Khi tình thâm nhẹ hơn tấc đất - Kỳ 2: Con “ép” mẹ đi tù

07/07/2013 - 14:42

PNO - PN - Chỉ vì “tấc đất” mà mẹ con, anh chị em ruột chẳng thèm nhìn mặt nhau. Thậm chí có kẻ sẵn sàng đưa mẹ già ngoài 80 tuổi ra trước vành móng ngựa, đứng đơn đòi tòa phải áp dụng hình phạt tù giam đối với mẹ mình.

Một cuộc hỗn chiến

Bị cáo Nguyễn Thị Cải (ảnh trái) là mẹ của các bị cáo Hoàng Thị Bạch, Hoàng Thị Tập, Hoàng Thị Thực, Hoàng Thị Hành, Hoàng Thị Vân, đều trú tại thôn Xuân Lai, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội, cùng bị truy tố về tội “hủy hoại tài sản”. Nạn nhân của vụ án này là vợ chồng anh Hoàng Văn Đích, Nguyễn Thị Thưởng (ảnh phải), cũng là con của bị cáo Cải, trú cùng địa chỉ. Bi kịch gia đình xuất phát từ việc tranh chấp đất đai giữa bà Cải và anh Đích, kéo dài trong nhiều năm, gây mất trật tự địa phương.

Một buổi sáng, bà Cải cầm búa sang nhà con trai Hoàng Văn Đích, toan đập tường công trình phụ mà anh mới xây trên đất của mình. Chị Thưởng thấy vậy, giằng búa và đẩy mẹ chồng ngã dúi dụi xuống nền đất. Bà Cải liền hô hoán ầm ĩ, khiến năm cô con gái và con dâu chạy sang cứu mẹ. Trước mắt mọi người, bà Cải nằm lăn dưới đất không dậy được, còn chị Thưởng thì trên tay lăm lăm cái búa đinh. Ai cũng tưởng bà Cải đang bị con dâu hành hạ, liền xông vào đánh chị Thưởng phải đi cấp cứu. Chuyện không dừng lại ở đó, vài ngày sau, bà Cải cầm gậy tre cùng năm người con sang nhà anh Đích với quyết tâm phá bằng được công trình phụ. Bà Cải dùng gậy tre chọc lên mái ngói, rút ngói ở chuồng ngựa nhà con trai, những người còn lại thì đẩy đổ tường. Chỉ trong vòng 15 phút, tất cả công trình phụ nhà anh Đích vừa mới xây chỉ còn lại đống đổ nát.

Anh Đích làm đơn tố cáo gửi lên Công an huyện Sóc Sơn, nên bà Cải và năm người con gái của bà bị khởi tố về tội “hủy hoại tài sản”. Phiên sơ thẩm, tòa án tuyên phạt các bị cáo nói trên mức án sáu tháng tù, nhưng cho hưởng án treo. Về phần tài sản, các bị cáo có nghĩa vụ đền bù cho bị hại tám triệu đồng. Ngay sau đó, vợ chồng anh Đích có đơn kháng án, gửi cấp phúc thẩm, đề nghị phải phạt tù giam đối với sáu bị cáo, trong đó có bà mẹ già 81 tuổi. Trước phiên phúc thẩm, anh Đích còn mời luật sư bảo vệ quyền lợi của mình.

Có mặt trong khán phòng lạnh lẽo của tòa án TP. Hà Nội, không ai khác ngoài những người thân trong gia đình bà Cải và luật sư. Cụ bà lưng còng được con, cháu dìu ra đứng trước vành móng ngựa với dáng vẻ khó nhọc, run run trả lời từng câu hỏi của hội đồng xét xử, gương mặt lộ rõ vẻ sợ sệt. Anh Đích thì khăng khăng nói trước tòa: “Chúng tôi không còn tình mẹ con hay anh em gì sất. Đề nghị quý tòa xử nghiêm để lấy lại công bằng cho vợ chồng tôi”. Vị chủ tọa hỏi: “Án tại hồ sơ, sai đến đâu tòa xử đến đó, thế nhưng con người ta ăn ở cần có trên có dưới, có trước có sau. Trường hợp này, con trai lại muốn mẹ và chị em mình đi tù… Cá nhân chị Thưởng có suy nghĩ như thế nào?”. Chị Thưởng đáp dõng dạc: “Họ quá đáng với tôi nên mới bị như thế chứ”. Chủ tọa hỏi tiếp: “Nghĩa là chị kiên quyết “đẩy” mẹ chồng, chị chồng vào tù đúng không?”. Chị Thưởng trả lời: “Tôi không còn quan hệ gì với họ nữa”.

Dù được nghe phân tích thế nào, vợ chồng Đích - Thưởng cũng không lay chuyển, phải bắt bằng được người thân vào tù mới hả giận. Suốt buổi xử án, những người ruột thịt trong gia đình bà Cải như đứng giữa hai chiến tuyến. Hầu hết họ đều mang gương mặt khắc khổ, sợ hãi. Có lẽ cả đời họ, đây là lần hiếm hoi rời vùng nông thôn ra thành phố mà cũng là lần đầu tiên họ đứng giữa chốn pháp đình uy nghiêm đến vậy. Bà mẹ già nước mắt lưng tròng, không nói nên lời. Sau khi nghe tuyên y án sơ thẩm, bà cụ được dìu ra khỏi phòng xử án với dáng vẻ đau khổ. Ngược lại, vợ chồng anh con trai tỏ vẻ hậm hực, đe dọa: “Tòa không dám xử công minh vụ này, tôi sẽ kháng nghị lên tòa cấp trên nữa”.

Khi tinh tham nhe hon tac dat - Ky 2: Con “ep” me di tu

Khi tinh tham nhe hon tac dat - Ky 2: Con “ep” me di tu

Nỗi đau còn lại

Chúng tôi tìm về nhà cụ Nguyễn Thị Cải để tìm hiểu thêm những thông tin bên lề vụ án hy hữu này. Cụ Cải kể: “Tôi có tất cả bảy người con, bốn trai, ba gái, chẳng ai được ăn học đến nơi đến chốn. Nhà đông con, nên phải rời làng ra ven đê lấp ao, dựng nhà trên đất lấn chiếm được. Ngày xưa nghèo khổ lắm, chẳng ai giữ đất làm gì, cũng không ai quan tâm đến giá trị của đất, nên có chiếm thoải mái cũng chẳng ai ngăn. Nhưng nhà tôi nghèo quá, mỗi ngày gánh một ít đất từ ngoài đồng về lấp cái ao trong hàng chục năm mới được chừng 300m2 cả thảy. Không đủ ăn, vợ chồng tôi phải cho hai đứa con gái đi ở đợ cho người ta để nhà bớt miệng ăn. Nghèo thì chẳng thấy ai kêu ca, xích mích gì, đến khi cuộc sống khá hơn một chút, tôi dựng vợ, gả chồng cho tất cả các con, thằng Đích được ở trong ngôi nhà ba gian sau khi lấy vợ thì bắt đầu có chuyện tranh giành đất đai… Sau khi ông nhà tôi qua đời, tôi phải gọi anh em họ hàng đến chứng kiến việc chia cho vợ chồng Đích mảnh đất hơn trăm mét vuông. Ở giữa nhà tôi và nhà Đích còn một mảnh đất vài chục mét nữa chưa xây dựng và đây chính là nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn. Ai cũng nghĩ chỗ đất đó thuộc quyền sở hữu của mình. Những người con khác đều đứng về phía tôi, nhưng riêng vợ chồng Đích thì kiên tâm lấn chiếm mảnh đất đó”.

Ai cũng có cái lý của mình, chị Thưởng vẫn đầy hiềm khích khi nói về người mẹ chồng mà chị ta đã không thể “tống” được vào tù. Thưởng không ngại gọi mẹ chồng là “bà ấy” khi nói chuyện với chúng tôi. “Từ năm 2007, nhà tôi và nhà bà ấy đã chẳng thèm nhìn mặt nhau nữa rồi. Chồng tôi còn chẳng thèm nhận mẹ nữa là. Chồng tôi bảo anh ấy sinh ra ở gốc chuối, tự lấy vợ, tự làm nhà, chẳng ai có quyền tranh giành đất đai của nhà tôi cả. Không cần anh em, họ hàng gì hết” - Thưởng nói. Những người hàng xóm, tuy không tham gia vào chuyện riêng của gia đình bà Cải, nhưng khi được hỏi thì ai cũng xót xa cho thân phận của bà cụ. “Nhà thằng Đích làm đám cưới linh đình cho hai cô con gái, bên này mở nhạc xập xình, mâm to mâm nhỏ, bên kia mẹ già ngồi bó gối nhìn sang. Cả làng biết vợ chồng Đích tổ chức lễ cưới mà cấm cửa mẹ già và các anh chị em bên nội. Khách mời chủ yếu là bên ngoại và người quen của nó thôi…” - một người hàng xóm bức xúc nói.

Anh Hoàng Văn N., cháu đích tôn của cụ Cải kể: “Vài ngày sau khi tòa phúc thẩm tuyên y án, chú Đích cầm gáo nước tiểu định hắt vào chăn chiếu của bà cháu nhưng bị bố cháu phát hiện, ngăn lại”.

Vừa gặp chúng tôi, anh Đích đã hậm hực “tố” tội mấy ông anh ruột đã dùng điếu cày “phang” vào chân anh sau khi anh trở về từ phiên tòa, đến giờ vẫn còn đau. Đích dọa sẽ kiện mấy ông anh trai ra tòa, cho đi tù tiếp. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới xây còn nồng mùi vữa, chị Thưởng nói: “Vợ chồng tôi khó khăn lắm mới xây được công trình phụ mà bị bà ấy phá mất, tức lắm, bà ấy quá đáng lắm. Không có tiền sơn nhà, chúng tôi vẫn phải cố để thuê luật sư đấy chứ, không cho chúng nó đi tù được mới đau chứ”.

Anh Đích mặc kệ vợ bới móc, tố tội mẹ già, cho đến khi chúng tôi hỏi chuyện: “Anh chị chỉ có hai cô con gái đã đi lấy chồng hết cả rồi thì cần đất rộng mà làm gì”?, anh Đích đáp: “Em còn có một thằng cu nữa chứ, còn phải lo cho nó. Mà kể cả là không cần đi chăng nữa thì đấy dẫu sao cũng là cái công gánh đất, lấp ao của em nữa mà”. “Giả sử, đổi mảnh đất đó mà được tình nghĩa mẹ con, anh em ruột thịt thì tính sao?”, anh Đích đáp: “Nếu có tình nghĩa mẹ con thì đã không đến mức thế này, đổi làm gì”. “Nhỡ mai sau mẹ anh nằm xuống, anh cũng không cần đến chịu tang?”, nghĩ một lúc rồi Đích đáp: “Điều này em chưa hứa được vì chẳng còn tình nghĩa gì nữa”.

Rời Xuân Lai, chúng tôi cứ ám ảnh mãi về lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của vợ chồng Đích - Thưởng rằng: “Chúng tôi sẽ kiện tiếp, rằng bà ấy (nghĩa là cụ Cải) phải đi tù cho biết mặt. Có gan ăn cắp thì có gan chịu đòn”. Thật đáng buồn là trong vụ án hy hữu này, chính quyền địa phương chưa từng phát huy vai trò hòa giải.

 Chi Mai

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI