Khi tôi và anh bàn chuyện cưới xin thì con trai tôi đột nhiên phản ứng dữ dội. Sau này, tôi mới biết đó là khủng hoảng tuổi dậy thì của con, nhưng ngay lúc đó thì tôi thật sự bối rối, bế tắc. Trước đó, con trai tôi vẫn hiền lành, dễ thương và anh thường bày tỏ mong muốn có được một đứa con như vậy.
Anh đã qua một đời vợ nhưng không thể có con. Anh hay nói cảm ơn ông trời cho anh gặp tôi và có luôn đứa con như mong ước. Từ lâu anh thèm được gọi một tiếng “ba” và hy vọng sẽ đến ngày con trai tôi gọi anh là “ba”.
Tôi cũng tin vào ngày đó vì con trai tôi rất quý anh. Không quý sao được khi tối nào anh cũng đến nhà kèm con tôi học hành, lại thường dẫn đi nhà sách. Trước đây, tôi chỉ mua sách cho con qua mạng để đỡ mất thời gian.
Từ khi có anh, đi nhà sách trở thành một cuộc dạo chơi thú vị. Sau mỗi lần đi nhà sách, con trai hay hỏi tôi về những cuốn sách kinh điển và nói: “Chú Thành bảo, là những cuốn mà khi lên cấp III con nên đọc và tiếp tục đọc thêm nhiều lần nữa trong cuộc đời”. Anh kể tóm tắt nội dung cho con tôi nghe và giải thích tại sao đợi lớn hơn mới đọc được. Có anh, con trai tôi chững chạc hơn, tò mò về thế giới chung quanh hơn, thay vì chỉ chăm chú việc học như xưa. Ban đầu, tôi nghĩ anh chỉ tìm cách lấy lòng thằng bé. Muốn chinh phục người đã có con thì không thể không lấy lòng đứa bé trước.
|
Ảnh mang tính minh họa. Shutterstock |
Trong chung cư, căn hộ của anh cách căn hộ của mẹ con tôi vài bước chân. Thôi cứ xem anh như ông hàng xóm tốt bụng, khi nào anh chính thức ngỏ lời tôi từ chối là xong, tôi đã từng nghĩ vậy. Từ khi chia tay chồng vì chồng ghen tuông vô cớ khiến tôi nhiều lần mang nhục, đâm ra sợ đàn ông. Tôi đã tính sống một mình cho nhẹ. Hôn nhân mà trói buộc thì khổ quá!
Tuy nhiên, những quan tâm chân thành của anh dành cho con trai khiến tôi mềm lòng. Sự có mặt quen thuộc của anh khiến những buổi tối anh không sang là hai mẹ con thấy vắng. Hôm nào có bài tập toán khó mà không thấy anh, con tôi còn mạnh dạn điện thoại nhờ anh giảng, cứ như đương nhiên là nó có quyền đó. Có khi cuộc điện thoại ngắn ngủi chỉ ba mươi giây khiến tôi nghĩ anh đang bận nên từ chối, nhưng hóa ra con trai tôi giải thích: “Chú Thành nói đợi chú lên mạng coi lại bài rồi mới giảng cho con được. Chú nói, nghỉ học lâu quá nên không nhớ ra ngay”.
Những gì anh làm khiến tôi cứ phân vân nghĩ ngợi về cuộc sống có người đàn ông trong gia đình như một điểm tựa tin cậy. Anh hiền lành và hiểu biết, lại được con tôi yêu mến, tin cậy. Cũng đáng để người đàn bà đã một lần bị tên bắn, sợ hết những cành cây cong là tôi cảm thấy cuộc đời không mãi mãi màu xám, mà còn có nhiều gam màu sáng hơn…
Cảm giác hạnh phúc rõ dần khi anh thay tôi đưa đón con đi học. Lại có những cuộc điện thoại đầu ngày: “Hai mẹ con ăn sáng chưa? Anh ghé chở con đi học luôn nhé?”. Giữa ngày thì: “Anh có việc đi ra ngoài, con học thêm nhà cô giáo nào anh chở đi luôn?”. Khi đã thân quen, anh cho biết, anh rất vui mỗi khi ngừng xe trước cổng trường, hòa vào những phụ huynh đứng đợi con, thấy mình cũng là một ông bố đang sốt ruột nhìn đồng hồ.
Trên đường về, anh thích ngừng lại trước quán kem, lòng trào dâng nỗi ngọt ngào khi nghe cô bán hàng hỏi: “Con trai cưng đòi ba mua kem sữa hay kem dâu nè?”. Tôi nghe kể lại mà xúc động. Và thế là tôi gật đầu với anh, không chỉ vì anh thương quý con trai tôi, cũng không chỉ vì con trai tôi thương quý anh. Tôi yêu anh. Cũng không phải dễ dàng gì. Anh đến nhà tôi lần đầu tiên khi con trai tôi sinh nhật mười tuổi. Tôi gật đầu với anh vào sinh nhật con trai mười lăm tuổi. 5 năm ấy, biết bao lần tôi đã tự hỏi lòng.
*
Vậy mà con trai tôi đột ngột thay đổi.
Lên lớp 10, con học hành sa sút hẳn, thậm chí đổ đốn, cùng bạn bè la cà quán xá… Tôi la mắng, nó đòi bỏ nhà đi. Tôi hạ mình năn nỉ, thậm chí lấy nước mắt để làm áp lực với con. Rồi nước mắt cũng hết hiệu quả . Nhiều đêm, tôi thắc thỏm chờ con đi học thêm về rất muộn với lý do bị hư xe, mà tôi biết chắc sự thật không phải vậy. Tôi khóc hết nước mắt khi con báo mất xe bằng giọng thản nhiên, đòi tôi mua xe mới cũng bằng giọng thản nhiên như thế.
Tôi trở thành một bà mẹ thảm hại vì cứ phải điện thoại hỏi cô thầy giáo xem hôm nay con mình có tới lớp không. Câu trả lời là “không” khiến tôi chới với. Con ham chơi đã là quá lắm rồi, nhưng đến mức bỏ học thì… Nhiều tối khuya tôi phải lần dò những quán net để tìm con về, vừa đi vừa khóc. Lại thêm, chồng cũ đổ tội con hư tại mẹ. Tôi điên đầu, kiệt sức.
“Dạo này anh nhận dự án về làm thêm, bận quá”. Anh nói vậy. Qua nhà tôi, anh chỉ ngồi vài phút rồi về ngay. Vài phút đó ngày càng ngắn và rồi không còn nữa. Gặp nhau ở hành lang hay trong thang máy, mắt anh nhìn tôi như ái ngại khiến tôi thêm chạnh lòng.
Giữa lúc tôi chới với và cần biết mấy một chỗ dựa thì anh lại lảng xa. Anh sợ! Có lẽ đúng hơn là anh không muốn dính dáng tới phiền lụy. Kèm cặp và đưa đón con tôi học hành là chuyện hoàn toàn khác với việc phải cùng tôi đi tới quán xá tìm con, khác với việc phải đối diện cô thầy giáo, tự giới thiệu mình là phụ huynh của một đứa ngỗ nghịch và nói lời xin lỗi…
Tôi nhận ra, anh muốn có sẵn một đứa con ngoan, có sẵn một người vợ biết điều, có sẵn một gia đình êm ấm.
*
Qua cơn khủng hoảng, con trai tôi xin lỗi mẹ và trở lại học hành chăm chỉ. Mẹ con tôi lại có những buổi tối êm ả, tôi dọn dẹp nhà cửa, con ngồi học bài. Anh cũng trở lại, ngượng ngùng. Tôi cũng ngượng. Buồn.
Có nên bắt đầu lại không? Tôi không trách anh. Ai cũng mong cầu sự yên ổn, nhất là những người đã một lần đổ vỡ. Là đàn bà, tôi càng mong điều đó. Nhưng cuộc sống làm sao tránh khỏi những khúc khuỷu gập ghềnh. Lỡ khi đó anh lại quay lưng?
Nguyên Hương