Chỉ sau 3 ngày ra mắt, phần trình diễn Mẹ yêu con quy tụ đông đảo nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ - 7X, 8X, 9X - trong một chương trình truyền hình thực tế đã cán mốc hơn 2 triệu lượt nghe, lọt tốp 4 xu hướng trên YouTube Việt Nam, hơn 1 triệu lượt nghe trên TikTok, nhận về hàng trăm ngàn lượt bình luận, chia sẻ.
Dù gần 70 năm đã trôi qua nhưng giai điệu từ những ngày đất nước còn chia cắt ấy vẫn hấp dẫn với khán giả đương đại. Khúc ru quen thuộc với tất cả người Việt ấy lại thêm một lần được “thay áo mới”, truyền cảm hứng sáng tạo tới thế hệ nghệ sĩ trẻ, được vang lên mạnh mẽ đầy xúc động, tạo nên một không khí âm nhạc đầy thiêng liêng về tình mẫu tử và niềm tự hào dân tộc. Trên mạng xã hội TikTok, một khán giả trẻ bình luận: “Bài hát khiến tôi thấy yêu và tự hào về đất nước, cảm ơn nhạc sĩ đã để lại cho thế hệ trẻ một bản nhạc sống mãi trong trái tim mỗi người Việt”.
|
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và bà Bạch Lê thời mới yêu nhau (1952) |
Bản nhạc kinh điển về tình mẫu tử
Mẹ yêu con được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sáng tác vào năm 1956, cho người vợ thứ hai của ông là bà Bạch Lê (em gái nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương). Ông kể lại rằng, trong những năm tháng đó, cuộc sống gia đình ông rất khó khăn, túng thiếu; vợ ông phải rất vất vả, tần tảo để xoay xở lo toan cho gia đình. Sau 3 năm kết hôn, họ có con gái đầu tiên. Mẹ yêu con ra đời trong niềm xúc động dâng trào của người cha được đón chào cô con gái bé nhỏ.
Tuy nhiên, vì tình yêu và cả tình thương, sự trân trọng với vợ, nhạc sĩ muốn dành những giai điệu đẹp đẽ nhất để tặng cho người vợ vừa vượt cạn, chứ không viết cho mình. Cũng từ lý do đó, Mẹ yêu con ra đời với sự yêu thương và trân trọng lớn lao dành cho những người vợ, người mẹ, cũng như tất cả phụ nữ trên thế gian. Nhạc sĩ kể lại: “Lúc ấy, nhìn đứa con bé bỏng nằm trong nôi, tôi thấy lòng mình tràn ngập yêu thương, chỉ muốn ôm con vào lòng và hát ru. Những giai điệu của Mẹ yêu con cứ thế tuôn trào”.
Bài hát được mở đầu với tiếng ru hời vô cùng quen thuộc: “À á ru hời, ơ hời ru….”. Giai điệu êm đềm, tha thiết, dễ đi vào lòng người như lời thủ thỉ tâm tình của người mẹ dành cho đứa con bé bỏng. Phần ca từ được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thổi vào một không gian “rất Việt Nam” với những hình ảnh giản dị, quen thuộc như: mái hiên, nắng sớm, mưa ròng, đài hoa đang hé… hay câu hỏi rất giản dị mà như gợi bao tâm tư của những người mẹ, người chị, người bà: “Mẹ thương con có hay chăng, thương từ khi thai nghén trong lòng?”.
Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, ban đầu ông viết Mẹ yêu con cho giọng nam. Tuy nhiên, trong một lần tình cờ, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thanh Huyền, khi ấy là một giọng ca trẻ triển vọng với chất giọng soprano (nữ cao) trong sáng, ngọt ngào đã được nghe giai điệu bài hát và lập tức bị thu hút. Bà ngỏ ý với nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý để được thể hiện ca khúc này. Nhận thấy chất giọng của Thanh Huyền phù hợp với tinh thần của Mẹ yêu con, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đã đồng ý.
|
Chân dung nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý |
Và rồi, bằng tài năng và những rung cảm đồng điệu với bài hát, NSND Thanh Huyền đã thể hiện Mẹ yêu con một cách xuất sắc. Giọng hát đầy cảm xúc kết hợp với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện của bà đã thổi hồn vào ca khúc, tạo nên một bản thu kinh điển đi vào lòng người, trở thành chuẩn mực cho nhiều thế hệ ca sĩ sau này. Nói về Mẹ yêu con, NSND Thanh Huyền từng chia sẻ: “Lần đầu tiên hát Mẹ yêu con, tôi đã rất xúc động. Giai điệu và ca từ của bài hát như nói hộ lòng tôi, nói hộ tình yêu thương của tất cả những người mẹ trên thế gian”.
Tiếng hát của NSND Thanh Huyền đã góp phần quan trọng đưa Mẹ yêu con đến gần hơn với công chúng và được nhiều người biết đến. Ca khúc liên tục được phát trên các đài phát thanh, các chương trình âm nhạc. Cũng từ đó, Mẹ yêu con được nhiều giọng nữ cao như NSND Lê Dung, NSND Thu Hiền, sau này là Anh Thơ, Lan Anh, Tân Nhàn… hát lại, góp phần đưa ca khúc trở nên nổi tiếng và lan tỏa khắp miền Bắc, trở thành một trong những bản nhạc về tình mẫu tử được yêu thích nhất cho đến tận bây giờ.
Không chỉ được khán giả yêu thích, Mẹ yêu con còn được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Ca khúc trở thành một trong những bản nhạc mẫu mực trong nhiều giáo trình tại các trường đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp. Sự hoàn thiện về giai điệu, ca từ, cấu trúc và nhạc cảm tinh tế đã khiến bài hát được nhiều nghệ sĩ lựa chọn để thể hiện giọng ca cũng như kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện.
Tình dân tộc và sự kết nối thế hệ
Năm 1956, dù miền Bắc đã được giải phóng nhưng đất nước vẫn còn bị chia cắt, miền Nam vẫn chìm trong chiến tranh khói lửa. Khi đó, người dân miền Bắc hân hoan phấn khởi với thắng lợi của cách mạng nhưng cũng đau đáu tâm tư cho miền Nam, mong một ngày đất nước thống nhất, 2 miền sum họp. Bối cảnh lịch sử đáng nhớ ấy đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến cảm xúc và tư tưởng của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khi sáng tác Mẹ yêu con. Trong bài hát, bên cạnh tình mẫu tử thiêng liêng vẫn thấy chan chứa tình dân tộc, như câu hát rất đỗi tự hào của ông: “Bóng đất nước hình như bóng dáng con tôi…”.
Nhà phê bình Nguyễn Thụy Kha nhận định: “Mẹ yêu con ra đời trong bối cảnh đất nước vừa giành được độc lập, khát vọng hòa bình, xây dựng cuộc sống mới đang dâng cao. Tác phẩm không chỉ là lời ru con mà còn thể hiện niềm tin yêu vào tương lai, vào thế hệ trẻ tiếp bước cha anh xây dựng đất nước”.
Trong âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng là một trong những nhạc sĩ thành công nhất khi kết hợp âm hưởng cách mạng với âm hưởng dân gian, tạo nên những tác phẩm giàu tính dân tộc và đậm bản sắc Việt Nam như Dáng đứng Bến Tre, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh… Do được sinh ra trong gia đình có cha là nghệ sĩ nổi tiếng khắp vùng Vĩnh Phúc, thông thạo cả hát văn, hát chèo và hát ả đào, âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý luôn mang đậm màu sắc dân ca ngọt ngào sâu lắng. Với Mẹ yêu con, ông đưa vào làn điệu hát ru vô cùng quen thuộc nhưng lại được cách tân nhuần nhuyễn, mượt mà theo phong cách hiện đại, khiến ca khúc vừa gần gũi, bình dị lại vừa vô cùng sang trọng, không thua kém bất kỳ bản nhạc cổ điển thính phòng nào.
Mẹ yêu con - nhà tinh hoa (tiết mục nhóm) chung kết Anh trai vượt ngàn chông gai 2024
Bài hát không chỉ mang ý nghĩa về tình mẫu tử mà còn “vươn mình”, trở thành khúc hát về những phụ nữ Việt Nam không quản ngại gian khổ, nắng mưa mà thương con, hy sinh cho con. Cao hơn nữa là tình yêu lớn với quê hương xứ sở, để nhìn tương lai của con em mình, của thế hệ trẻ như tương lai đầy hy vọng của đất nước. Cũng chính tinh thần thiêng liêng và hào hùng đó khiến ca khúc đi cùng lịch sử, truyền cảm hứng tới cả thế hệ trẻ ở thời đại này.
Gần 7 thập niên trôi qua, bài hát vẫn được nhiều thế hệ người Việt Nam yêu thích và liên tục được trình diễn trên các sân khấu lớn, các chương trình mang tầm cỡ quốc gia. Ca khúc cũng liên tục được xuất hiện trong các chương trình truyền hình hay các cuộc thi âm nhạc chuyên nghiệp, chắp cánh cho rất nhiều giọng ca thành danh. Không chỉ là một bản nhạc giàu giá trị nghệ thuật và được giới chuyên môn đánh giá cao, Mẹ yêu con còn đi vào đời sống nhân dân, trở thành bản nhạc kết nối thế hệ mà nhiều người Việt Nam yêu thích và cảm thấy thân thuộc.
Lan Anh - Nguồn ảnh: Internet