị chưa biết sẽ nói chuyện này như thế nào với ba mẹ của bé Minh, nhưng chị cảm thấy vui vì bản thân biết kìm nén cảm xúc để tìm cách giúp con giải quyết vấn đề mà vẫn giữ được tình bạn.
Bởi chị luôn tin với trẻ con, nếu gieo vào tâm hồn chúng những giận hờn, thù ghét thì tương lai con sẽ khó tìm thấy niềm lạc quan khi gặp những va vấp trong cuộc đời.
Cẩm Thu