edf40wrjww2tblPage:Content
Ca phẫu thuật nhớ đời
Đã hai tháng, kể từ ngày được đặt stent nong ống động mạch chủ, sức khỏe của bé Trần Văn Đ... (ba tháng tuổi, ngụ tại An Giang) đã có những tiến triển tốt. Bé tăng cân, môi hết thâm, nhịp tim rõ, hô hấp đều. Được biết, tháng 10/2014, ngay sau khi chào đời, bé Trần Văn Đ... đã có những triệu chứng bất thường như thở nhanh, khò khè, môi hơi sẫm màu, bú kém... Bé Đ. được chuyển tới khoa Tim mạch Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1. Các bác sĩ (BS) phát hiện bé Đ. bị hẹp ống động mạch chủ. Điều đáng nói là tim của cháu lại nằm bên phải lồng ngực, xoay hẳn 180o so với tim của trẻ bình thường.
Nhiều trường hợp tim nằm bên phải đã ổn định sức khỏe sau khi được phẫu thuật |
BS Nguyễn Trọng Luật - BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, nhắc lại ca phẫu thuật tim mạch “nhớ đời” của ông cách đây chưa lâu: bệnh nhân (BN) Ngô Khánh B., sinh năm 2011, ở Vĩnh Long, dị tật tim bẩm sinh phức tạp, và càng phức tạp khi tim BN nằm bên phải. BN được chẩn đoán: thất phải hai đường ra; thông liên thất; hẹp van động mạch phổi và đặc biệt là phủ tạng đảo ngược, tim nằm bên phải.
Thông thường, một trái tim khỏe mạnh thì động mạch phổi đi ra từ thất phải, động mạch chủ đi ra từ thất trái, nhưng ở trái tim của bé B. thì động mạch phổi và động mạch chủ đều đi ra từ thất phải. Với trường hợp này, nếu không chữa trị kịp thời, bé sẽ suy tim ngày càng nặng, dẫn đến khó thở, chậm lên cân và thường xuyên bị nhiễm trùng hô hấp.
Sau khi hội chẩn, các BS BV Hoàn Mỹ Sài Gòn đã phẫu thuật cho bé B. Ca phẫu thuật kéo dài gần bốn tiếng và đã kết thúc thành công. Bé B. xuất viện trong tình trạng ổn định.
Theo chia sẻ của ê kíp phẫu thuật, đây là một ca tim bẩm sinh vô cùng phức tạp trong việc gây mê, hồi sức, vì mạch máu của trẻ em thường quá nhỏ, đòi hỏi từng thủ thuật phải tinh vi, tỉ mỉ. Tim của bé lại đảo lộn sang bên phải nên các BS phẫu thuật bị “làm khó”, từ việc phải thay đổi vị trí đứng của phẫu thuật viên, cho đến các thao tác rất “tréo nghoe” chứ không thuận tay như các trường hợp phẫu thuật cho BN bình thường.
Ly kỳ và đặc biệt hơn cả là ca phẫu thuật ghép tim, từ người cho có tim nằm bên trái sang người nhận có vị trí tim nằm bên phải diễn ra tại BV Việt-Đức vào tháng 9/2014.
BN là chị Phan Thị Tuyền (27 tuổi, ở TP.Yên Bái) mắc bệnh tim bẩm sinh. Trái tim của chị Tuyền không chỉ “hội tụ” các bệnh lý tim mạch nặng mà việc tiến hành phẫu thuật trên một cơ thể suy kiệt vì bệnh nặng suốt 27 năm cũng là chuyện ít khi xảy ra. BS khoa Phẫu thuật tim mạch, BV Việt - Đức, đã suy nghĩ phải ghép quả tim của người bình thường sao cho có thể ăn khớp vào vị trí ngược lại.
Điều khó nhất của ca ghép đã được BS thực hiện thành công ngoạn mục: đảo ngược cuống mạch tim về bên trái cho đúng với cấu tạo của quả tim được ghép, sau đó tạo chân đế để hạ quả tim mới. Quả tim mới sau vài ngày đã đập và bơm được máu trong cơ thể người được ghép. Cuối cùng, chị Tuyền đã hồi sinh.
Không hiếm “trái tim bên phải”
Theo PGS-TS-BS Vũ Minh Phúc, Chủ tịch Hội Tim mạch nhi và tim bẩm sinh TP.HCM, Trưởng khoa Tim mạch, BV Nhi Đồng 1, hiện tượng tim nằm bên phải không phải là quá hiếm, mỗi năm BV gặp từ một đến hai trường hợp. Có những trường hợp tim nằm lệch về bên phải, có trường hợp tim xoay hẳn một góc 180o và nằm bên ngực phải. Lại có những trường hợp tim chỉ bị lộn chỗ, nhưng cũng có lúc kèm theo sự đảo lộn của một số bộ phận như gan, thận. Thật ra, nhiều người có tim nằm bên phải nhưng không mắc các bệnh tật khác thì vẫn sống khỏe, sống thọ.
Được biết, ở TP.HCM có họa sĩ Phan Phan (tên thật là Phạm Đắc Trưởng, sinh tại Bến Tre) là một điển hình trong những người có tim nằm bên phải. Thuở nhỏ, ông Phạm Đắc Trưởng khỏe mạnh bình thường như bao người khác. Lúc đi học, cô giáo gọi ông lên bảng trả bài với câu hỏi: “Trái tim con người nằm ở bên nào”? Ông trả lời: “Thưa cô giáo, trái tim con người nằm ở bên phải ạ”.
Cô giáo lấy thước đánh vào tay, cho rằng học trò "kiếm chuyện". Thấy mình bị đánh oan ức, ông bảo cô giáo đặt tay lên ngực mình để kiểm tra. Sau khi đặt tay lên ngực trái của ông, thì thái độ cô giáo thay đổi hẳn, gọi gia đình Trưởng đến yêu cầu đưa đi BV khám xem học trò bị bệnh gì. Khi được cha đưa đi khám, BS áp ống nghe vào ngực trái của ông và bối rối: “Đây là lần đầu tiên tôi gặp trường hợp kỳ cục, một BN có tim bên phải”. Sau đó, vị BS này còn phát hiện, không chỉ tim mà một số cơ quan khác trong cơ thể họa sĩ Phan Phan bị đảo ngược hoàn toàn so với người bình thường. Tim, lá lách thì nằm bên phải còn gan lại bên trái.
Theo lời họa sĩ Phan Phan kể, ngay cả vợ ông cũng từng “mất hồn” vì “có lần (hồi mới cưới, do không biết tim tôi nằm bên phải) nên bà nằm áp đầu lên ngực trái tôi mà thấy “im re”, không nghe nhịp tim nên bà bật dậy, vừa la, vừa khóc...”. Mang trong người cơ quan ngũ tạng đảo ngược nhưng sức khỏe ông vẫn tốt, dù đã 83 tuổi nhưng họa sĩ Phan Phan vẫn còn rất nhanh nhẹn, minh mẫn.
Một số trường hợp tim nằm bên phải nhưng sống thọ và khỏe mạnh là ông Huỳnh Văn Ẩn (Tiền Giang), bà Lê Thị Cơ (TP.HCM thọ 118 tuổi). Ở nước ngoài có diễn viên người Canada Catherine O’Hara, vận động viên bóng rổ Mỹ Randy Foer.
TIẾN ĐẠT - NAM ANH
Trong y khoa, xét về vị trí của mỏm tim, người ta gọi tình trạng mỏm tim hướng sang bên trái (bình thường) là levocardia, mỏm tim hướng sang phải là dextrocardia và tình trạng mỏm tim nằm ở chính giữa được gọi là mesocardia. Được biết, hiện tượng tim lệch sang phải được phát hiện cách đây gần 400 năm (năm 1643). Đến nay, theo thống kê ở Mỹ, cứ 10.000 người, có một người có tim nằm bên phải. Ở Sri Lanka, một báo cáo trong y văn cho thấy, tỷ lệ này khoảng 2/10.000 người. |