Để trả thù người ngăn trở tình yêu, một phụ nữ đã tạt xăng, châm lửa đốt cháy chiếc xe máy để trong hầm giữ xe. Ngọn lửa cháy lan hầm xe của khu phòng trọ, làm một người chết, năm người bị thương, trong đó có cả trẻ em. Những người khác trong khu trọ được cảnh sát phòng cháy chữa cháy dập lửa, hướng dẫn thoát nạn kịp thời.
|
Nghi phạm (giữa) bị bắt ngay sau vụ phóng hoả |
Người phụ nữ bị bắt ngay sau đó, nhà chức trách xác định cô ta không mang thai, cũng không có dấu hiệu tâm thần. Vụ việc diễn ra cứ như chuyện đùa, một cách ngớ ngẩn, nhưng hậu quả thì vô cùng nghiêm trọng. Người ta bàng hoàng hỏi nhau: Sao bây giờ người ta có thể làm ác một cách thiếu suy nghĩ đến mức vô lý như vậy?
Ngọn lửa đốt nhà trả thù tình đã gây ra cái chết của người vô tội, gây nên sự bất an trong cộng đồng. Đây là điều khiến dư luận căm phẫn. Tội ác gia tăng là dấu hiệu của sự sa sút về đạo đức, trong nhận thức của từng cá nhân và trong môi trường xã hội nói chung. Người ta có thể lý giải do nhiều thứ, từ hậu quả của mạng xã hội, hậu quả của tâm lý yêu cuồng sống vội, lối sống thực dụng ích kỷ…
Nhưng điểm xuất phát cơ bản nhất vẫn là con người đó, quyết định đó. Khoảnh khắc tạt xăng, châm lửa đốt, cái gì đã diễn ra trong lòng người? Cái gì đã che mờ lý trí, khiến con người trở nên tăm tối, không nhìn thấy hậu quả của việc mình làm?
Người ta nói đàn bà khi yêu thường mù quáng. Trong lời khai của người đàn bà đó, có thể thấy rõ “tình yêu” này. Cô ta đang yêu, một thứ tình yêu khiến người được yêu phải sợ hãi, trốn tránh.
Thời gian yêu nhau gần hai năm của cặp đôi trong vụ việc trên, người đàn ông kể lại rằng anh ta phải lánh mặt vì bạn gái thường xuyên ghen tuông, đập phá đồ đạc, đốt máy tính.
Đó cũng là những cảm xúc hành động thường thấy khi người ta sợ bị bỏ rơi, sợ bị từ chối tình cảm của mình, muốn kiểm soát và sở hữu người mình yêu một cách tuyệt đối.
Nỗi sợ hãi lớn nhất, tuyệt vọng nhất trong tình yêu có lẽ là nỗi sợ bị từ chối, hoặc nếu tình yêu đó đã diễn ra được một thời gian, đó là nỗi sợ bị bỏ rơi, bị phản bội.
Nỗi sợ hãi này đã nung nấu trong lòng một thời gian khá lâu. Nên khi tình cảm bị ngăn trở thực sự, nỗi sợ ấy biến thành uất ức. Người ta tìm tất cả lý do để níu kéo đối phương, tìm tất cả những người liên quan để đổ lỗi và hy vọng khi đổ lỗi được cho một ai đó khác, người ta sẽ tìm lại được tình yêu của mình. Sự mù quáng của người đàn bà khiến người ta không thấy rằng một khi tình yêu đã hết, càng níu kéo càng gây thêm thảm họa.
Chẳng có kẻ chủ mưu giết người đốt nhà nào khi vừa gây án xong, đi khỏi hiện trường rồi, nghe một cuộc điện thoại là lật đật chạy trở lại hiện trường như không hề suy nghĩ, lo lắng.
Cũng chẳng có kẻ thủ ác nào thời buổi này thiếu hiểu biết đến mức không quan tâm đến máy quay an ninh đang ghi lại tất cả những việc mình làm. Chỉ có một người đang yêu một cách mù quáng mới hành xử như vậy. Cô ta đã bị ngắt kết nối, bị ngăn trở, cô ta khao khát được gặp gỡ, được nối lại tình cảm, tất cả những hy vọng ấy khiến cuộc điện thoại của người yêu lúc đó có nghĩa là tất cả những gì cô ta mong muốn.
|
Người tự trọng sẽ bình tĩnh làm chủ cảm xúc, để suy nghĩ và chữa lành vết thương của mình (Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK) |
Người ta có thể lên án kẻ châm lửa là “điên”, có thể chỉ ra mối liên quan đến một lớp trẻ sống vội, giành giật bằng được những gì mình muốn, nếu không có được thì hành động ích kỷ, chà đạp lên người khác, thậm chí hủy hoại sinh mạng của người khác. Nhưng nghĩ cho cùng, đó vẫn là nhắm vào phần mặt ngoài của hành vi. Cái ẩn sâu bên trong vẫn là tình cảm, là những khát khao chỉ có người ta biết. Tất cả những điều đó thúc giục người ta hành động.
Nhưng không thể dùng tình yêu để biện minh cho kẻ thủ ác, làm tổn hại đến sinh mạng con người, gây ra nỗi bất an cho cộng đồng. Nhắc nhiều đến tình yêu trong vụ việc này có thể gây hiểu lầm, khiến cho tình cảm đẹp đẽ, mãnh liệt ấy bị vấy bẩn. Nhìn vào câu chuyện đi, để thấy một tình cảm đã bị biến tướng, méo mó, không còn là tình yêu nữa.
Xét cho cùng, tình yêu trong trường hợp này đã biến thành sự ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân mình, chỉ tự yêu lấy bản thân mình, không chấp nhận nếu bản thân mình không được đáp lại.
Chấm dứt một tình yêu, chủ động rời khỏi hay bị buộc phải rời khỏi một mối quan hệ tình cảm, đó là chuyện con người phải trải qua không ít lần trong đời. Người tự trọng, có lòng tự tin vào bản thân sẽ bình tĩnh hơn để làm chủ cảm xúc, để suy nghĩ và chấp nhận nó, chữa lành vết thương của mình. Ở trong câu chuyện buồn thảm này, không có chút lý trí nào như vậy. Sự trả thù đã che mờ lý trí, khiến con người hành xử ác độc, vô trách nhiệm.
Đây cũng là một cảnh báo cho toàn xã hội, việc yêu đương, chia tay dễ dãi của một lớp người trẻ tạo ra những bi kịch cá nhân đã không còn là chuyện của cá nhân, mà đã trở thành chuyện của cộng đồng.
Hoàng Mai