Khi trách nhiệm quản lý vượt… ngưỡng nguy hại!

20/05/2019 - 07:18

PNO - Là biển, lòng biển hay bờ biển; là núi, núi tự nhiên hay núi xỉ thép; là nguồn nguyên liệu sản xuất, phế liệu tái chế hay chỉ là chất phụ gia thì tất cả đều phải được kiểm soát trong ngưỡng an toàn.

Những bờ biển miền Trung phơi trắng xác cá năm 2016 và nay, từ năm 2018 đến 2019, hàng trăm ngàn tấn xỉ thép chưa được kiểm định làm vật liệu san lấp lại ngang nhiên đắp thành núi nhân tạo; hàng chục ngàn tấn gang xỉ được giao dịch trên thị trường như một nguồn phế liệu - hàng hóa mà kết quả phân tích đã cho ra độ pH vượt ngưỡng nguy hại…

Khi trach nhiem quan ly vuot… nguong nguy hai!
Gang xỉ từ Formosa chứa chất thải nguy hại lại được xem là phế liệu - hàng hóa

Rõ ràng, Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đã “giúp” và rèn giũa cho những ai còn quan tâm đến hiện trạng môi trường của nước nhà một phản xạ có điều kiện trước các hoạt động của công ty này. Không thể khác.

Khi đầu tư vào tiểu bang Texas (Mỹ), Formosa Plastics cũng ghi nhớ đầy đủ cam kết. Nhưng rốt cuộc, từ nhiều năm trước, họ đã đổ chất thải nhựa qua đường nước vào vịnh Lavaca, đe dọa nguồn sống tự nhiên của cá, chim và người.

Khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc thực hiện hai cuộc về thăm, làm việc với Formosa Hà Tĩnh trong năm 2018, ông có ghi nhận về phía công ty đã thực hiện nghiêm túc các lời hứa, trong đó có việc khắc phục toàn bộ sự cố môi trường trong thời gian qua.

Thế nhưng, hậu cam kết, sau những lời hứa lại lắm điều bất ổn, ẩn chứa những nguy hại không chỉ tác động tiêu cực vào môi trường tự nhiên mà còn phơi bày một “môi trường” công bộc yếu năng lực, thiếu trách nhiệm quản lý ngay trong lĩnh vực của mình.

Với công trình núi nhân tạo, mặc cho lưu ý của Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an), đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh cân nhắc việc tận dụng xỉ thép để làm đường vành đai; mặc cho Sở Xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đã báo cáo công trình này không có trong quy hoạch được phê duyệt, không thực hiện các hồ sơ thủ tục về đầu tư xây dựng.

Đến tháng 8/2018, khi bị chính cơ quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường là Tổng cục Môi trường yêu cầu tạm dừng thì quả núi xỉ thép kia đã thi công trên 30% khối lượng. Nực cười là khi dừng rồi mới túc tắc vác hồ sơ đi làm bản báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM)!

Dừng cái đống xỉ thép kia, lại thòi ra cái mớ gang xỉ đem đi bán cho hai công ty sản xuất thép trên Thái Nguyên. Quái lạ, nếu là phế liệu an toàn, sao Formosa Hà Tĩnh không giữ lại tái sản xuất mà lại âm thầm đem rao bán? Khi phía mua đem mẫu đi phân tích, cho ra độ pH vượt ngưỡng nguy hại, nghĩa là phát tán chất thải nguy hại ra môi trường thì cũng lại “ông” Tổng cục Môi trường cứ khăng khăng gọi đấy là hàng hóa - phế liệu.

Thử hỏi, trong cái “phế liệu” ấy, tỷ lệ sắt được bao nhiêu, tỷ lệ tạp chất chiếm bao nhiêu, mức độ nhiễm lưu huỳnh như thế nào để dám đưa vào làm nguồn nguyên liệu sản xuất thép đảm bảo chất lượng cao, an toàn?

Coi trọng môi trường đầu tư, tạo mọi điều kiện cho nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi chính đáng của các nhà đầu tư trên cơ sở luật pháp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thẳng thắn yêu cầu Formosa Hà Tĩnh “tuyệt đối không vi phạm lần hai”, khi ông đến làm việc với công ty này, tháng 7/2018.

Trước các nhà đầu tư quốc tế, tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Canada tháng 6/2018, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã khẳng định: “Chúng tôi không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.

Là biển, lòng biển hay bờ biển; là núi, núi tự nhiên hay núi xỉ thép; là nguồn nguyên liệu sản xuất, phế liệu tái chế hay chỉ là chất phụ gia thì tất cả đều phải được kiểm soát trong ngưỡng an toàn, không phải chỉ để phục vụ con người mà còn trả lại cho môi trường một sự “vay mượn” vốn đã không sòng phẳng.

Trước khi có “phản ứng có điều kiện” với Formosa Hà Tĩnh, tôi nghĩ, các nhà quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ quan hữu quan của tỉnh Hà Tĩnh nên tự “phản ứng không điều kiện” với chính trách nhiệm và năng lực quản lý, điều hành, phục vụ (nhân dân) của mình. Xin đừng để những xỉ thép, xỉ gang, xỉ lò cao cứ vấy vào lòng dân, hoang mang, ngờ vực.

Xin được nhắc lại một sự kiện cách đây hơn 60 năm, trong lần về dự Hội nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh, ngày 15/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc phê bình: “Ta thường nói rừng vàng, biển bạc, thế mà đồng bào Hà Tĩnh chẳng những bảo vệ kém mà còn một số lại tự do chặt phá, làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân, của Nhà nước. Chặt phá thì dễ nhưng trồng lên thì khó, phải tốn hết nhiều công nhiều của”.

Hãy cúi đầu trước di huấn ấy để trả lại rừng xanh biển thẳm. 

Lê Huyền Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI