Khi Tổ quốc cần, họ biết sống xa nhau

26/07/2022 - 20:02

PNO - Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội đang mở cửa triển lãm "Tình yêu qua chiến tranh". Thông qua những lá thư, hình ảnh, nhật ký và hiện vật, 12 câu chuyện tình yêu trong những ngày tháng đất nước còn chìm trong khói lửa đã được kể với đầy sự hy sinh, tinh thần trách nhiệm “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”.

Những lá thư “ở hai đầu nỗi nhớ”

“Anh tặng tôi chiếc nhẫn do chính tay mình làm bằng mảnh xác máy bay Mỹ. Tôi tặng anh chiếc khăn tay trắng có thêu bông hoa hồng màu tím. Chúng tôi đã mật ước, nếu tôi nhận được chiếc khăn tay do đồng đội trao lại, nghĩa là anh đã hy sinh và tôi đi lấy chồng”… Đây là tâm sự của bà Vũ Thị Lui (Q.Hà Đông, TP.Hà Nội) về người yêu của bà (liệt sĩ Trần Minh Tiến, hy sinh tại chiến dịch đường 9 - Khe Sanh năm 1968 - PV).

Bà Vũ Thị Lui
Bà Thanh Hồng

Năm năm từ lúc nhận lời yêu cho đến khi ông hy sinh, chưa đến 20 lần gặp mặt, tình yêu của ông bà có nhiều cung bậc cảm xúc, có cả lý tưởng, triết lý sống của thế hệ thanh niên trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại. Họ chưa thể kết hôn vì sự ngăn cản của gia đình. 39 năm bà đi tìm hài cốt của ông, đưa ông về nghĩa trang đường 9 (Quảng Trị), cũng là bấy nhiêu năm những bức thư của hai người vẫn được bà và cả gia đình hiện tại nâng niu, trân trọng. Đến nay, sau 55 năm ngày ông hy sinh, bà mới quyết định xuất bản cuốn sách Những lá thư tình đi qua chiến tranh

“Anh có một thói quen là viết trước, sau đó điền ngày. Anh nói lên ý nghĩ và cách tôi phải xử sự ra sao khi anh ở trong B. Lúc nào anh cũng sợ tôi ế chồng, sợ người yêu chờ đợi, quá lứa lỡ thì”. “Đêm nay anh ra trận và anh linh cảm rằng mình không thể trở về”, bà Vũ Thị Lui nói về bức thư cuối cùng mà ông Tiến gửi cho bà. Có lẽ vì thế, người ta gọi tình yêu của hai người là tình yêu không tuổi, bởi tình yêu ấy đi qua chiến tranh và cho đến bây giờ, bà vẫn giữ những kỷ vật của người yêu, vẫn sống với những kỷ niệm của mình, vẫn chăm lo hương khói và trò chuyện với người đã mất mỗi ngày, vẫn đều đặn đi thăm mộ ông dù đường xa cách trở, dù tuổi già đã đến. 

Trong số những hiện vật hiện diện trong không gian trưng bày Tình yêu qua chiến tranh, còn có hai cuốn hồi ký khác. Một của nhạc sĩ Trần Hoàn và vợ (bà Nguyễn Thị Thanh Hồng) mang tên Tình yêu và âm nhạc, cuốn còn lại là Hồi ức tình yêu qua những lá thư riêng của nhà thơ Vũ Tú Nam và vợ là nhà báo Thanh Hương. 

Bà Thanh Hồng
Bà Nguyễn Thị Lui

Cuốn hồi ký của vợ chồng nhà thơ Vũ Tú Nam gồm hơn 500 lá thư họ đã viết cho nhau từ năm 1950, khi còn là bạn bè của nhau, rồi thành người yêu, sau đó là chồng vợ. Những lá thư đầu tiên được chuyển tới tay bà là nhờ các đồng chí giao liên. Thời đó, thư chưa có tem bưu điện, là những tờ giấy đã ố vàng, nay nhiều trang đã nhòe mực, được bà cất giữ trong đáy ba lô bộ đội, rồi chuyển sang chiếc va li cũ nát, đi sơ tán khắp nơi, may mà không bị đạn bom hủy hoại.

Chiếc va li đựng đầy thư, như cách nói của nhà văn Lady Borton nhân triển lãm này, “đó là lịch sử”, là những câu chuyện thật của con người, đầy ắp những sự việc thường ngày được thuật lại một cách trung thực. Chắc chắn những lá thư này được viết với sự cảm động dành cho người yêu. Chúng đã “sống sót” trước bom đạn và khí hậu ẩm thấp. Bà gọi đó là “vàng ròng”. 

Tận dụng mạng xã hội để sưu tầm những lá thư 

Trong những năm chiến tranh, mối liên hệ duy nhất giữa hậu phương và tiền tuyến là những bức thư. Không chỉ mang tính riêng tư, những bức thư ấy còn phản ánh một đời sống hiện thực, từ những niềm vui, nỗi buồn, những sự kiện lịch sử… mang tính sử liệu cao. Với mong muốn tái hiện một phần lịch sử, khẳng định sức sống bền bỉ của dân tộc trong chiến tranh, nhà báo Đặng Vương Hưng cùng nhiều tác giả đã ra mắt bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam. Ban đầu, công việc này gặp không ít khó khăn, do công tác lưu trữ trong gia đình còn hạn chế. Nhiều bức thư, nhật ký, sổ tay lắm khi bị chôn hoặc đốt theo người đã mất.

Hơn nữa, thư là một điều gì đó rất riêng tư, không phải ai cũng dễ dàng công bố. Tuy vậy, gần 20 năm nay, nhà báo Đặng Vương Hưng và các đồng nghiệp vẫn đang tiếp tục sưu tầm những lá thư thời chiến. Ông nói: “Tôi thành lập câu lạc bộ Trái tim người lính, hiện có 200.000 thành viên, tập hợp những người lính và cả người thân, các thế hệ con cháu trong gia đình họ… tham gia cung cấp, chia sẻ tư liệu. Chúng tôi cũng tận dụng mạng xã hội, cùng với Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức cuộc vận động, viết và sưu tầm kỷ vật Tình yêu đi qua chiến tranh đến năm 2025.

“Nếu không có thư thì tôi đã chết rồi”

Có mặt tại buổi giới thiệu trưng bày Tình yêu qua chiến tranh, bà Nguyễn Thị Thanh Hồng (nguyên cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An) - vợ cố nhạc sĩ Trần Hoàn - đã xúc động khi nhìn lại những bức thư hai người viết cho nhau từ lúc mới yêu cho đến khi đã là vợ chồng từ năm 1950 - 1975. Năm 1967, nhạc sĩ Trần Hoàn vào chiến trường Trị Thiên Huế. Từ đó, mỗi tháng bà nhận được một lá thư của ông. Còn bà gửi thư khó hơn, phải năm đến sáu tháng ông mới nhận được hồi âm từ vợ con nơi quê nhà. Hai lần ông đi B., lần thì 10 năm, lần sau 12 năm. Bà nhớ về thời gian đằng đẵng ấy, “nếu không có thư thì tôi đã chết rồi”. Bởi lẽ, “xa nhau lâu ngày, rất nhớ nhau! Người ngoài Bắc nhớ người trong Nam, người trong Nam lo cho người ngoài Bắc. Sự thương nhớ ấy day dứt lắm. Khi công tác gặp khó khăn, lại nhớ đến người đi xa, giá như anh ấy ở nhà thì mình cũng không phải vất vả thế này. Nếu không có những lá thư ấy, thì tôi không biết làm thế nào để sống, để tỉnh táo và làm việc, nuôi bốn đứa con” - bà Thanh Hồng nói. 

Những năm tháng nhạc sĩ Trần Hoàn ở chiến trường Trị Thiên Huế, dù bận trăm công ngàn việc, ông vẫn luôn giành cho gia đình tình cảm vô cùng thắm thiết. Mở đầu thư, ông luôn gọi tên vợ “Em Hồng” hoặc “Em Thanh Hồng”. Đọc thư ông viết cho vợ, luôn thấy sự thẳng thắn, rõ ràng, quan tâm đến từng công việc cụ thể nơi hậu phương. Ông hỏi thăm vợ con, hướng dẫn cho vợ đi sửa chiếc quạt, chiếc đài, động viên và tin tưởng vợ thi tốt, góp ý về chuyện nghỉ hè của các con... “Em đừng lo lắng quá. Đời còn dài, đồng thời cũng cố gắng hết sức có thể cố gắng được. Làm được như thế là được rồi, và chỉ cần như thế thôi…”. Có lẽ, bởi những tình cảm thân thương, giản dị ấy mà sau này ông đã viết nên ca khúc Lời người ra đi: “Dù xa xôi em nhớ lời/ Rằng muốn có một ngày về/ Thì chiến đấu đừng sờn lòng/ Đừng nề gian khổ em ơi”…

Triển lãm Tình yêu qua chiến tranh diễn ra từ ngày 22-31/7 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam
Triển lãm Tình yêu qua chiến tranh diễn ra từ ngày 22-31/7 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam

Những tình cảm lưu luyến ấy có khi được viết vội trong những đợt hành quân, cũng có khi được viết trong đêm khuya vắng, dưới ánh trăng ngà, cũng có khi được viết trong đói khát, bom đạn và chết chóc. Tình cảm có lúc buột ra thành lời thư, cũng có khi giấu kín, như bức thư của ông Phạm Hoài Thủy gửi cho vợ là bà Lê Nguyệt Bảo (cán bộ trường học sinh miền Nam số 8, Tam Đảo, Vĩnh Phúc) khi ông trong thời gian quân ngũ 1972-1976. 

Trong những lá thư ấy, vừa có sự rắn rỏi của một người chiến sĩ, vừa có hình bóng một người chồng, người cha có trái tim ấm áp. “Người gian khổ không phải là anh đâu. Càng ngày anh càng nhận ra rằng người phải chịu nhiều nỗi buồn và gian khổ nhất là người vợ nuôi con chờ chồng… Mùa đông rồi, em chú ý em Lân hay bị sưng phổi lắm đấy. Nếu bị là ảnh hưởng đến chân của em Lân đấy. Chữ Long xấu quá, em cố rèn luyện cho con viết tập nhiều. Anh không tin em Lân hết tồ và anh Long hết cong đuôi đâu”, thư ghi. 

Vẫn còn rất nhiều bức thư tình thời chiến mà chúng ta chưa có cơ hội được tiếp cận, chắc chắn, trong mỗi lá thư ấy, tình cảm gia đình, tình yêu đôi lứa luôn đong đầy. Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng khi đọc lại những lá thư tình “ở hai đầu nỗi nhớ”, chúng ta cứ ngỡ những câu chuyện vừa mới xảy ra. Nói như nhà văn Lady Borton, “những lá thư này có thể giúp các cháu nội ngoại của họ hiểu về cuộc kháng chiến hơn bất cứ sách dạy sử nào. Đây là những lá thư riêng, nhưng cũng là một phần nhỏ lịch sử của đất nước các bạn”. 

Cốc Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI